Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VI về Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực
Với sự có mặt của 64 đại biểu là các học giả của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đại diện của 26 phái đoàn ngoại giao ở Việt Nam cùng nhiều đại biểu trong nước, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ VI về Biển Đông với chủ đề "Biển Đông:hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" do Học viện Ngoại giao, Hội Luật gia Việt Nam Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Đà Nẵng ngày 17-11.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đọc tham luận tại Hội thảo.

Trước tình hình được coi là có nhiều diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Biển Đông, biến nơi này là khu vực tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới và hiện đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế; Hội thảo lần này là một diễn đàn nhằm góp phần làm rõ hơn bản chất và nguyên nhân của các tranh chấp xung đột trên Biển Đông, cũng như những lợi ích chính đáng cúa các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp trên Biển Đông, đưa ra những kiến nghị mới đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình ổn định ở biển Đông.
 
 Phát biểu tại buổi Hội thảo, với tư cách là người đứng đầu một địa phương nằm ở vị trí tiền đồn hướng ra Biển Đông, là nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng từ những tác động diễn biến trên biển, Chủ tịch UBND thành phố Đà NẵngVăn Hữu Chiến đã nêu bật những khó khăn thách thức khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng trong thời gian qua và nhấn mạnh yếu tố lòng tin trong quan hệ giữa các nước . “ Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, công cụ ngăn ngừa xung đột hiệu quả nhất không phải là sự hiện diện của quan hệ thương mại và sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia mà lòng tin của các nước liên quan. Khi lòng tin bị xói mòn, yếu tố cơ bản gắn kết các dân tộc bị suy giảm thì xung đột là điều khó tránh khỏi.”
 
 Nội dung các bài viết của các học giả phần nhiều đi sâu phân tích các tiềm năng về tài nguyên, về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, khẳng định Biển Đông-một trong những vùng biển quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương- vốn là tài sản chung của cả nhân loại chứ không thuộc một quốc gia riêng lẻ nào. Trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông, hòa bình bị đe dọa do các bên đưa ra yêu sách chủ quyền và các hành động đơn phương không tuân thủ nguyên tắc được quy định trong UNCLOSS III, các học giả đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới phải lên tiếng và ủng hộ các quốc gia ven Biển Đông trong việc bảo đảm tự do hàng hải và gìn giữ không gian biển. “Sự cân bằng quyền lực thực sự phải luôn được duy trì trong khu vực để đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp các thực thể đất, và việc phân bổ hợp lý các nguồn tài nguyên của đại dương” là ý kiến của Cựu Phó Đô đốc Ấn độ Anup Singh. TS. Vương Quán Hùng (Đại học Quốc gia Đài Loan) cho rằng: “để giải quyết tranh chấp, hợp tác là một trong những cách thức được tính đến và hoạt động bảo tồn và quản lý chung nguồn lợi thủy sản có thể là một bước khởi đầu để từ đó các bên liên quan có thể xây dựng lòng tin tiến tới mở rộng hợp tác hoặc phối hợp trong các lĩnh vực khác”
 
 Tại các phiên họp tiếp theo, Hội thảo cũng sẽ đi sâu phân tích tình hình chung ở Biển Đông, các chính sách của các bên liên quan; quan hệ quốc tế và trật tự ở Biển Đông ; những khía cạnh pháp lý của Luật pháp quốc tế và các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa.  

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác