Định kỳ tổ chức các sự kiện kết nối cung-cầu sản phẩm của doanh nghiệp
Ngày 14-11, Sở Công thương thành phố tổ chức hội nghị "Kết nối cung-cầu sản phẩm của doanh nghiệp Đà Nẵng" lần thứ 2 năm 2014 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết và Giám đốc Sở Công thương Phan Văn Kha. Cùng tham dự hội nghị là gần 200 đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng.

Gia tăng về số lượng và quy mô các kết nối giữa doanh nghiệp

Tính đến hết tháng 9-2014, trên địa bàn thành phố có hơn 15.200 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đang hoạt động; trong đó, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 68,8%, xây dựng chiếm 13,5%, SX công nghiệp chiếm 11,9%, còn lại 5,8% doanh nghiệp hoạt động ở những ngành nghề khác. Xét về quy mô vốn thì số lượng doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (vốn dưới 1 tỷ đồng) chiếm tới 76,1%; chỉ có 1,1% doanh nghiệp có quy mô lớn (vốn từ 100 tỷ đồng trở lên) với đa số nằm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, Công ty Cổ phần, Công ty TNHH MTV có vốn nhà nước.

 Một phiên kết nối cung-cầu trực tiếp tại Hội nghị

Tình hình liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thời gian qua đã có những chuyển biến rõ nét. Từ chỗ hình thành một cách tự phát theo nhu cầu của một số doanh nghiệp thì nay đã thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm hưởng ứng và tích cực tham gia, đồng thời đã có sự đồng hành của cơ quan QLNN và các hiệp hội doanh nghiệp. Các kết nối giữa doanh nghiệp trên địa bàn đang từng bước gia tăng về số lượng và quy mô. Doanh nghiệp không chỉ nỗ lực tìm kiếm đối tác mới, tham gia vào các hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp mà còn hướng đến xây dựng các mối quan hệ làm ăn lâu dài, ổn định, chú trọng gây dựng lòng tin ở nhau; bên cạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống còn quan tâm mở rộng sản xuất hướng đến nhu cầu đa dạng của đối tác, sản xuất cái người khác cần thay vì cái mình có. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an tòan vệ sinh thực phẩm ngày càng gia tăng cũng tạo cơ hội cho các sản phẩm địa phương được quan tâm nhiều hơn.         

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp Đà Nẵng trong thời gian qua cũng còn tồn tại những hạn chế lớn. Mặc dù đã có một số kết nối được hình thành nhưng với số lượng còn ít, lĩnh vực, ngành nghề hợp tác chưa toàn diện; trong đó một số ký kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị mới chỉ mang tính thăm dò, giá trị thấp, chưa có hợp đồng chính thức. Liên kết hợp tác doanh nghiệp mới chỉ dừng lại chủ yếu ở doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp thương mại. Thiếu sự liên kết giữa nhà sản xuất chính với các nhà sản xuất phụ trợ, giữa các nhà sản xuất phụ trợ với nhau, giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa. Tinh thần đoàn kết cộng đồng, hợp tác để cùng phát triển còn hạn chế. Một số doanh nghiệp còn e ngại, chưa thực sự cởi mở chia sẻ thông tin để tận dụng năng lực, kế thừa, học hỏi kinh nghiệm của nhau, đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của doanh nghiệp Đà Nẵng.

Mở rộng không gian kết nối

Theo ông Phan Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ thành phố, để việc kết nối doanh nghiệp hợp lý và hiệu quả, thành phố cần có quyết tâm và những hành động cụ thể hơn như ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp đang đầu tư tại thành phố, cụ thể như ngành bao bì, in ấn vì có thể giải quyết bài toán tại chỗ rất lớn. Đồng thời, cần chú trọng mở rộng không gian kết nối với các tỉnh thành trong khu vực. Đại diện VCCI Đà Nẵng cũng tán thành ý kiến phải mở rộng không gian kết nối, kết nối giữa các hiệp hội với nhau để đạt hiệu quả cao hơn.

 

Giới thiệu sản phẩm rượu vang mới từ Đài hoa Hibiscus của Công ty TNHH Chăm Chăm

Trình diễn sản phẩm ba lô đeo vai cơ động chữa cháy của Công ty CP KHCN An Sinh Xanh

Bà Bùi Diệu Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng cho rằng, bản thân các hiệp hội phải tạo cơ hội, tổ chức các sự kiện kết nối giữa các doanh nghiệp hội viên với nhau. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng phải có nhiều cải tiến, có thể chuyển đổi sang hình thức giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp. “Nhiều sản phẩm được giới thiệu tại hội nghị không được người dân Đà Nẵng biết đến là được sản xuất tại thành phố mình”, bà Thanh nói.

Bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo lại có một đề xuất cụ thể, sát sườn tại Hội nghị. Bà cho biết, ngành giáo dục thành phố có gần 300 trường học với khoảng trên 132.000 học sinh hằng ngày ăn ở tại trường. Tuy nhiên, một số đơn vị trường học vẫn mua thực phẩm ở ngoài chợ dẫn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn rất đáng lo ngại. Do vậy, ngành giáo dục rất cần có sự kết nối giữa nhà cung cấp, trong đó ưu tiên các đơn vị sản xuất trên địa bàn thành phồ đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, giá cả hợp lý, có thể thấp hơn, lượng cung cấp ổn định, phương thức cung cấp hợp lý và có thái độ phục vụ tốt. Bà cũng đề nghị thành phố có ý kiến chính thức để ngành GD&ĐT thành phố có cơ chế phối hợp với các đơn vị sản xuất trên địa bàn cung cấp sữa, các chế phẩm từ sữa, thực phẩm cho các trường học.  Đề xuất của bà nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố cũng như các doanh nghiệp tại Hội nghị.


 Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết đề nghị các doanh nghiệp thành phố phải hết sức quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá thành, thời gian cung ứng, phương thức thanh toán và giao hàng, coi đây là trách nhiệm của mỗi một doanh nghiệp; đồng thời chủ động hơn trong việc tiếp cận các đối tác. Ông cũng thống nhất định kỳ thành phố sẽ chủ trì tổ chức 1 Hội nghị kết nối cung-cầu vào dịp cuối năm, Sở Công thương tổ chức theo quý hoặc 6 tháng, các hiệp hội tổ chức hằng tháng hoặc theo nhu cầu thực tế phát sinh, đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp có thể tự tổ chức các sự kiện kết nối với nhau. Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết cũng giao Sở Công thương hoàn thành “Đề án kết nối cung-cầu các sản phẩm của Đà Nẵng đến năm 2020” vào cuối năm nay; và chủ trì tổng hợp xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cung-cầu trên địa bàn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như tìm kiếm đối tác kết nối. Đồng thời, tổng hợp các thỏa thuận được ký kết tại Hội nghị này để theo dõi, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo và tổng hợp báo cáo định kỳ hằng quý với lãnh đạo thành phố để biến chương trình đi vào hành động thiết thực, cụ thể và hiệu quả. Ông khẳng định “lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đến các doanh nghiệp, và cam kết góp sức, cùng đồng hành và chia sẻ bằng những hành động thiết thực và cụ thể”.

 

* Tại Hội nghị, đã có 12 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đó là: Cty TNHH VBL ĐN với Công ty TNHH Kiến trúc – Thương mại Á Châu; Công ty CP Cao su ĐN với Cty TNHH MTV Hóa Nhựa ĐN; TCT CP Dệt may Hòa Thọ với Cty TNHH Tường Minh; Nhà máy Bao bì Tân Long với Cty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Ân Điển; Cty CP TM&DV Toàn Vinh Hoa với Cty CP Xi măng Vicem hải Vân; Cty CP Cẩm Hà với Cty CP Kết cấu thép BMF; Cty CP Việt Đà với Khách sạn HAGL; TCT CP Dệt may Hòa Thọ với Cty TNHH Nhựa ABC; Bến Thành Tourist ĐN với Sandy Beach Non Nước Resort; Cty CP TM&DV Toàn Vinh Hoa với HTX đá trang trí Hòa Sơn; TCT CP Dệt may Hòa Thọ với Cty TNHH MTV Hóa Nhựa ĐN; Cty CP Vận tải & Dịch vụ Phú Hoàng với Cty CP Ô tô Trường Hải.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty TNHH VBL ĐN với Công ty TNHH Kiến trúc – Thương mại Á Châu; và giữa Công ty CP Cao su ĐN với Công ty TNHH MTV Hóa Nhựa ĐN 

 

QUỲNH ĐAN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác