Người Đà Nẵng
Một trong những yếu tố làm nên bộ mặt Đà Nẵng hôm nay chính là sự đồng lòng của người dân thành phố, nói như Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân.

Lòng dân làm nên phố mới, lòng dân làm nên những con đường khang trang, những cây cầu nối liền đôi bờ…. Người Đà Nẵng hôm nay đã có 37 năm sống trong hòa bình, 15 năm ở thành phố trực thuộc Trung ương, cuộc sống của người Đà Nẵng ngày càng khá hơn, và hình ảnh về một tính cách, con người Đà Nẵng chân chất, hiền hậu, hiếu khách được khắc họa rõ hơn bao giờ.

Anh bạn tôi, trong một lần bình luận cho bài viết về Đà Nẵng trên trang cá nhân của tôi, có kể một câu chuyện mà anh là người trực tiếp chứng kiến khi có mặt tại lần họp cuối cùng ở Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng (cũ) để chuẩn bị cho ngày công bố quyết định chia tách Đà Nẵng và Quảng Nam. Ngày ấy, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, khi đó đang là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (cũ) có nói rằng: “Lâu nay chúng ta như Tề Thiên múa gậy gầm giường, mai đây đã có khoảng trời cao rộng, múa không ra sao là có tội với nhân dân”. Bây giờ, ôn lại kỷ niệm đó, anh bạn tôi nhận xét rằng: Những năm qua, những Tề Thiên của Đà Nẵng đã múa được, như Tề Thiên dùng 72 phép màu biến hóa cho Thành phố có bộ mặt mới như hôm nay. Để kết luận, anh bạn tôi nhận xét: “Nhiều đoàn về Đà Nẵng học tập kinh nghiệm nhưng rồi, về không thực hành được, bởi vì không có... Dân Đà Nẵng ở đó”!

Đà Nẵng xưa

Tôi không bình luận nhiều về câu nói có hơi “lạ” này của ông bạn mình. Mỗi địa phương có một đặc thù riêng về vùng miền, con người, rồi còn là chủ trương, chính sách có phù hợp với đặc điểm, bối cảnh của địa phương hay không. Đó là chưa nói đến cái tâm, cái tầm của người đứng đầu v.v và v.v...Nhưng dù sao thì cũng phải khẳng định một điều là, Đà Nẵng có được như hôm nay là kết quả tổng hòa của sự đồng thuận từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường nhất. Tất cả đã cùng đồng lòng thuận chí để xây dựng một Đà Nẵng lớn mạnh, tươi đẹp như hôm nay,  trong đó yếu tố con người giữ một vị trí vô cùng quan trọng.

Trước hết nói về yếu tố con người trong lĩnh vực giải tỏa - đền bù tái  định cư, vấn đề mà rất nhiều địa phương bạn đến tìm hiểu học tập. Trong 15 năm qua, thành phố đã thực hiện di dời và bố trí tái định cư cho hơn 95 ngàn hộ dân. Công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng đạt kết quả tốt là nhờ sự đồng thuận cao trong nhân dân. Số đơn thư khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến vấn đề đất đai, đặc biệt những trường hợp khiếu kiện kéo dài, chiếm một tỷ lệ không đáng kể so với một số lượng lớn hộ dân phải di dời, giải tỏa như vậy. Bên cạnh đó, “ý Đảng lòng dân” ở Đà Nẵng còn được thể hiện khá sinh động qua việc thực hiện hiệu quả chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” của thành phố. Các con đường nội thành khi mở rộng, nâng cấp, người dân đã tự nguyện hiến đất với trị giá hàng trăm tỷ đồng. Đây là thành công lớn của thành phố trong vận động sự đóng góp của nhân dân cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố quê hương.

Nói đến Đà Nẵng không thể không nói đến các chương trình lớn mang đậm tính nhân văn như chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”. Những kết qủa có được đến hôm này có công sức đóng góp rất lớn của các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng. Đơn cử về mảng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, người Đà Nẵng đã để lại những ân tượng tốt đẹp cho bạn bè gần xa mỗi khi đến đây. Đó là sự thân thiện, hiếu khách, sẵn sàng hợp tác của mọi người từ em bé đến cụ già, từ anh xe thồ đến chiến sỹ công an với những du khách gần xa. Một người bạn của tôi, từ một tỉnh phía Bắc, lần đầu tiên đến Đà Nẵng, đã thốt lên rằng: “Người Đà Nẵng sao mà thân thiện, dễ thương thế!”. Anh nói, chỉ đơn giản việc hỏi đường thôi mà bất kỳ ai cũng hướng dẫn rất tận tình, cặn kẽ, điều mà những thành phố lớn khác không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một chị bạn nữa của tôi cũng kể lại rằng, khi mới đến Đà Nẵng, vì chưa thuộc đường, thỉnh thoảng phải dừng lại hỏi, khi chị hỏi chị bán bánh mỳ thì cả những người đang uống nước mía gần đó cũng bước ra chỉ dẫn rất tận tình, có người còn lấy xe dẫn mình đi qua khỏi đoạn khó diễn tả nữa. Điều này làm chị bạn tôi rất xúc động. Từ những cách hành xử rất đời thường nhưng đậm nét nhân văn đó, đã làm toát lên một Đà Nẵng rất đáng mến, thân thiện, chân thành, được bắt đầu từ những con người Đà thành bình dị như vậy.

Đà Nẵng hôm nay

Đà Nẵng xanh, sạch đẹp hôm nay cũng một phần không nhỏ là do ý thức của người Đà Nẵng. Những con phố, tuyến đường khang trang, sạch đẹp, ngoài nỗ lực của những anh chị công nhân Công ty Môi trường đô thị còn là sự đóng góp của mỗi người dân trong việc hàng ngày quét dọn, khoảng hè phố và cả đoạn đường trước nhà mình...

Các nhà văn hóa đã đúc kết một cách rất cụ thể về người Đà Nẵng là: Đà Nẵng nằm trong vùng đất được tôn vinh là "Ngũ phụng Tề phi", gắn liền với truyền thống hiếu học và say mê sáng tạo. Người Đà Nẵng có bản tính chất phác, ngay thẳng, sống đơn giản, thân thiện, yêu sự chân thật và kiên quyết trong hành động chống lại những điều ác, điều xấu. Trải qua diễn trình lịch sử, Đà Nẵng là nơi quần cư của cư dân nhiều địa phương khác đến; là nơi giao lưu và hội tụ những nét văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước. Dẫu chưa hình thành nét đặc trưng rõ rệt như một số nơi nhưng người Đà Nẵng vẫn có tính cách riêng và ngày càng được hun đúc cùng tiến trình phát triển đô thị.

Vì yêu, vì tâm huyết, trách nhiệm với quê hương mà người  Đà Nẵng từ lãnh đạo đến người dân bình thường luôn đằm mình suy nghĩ những bước đi, cách làm thích hợp nhất để xây dựng thành phố quê hương lớn lên từng ngày. Vất vả, gian nan còn nhiều, nhưng lạc quan và niềm tin thì không bao giờ cạn. Đó cũng là bản chất của người Đà Nẵng. Chúng ta có quyền tự hào vì mình là “Người Đà Nẵng”, về những thay đổi của thành phố mà mình đang gắn bó.

DÂN HÙNG

Các tin bài liên quan

>> Người Đà Nẵng nhìn lại…Đà Nẵng

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác