Đà Nẵng tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài
"Trong 10 tháng đầu năm 2014, Đà Nẵng thu hút được 153 triệu USD với 22 dự án đăng ký cấp mới và 14 dự án tăng vốn. So với tổng vốn cấp mới và tăng thêm cả nước thì lượng vốn vào Đà Nẵng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Chính quyền thành phố đã và đang hoàn thiện chính sách quản lý, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng năng động và hiệu quả" - đó là khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến tại buổi gặp mặt và đối thoại với hơn 160 doanh nghiệp FDI do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Câu lạc bộ FDI Đà Nẵng đã tổ chức ngày 5-11.

Chủ tịch Văn Hữu Chiến phát biểu tại buổi gặp gỡ và đối thoại khối Doanh nghiệp FDI

FDI nộp ngân sách tăng 221,3%

Đà Nẵng hiện có 304 dự án của 36 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng mức đầu tư 3,37 tỷ USD. Tính đến hết quý III năm 2014, các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách 70,16 triệu USD, tăng 221,3% so với cùng kỳ năm 2013. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp FDI sản xuất công nghiệp đạt 356 triệu USD, xuất khẩu hàng hóa đạt 293 triệu USD, tăng 17,3% và 13,9% so với cùng kỳ năm 2013. Các dự án FDI giải quyết việc làm cho hơn 43.600 lao động với mức lương bình quân 3,3 triệu/tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường trong nước và các hoạt động dịch vụ khác. “ Các dự án FDI đã mang đến những mô hình quản lý tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại và có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo và môi trường đầu tư của thành phố. Tuy nhiên, việc thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế và làm thế nào để tăng sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một điều trăn trở của chính quyền thành phố” – Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến chia sẻ.
 
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thành phố, trong số các quốc gia tham gia đầu tư vốn tại Đà Nẵng, Nhật Bản là quốc gia có số lượng dự án đầu tư nhiều nhất, với 78 dự án, tổng số vốn là 371 triệu USD, chiếm 11%  tổng số vốn đầu trực tiếp nước ngoài tại Đà Nẵng. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động địa phương và các tỉnh lân cận ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
 
Ông Shinichi Iwama, Chủ tịch Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng cho rằng các nhà đầu tư cũng như du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng ngày càng tăng, thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá thông tin về khu mua sắm dịch vụ, khu ẩm thực, xây dựng cửa hàng tiện lợi Nhật Bản… nhằm thu hút các doanh nghiệp đang đầu tư tại đây để chính họ sẽ tiếp tục quảng bá điểm đến Đà Nẵng cho các nhà đầu tư khác. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Võ Duy Khương khẳng định trong thời gian qua, các hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố đã chủ động khai thác các nguồn khách từ Nhật Bản cũng như đáp ứng nhu cầu thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp FDI đến từ các nước. Đồng thời, thành phố đang tiếp tục triển khai quy hoạch KCN dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản, khai thác thêm 10ha tại KCN Liên Chiểu và dành diện tích đất rộng khoảng 100 hecta cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, khu nghỉ dưỡng.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý đất đai, thủ tục hành chính và chính sách xã hội
 
Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố cho biết sau 2 đợt khảo sát vào tháng 4 và tháng 7-2014 đã nhận được 87 kiến nghị của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Trong đó, nhà đầu tư quan tâm chủ yếu về cơ sở hạ tầng, chính sách đất đai, môi trường, thuế, hải quan, thủ tục hành chính, tài chính ngân hàng, hỗ trợ thị trường, kết nối DN, đào tạo nguồn nhân lực… liên quan đến 30 Sở, ban, ngành và 2 Công ty khai thác hạ tầng KCN.  Trong số các kiến nghị, đã có 63 kiến nghị được trả lời và giải quyết hợp lý, chiếm tỷ lệ 72,4%.

Doanh nghiệp FDI quan tâm các chính sách đất đai, môi trường, thuế, hải quan, thủ tục hành chính...

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp FDI đã bày tỏ quan tâm đến việc nâng cao khối lượng hàng hóa và độ an toàn cũng như tốc độ xử lý của dịch vụ tại Cảng Đà Nẵng. Theo đại diện lãnh đạo Cảng Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 20,92% so với cùng kỳ năm 2013. Mặt hàng container tăng 44,33% so với cùng kỳ năm 2013 đã gây nên tình trạng tắc nghẽn bãi cảng, ảnh hưởng đến quá trình xuất nhập hàng hóa và năng suất giải phóng tàu. Trong giai đoạn 2015 - 2018, Cảng sẽ đầu tư xây dựng Tiên Sa giai đoạn 2 nhằm tăng khả năng tiếp nhận các tàu hàng có trọng tải lớn hơn, bảo đảm công suất thông qua cảng đạt 8 triệu tấn/năm.
 
Các vấn đề về thuế, hải quan theo các doanh nghiệp FDI phản ảnh là vẫn còn nhiều thủ tục kê khai phức tạp; đại diện Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan thành phố khẳng định hiện Cục đang rà soát, điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.
 
Về việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực chất lượng cao, Sở Lao động Thương binh và Xã hội trả lời, hiện Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng đã thường xuyên tổ chức các phiên định kỳ vào ngày 1, 10, 20 hằng tháng tại địa điểm 278 Âu Cơ, 21 Phan Châu Trinh và Trung tâm Hội chợ Triển lãm nhằm giúp người lao động có cơ hội tìm việc, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tuyển dụng nguồn lao động.
 
Về việc sử dụng lô đất trống trong các KCN chưa hiệu quả như các doanh nghiệp phản ảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cũng khẳng định thành phố đã chỉ đạo BQL các KCN& Chế xuất rà soát lại các lô đất trống để thu hồi và bố trí cho các nhà đầu tư khác có nhu cầu. UBND thành phố luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI tiếp cận quỹ đất để đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thuê đất kinh doanh sản xuất. Lãnh đạo Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng cũng cho biết, quỹ đất để kêu gọi đầu tư vẫn còn tại các Khu Công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng.
 
Về đề xuất xây dựng các khu nhà ở dành cho công nhân xung quanh các KCN, đặc biệt là các cơ sở giữ trẻ giá rẻ gần các KCN Hòa Khánh, Hòa Cầm, hiện thành phố đang có chủ trương kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư xây dựng nhà trẻ xung quanh các KCN để hỗ trợ công nhân, tạo sự an tâm để lao động. Đơn cử như Sở Xây dựng đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị xây dựng nhà trẻ cho công nhân của Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước với quy mô 2000m2 để phục vụ cho khoảng 3000 công nhân công ty. Theo ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, các khu đất để đầu tư về nhà ở cho công nhân, nhà ở cho nhân viên các doanh nghiệp tại các KCN, KCX đã được quy hoạch và đã đưa về Trung tâm khai thác quỹ đất thành phố và được công khai trên website thành phố và đơn vị; doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp để xem các vị trí đất trống hiện nay có thể phục vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó, thành phố đang phát triển các tuyến xe buýt nhanh từ trung tâm thành phố đến các KCN, KCX, dự kiến năm 2017 sẽ xây dựng tuyến xe buýt đến Khu công nghệ cao.
 
Kết luận tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đánh giá cao sự đóng góp hiệu quả của các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua trên địa bàn, đồng thời khẳng định chính quyền thành phố luôn đồng hành và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI. Chủ tịch yêu cầu Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thành phố Đà Nẵng, các sở ngành thành phố trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Câu lạc bộ FDI Đà Nẵng nhằm giải quyết nhanh chóng những vướng mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả.
 
CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác