Cựu chiến binh là chỗ dựa tin cậy của chính quyền và nhân dân thành phố
"Những gương cựu chiến binh điển hình với những hành động cụ thể, thiết thực, vượt qua khó khăn của chính bản thân mình, chăm lo, chia sẻ, nghĩ tới đồng đội, những người khó khăn hơn mình, tìm kiếm hài cốt đồng đội… có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, rất đáng tự hào, cần được tôn vinh và nhân rộng ra toàn xã hội" – Bí thư Thành uỷ Trần Thọ xúc động nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" thành phố Đà Nẵng lần thứ V (2009-2014).

Hơn 500 đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu".

Chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu
 

 Chị Vũ Thị Kim Liên, nữ CCB, thương binh thường trú tại Tổ 28, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn kể, sinh ra trong một gia đình cách mạng, mồ côi cha mẹ khi mới 2 tuổi, chị sống giữa sự đùm bọc của bà con, láng giềng, đồng đội của ba mẹ. Nối tiếp truyền thống của gia đình, chị tham gia công tác giao liên, du kích, trở thành Đội trưởng đội diệt ác ôn xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1990, chị nghỉ công tác tại cơ quan nhà nước do sức khoẻ không bảo đảm. Trở về cuộc sống đời thường với bao khó khăn chồng chất, chị phải bươn chải với nhiều công việc để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Lúc khó khăn nhất, chị quyết định dắt các con lên núi Sơn Trà vỡ đất trồng trọt các loại cây màu ngắn ngày, cây ăn quả, sinh sống qua ngày. Bước ngoặt của cuộc đời chị bắt đầu khi chị được Hội CCB phường Mỹ An tín chấp vay được 7 triệu đồng (năm 2011) từ Ngân hàng CSXH TP, cùng với số vốn của gia đình, chị quyết định mở trại trồng các loại nấm, đào ao nuôi cá và nuôi gia súc gia cầm; mở trại nuôi dế với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Hội Nông dân thành phố... Đến nay, trừ các khoản chi phí, chị Liên đã thu về được từ 120 đến 150 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục người có hoàn cảnh khó khăn của Đà Nẵng và Quảng Nam.
 
 Chị Liên là một trong rất nhiều gương điển hình trong trận chiến chống đói nghèo, lạc hậu do Hội Cựu chiến binh thành phố khởi xướng và huy động các cấp hội vào cuộc. Với phương châm “Sát từng nhà, rà từng hội viên”, các cấp hội đã đi sâu sát, nắm chắc từng trường hợp cụ thể để triển khai các chương trình giúp nhau thoát nghèo. Đến nay, Hội CCB thành phố đã thành lập 83 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 4 hợp tác xã, 35 tổ sản xuất hợp tác, 164 trang trại cho CCB làm chủ sản xuất; giải quyết việc làm cho 4500 lao động, trong đó có hơn 3000 nguời là con, em CCB, cựu quân nhân. Các nguồn vốn vay uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách do Hội CCB quản lý hiện nay hơn 200 tỷ đồng và huy động Quỹ Hội được gần 8 tỷ đồng. Trong đó có một số điển hình tiêu biểu như Hội CCB huyện Hoà Vang, quận Sơn Trà, Liên Chiểu; Hội CCB phường Hoà Quý, phường Hoà Thọ Đông…
 
 Đồng hành và chia sẻ trách nhiệm
 

 Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng giao cho Hội CCB là giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Hội CCB đã trực tiếp giúp đỡ xây dựng 21 chi đoàn ở khu dân cư từ yếu kém trở thành chi đoàn có hoạt động khá, bồi duỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.
 
 Đặc biệt, với tâm huyết, tình thương yêu và trách nhiệm của người lính bộ đội Cụ Hồ, các hội viên cựu chiến binh đã sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cảm hoá 392 thiếu niên hư theo Chỉ thị 24 của Thành uỷ Đà Nẵng. Bằng nhiều biện pháp tích cực, sáng tạo, đến nay đã có 328 cháu tiến bộ (đạt 84%), hoà nhập cộng đồng, nhiều cháu phấn đấu thành con ngoan, trò giỏi, đoàn viên, tham gia dân phòng, tự vệ… Ông Nhâm Gia Phát, Chủ tịch Hội CCB phường Bình Thuận, địa phương làm tốt nhất công tác này, chia sẻ: “Để cảm hoá được các cháu thiếu niên hư, các hội viên đã phải xuống từng nhà, gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các cháu, đồng thời mở ra các hướng để các cháu có thể lựa chọn như đi học tiếp, học nghề hay tạo việc làm; từ đó có những hỗ trợ thiết thực hơn nữa như trao quà, dụng cụ, phương tiện học tập, học nghề…”.

Bí thư Thành uỷ Trần Thọ trao Huân chương Độc lập hạng 3 cho Hội CCB TP.

 Hơn ai hết, những người cựu chiến binh là những người luôn day dứt về những đồng đội đã ngã xuống, trong đó có nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Do vậy, các hoạt động tình nghĩa trong Hội ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách; xoá 446 nhà tạm, xây dựng 34 nhà tình nghĩa cho các CCB; tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; tích cực tham gia tìm kiếm, đã cất bốc, quy tập 376 hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang… Với những nỗ lực của mình trong tất cả các lĩnh vực, 153 hội cơ sở luôn đạt trong sạch vững mạnh với tỷ lệ từ 98% trở lên; hội viên CCB gương mẫu đạt từ 98-99%, gia đình văn hoá đạt trên 97%.
 
 Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Thành uỷ Trần Thọ đánh giá cao những đóng góp thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc của các hội viên CCB, các cấp hội trên địa bàn thành phố. Đồng chí cho rằng, đó chính là những tấm gương, những bài học có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay về tinh thần vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật, sống thủy chung, son sắt với bạn bè… Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu đáng mừng, đặc biệt trong năm 2014, dự kiến toàn thành phố sẽ đạt và vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách. Để có được thành tựu đó, có sự đóng góp quan trọng của Hội CCB thành phố về mọi mặt, như phong trào xoá đói giảm nghèo của các hội viên; giúp đỡ trẻ em hư ngày càng tiến bộ; chăm lo xây dựng thành phố môi trường, xây dựng nông thôn mới, tri ân nghĩa tình đồng đội… “Lãnh đạo thành phố luôn coi lực lượng CCB là chỗ dựa, địa chỉ tin cậy của chính quyền, nhân dân thành phố. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những cống hiến của các hội viên, đã tiếp tục đồng hành, chia sẻ, gánh vách trách nhiệm trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố” – Bí thư Thành uỷ bày tỏ.

Tại buổi lễ, thừa uỷ nhiệm của Chủ tịch nước, Bí thư Thành uỷ Trần Thọ đã trao Huân chương Độc lập hạng 3 cho Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng.

NGỌC THỦY

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác