UBND TP Đà Nẵng trả lời ý kiến cử tri quận Hải Châu
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa VIII dự kiến diễn ra từ ngày 9-12/12, UBND thành phố đã trả lời ý kiến của cử tri quận Hải Châu đặt ra trước kỳ họp thứ 10. Cổng Thông tin điện tử thành phố xin trích lược một số vấn đề đang được cử tri quận Hải Châu quan tâm. Cụ thể như sau:

1. Theo Quyết định của Chính phủ điều chỉnh hệ số lương từ ngày 1/7/2013 áp dụng mức lương 1.150.000 đồng trên toàn quốc. Ở Đà Nẵng về hưu thì mức lương được tính 1.050.000 đồng. Kính đề nghị UBND thành phố giải thích cho dân được rõ (Cử tri phường Hòa Thuận Tây).
 

 Tại công văn số 4409/BHXH-CSXH ngày 06/11/2013 của BHXH Việt Nam hướng dẫn giải quyết hưởng một số chế độ BHXH kể từ ngày 01/7/2013, đã hướng dẫn giải quyết chế độ hưu trí như sau:
 - Đối với người có thời gian tham gia BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP, hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01/7/2013 trở đi thì mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu được tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng;
 - Những trường hợp không thuộc đối tượng được áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP thì khi tính hưởng các chế độ BHXH tạm thời thực hiện tính mức hưởng theo tiền lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng cho đến khi có hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan có thẩm quyền.
 Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP và hướng dẫn của BHXH Việt Nam tại Công văn số 4409/BHXH-CSXH, từ ngày 01/7/2013 đến nay căn cứ vào tiền lương tham gia BHXH đối với từng trường hợp, BHXH thành phố Đà Nẵng đã giải quyết lương hưu theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng hoặc 1.050.000 đồng. Gồm 2.096 trường hợp, trong đó có:
 - 685 trường hợp thuộc đối tượng áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP thì tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng;
 - 1.411 trường hợp không thuộc đối tượng được áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP thì tạm thời tính theo mức lương tối thiểu chung 1.050.000 đồng.
 
  2. Học sinh, sinh viên ra trường không có việc làm chiếm tỷ lệ rất lớn. Đề nghị UBND thành phố có chủ trương lập quỹ hỗ trợ việc làm để bố trí cho các đối tượng này. (Cử tri phường Nam Dương)
 

 Hiện nay, thành phố chưa thành lập Quỹ hỗ trợ việc làm riêng. Tuy nhiên, thành phố cũng đã thực hiện cho vay vốn để giải quyết việc làm theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg, thành phố có Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Ngoài ra, thành phố cũng đã ủy thác vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, cho vay đối với đối tượng bị thu hồi đất sản xuất do di dời giải tỏa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
 Vì vậy, những đối tượng có nhu cầu vay vốn, kể cả học sinh, sinh viên ra trường lập đề án vay vốn và liên hệ với UBND xã, phường hướng dẫn thủ tục cho vay.
 
  3. Các hộ cận nghèo bức xúc nhà ở. Đề nghị UBND thành phố nên mở rộng cho đối tượng hộ cận nghèo được thuê hoặc mua hộ chung cư của nhà nước (Cử tri phường Bình Hiên)
 

 Hiện nay, việc xem xét cho thuê căn hộ chung cư được thực hiện theo Thông báo số 25/TB-HĐND ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố về điều kiện được tiếp nhận đơn, xem xét giải quyết việc xin thuê chung cư của công dân trên địa bàn thành phố. Theo đó, quy định đối tượng được tiếp nhận đơn xin thuê chung cư phải thuộc một trong các đối tượng, trong đó có:
 - Phụ nữ đơn thân thuộc hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo, đang nuôi con;
 - Gia đình thuộc hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo;
 Tất cả các đối tượng phải thuộc diện đặc biệt bức xúc về chỗ ở.
 Căn cứ vào tiêu chí nói trên thì các hộ cận nghèo, các hộ đã thoát nghèo sẽ không thuộc đối tượng được xem xét giải quyết. Hiện nay, thành phố đang tập trung ưu tiên giải quyết đối với các hộ nghèo, đặc biệt nghèo (còn trong chương trình) có hoàn cảnh đặc biệt bức xúc về chỗ ở.
 
  4. Người dân tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện hàng năm đủ 365 ngày, nhưng đi khám chữa bệnh vào các ngày thứ 7, chủ nhật, lễ … không được cấp phát thuốc cũng như miễn phí khám chữa bệnh. Kính đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm (Cử tri phường Bình Thuận).
 
  Hiện nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa tổ chức khám bệnh vào ngày Thứ 7, Chủ nhật mà chỉ giải quyết cho bệnh cấp cứu. Trong những ngày đó các đơn vị đều bố trí bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý… trực 24/24h theo 4 cấp để phục vụ đầy đủ cho người bệnh và bệnh nhân thuộc diện cấp cứu trong các ngày Thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ vẫn được hưởng chế độ BHYT theo quy định.
 Đối với người bệnh có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (KCB) vào ngày lễ, ngày nghỉ, Thứ bảy, Chủ nhật không phải diện cấp cứu, cơ quan BHXH thanh toán chi phí KCB theo mức thanh toán như hình thức KCB theo yêu cầu riêng và người bệnh thu thập các chứng từ về thanh toán lại tại cơ quan BHXH, mức thanh toán được quy định tại phụ lục thông tư liên tịch số 21/2005/TTLT-BYT-BTC ngày 27/7/2005 hướng dẫn thực hiện BHYT bắt buộc và Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 30/3/2007 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện của liên bộ Y tế, - Bộ tài chính (theo công văn số 3845/BHXH-GĐYT ngày 18/10/2007 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
 
  5. Âu thuyền Thọ Quang bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến ngành du lịch và đời sống của những hộ dân xung quanh. Đề nghị lãnh đạo UBND thành phố quan tâm có hướng xử lý (Cử tri phường Thuận Phước).
 
  Để giảm thiểu mùi hôi do Âu thuyền gây ra, trong năm 2014, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện các biện pháp như: Nạo vét các địa điểm ô nhiễm tại Âu thuyền, thực hiện phun chế phẩm khử mùi hôi tại các cửa xả số 1, 2, 3 và cửa xả phía Nam Âu thuyền từ tháng 4/2014 (02 lần/tuần); điều chỉnh quy trình vận hành Trạm bơm thông thủy Âu thuyền hiệu quả và phù hợp với chế độ thủy triều để giảm thiểu ô nhiễm tại khu vực xuống mức thấp nhất có thể. Ngoài ra, hệ thống cống bao tại phía Đông Âu thuyền để thu gom nước thải tại các cửa xả ST4/1, ST4/2, ST4/3; ST4A/1, ST5/1, ST5/2 đưa về Trạm Xử lý Sơn Trà do Ban Quản lý Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thực hiện đã hoàn thành và chuẩn bị bàn giao cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải quản lý vận hành.
 Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là đơn vị quản lý Âu thuyền cũng thường xuyên giám sát việc xả nước thải vào Âu thuyền; dọn vệ sinh môi trường, vớt rác trên mặt nước, bờ kè và thu gom một phần nước thải từ khu vực chợ cá để xử lý.
 Với những giải pháp đã và đang thực hiện như trên và sau khi Trạm xử lý nước thải Sơn Trà được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành thì tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực được cải thiện.
 
  6. Siêu thị Metro Đà Nẵng có hệ thống thoát nước thải ra sông (bọt trắng, có mùi hôi). Kính đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý (Cử tri phường Hòa Cường Nam)
 
 Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Công văn số 5378/UBND-QLĐTh ngày 20/6/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và đã có Báo cáo số 570/BC-STNMT ngày 30/6/2014 như sau:
 Hệ thống xử lý nước thải của Siêu thị đang hoạt động bình thường. Trong khuôn viên Siêu thị có 60 mét cống hở thoát nước thải nhưng không phát hiện mùi hôi. Nước thải có lưu lượng ít (khoảng 20m3/ngày.đêm) theo mương hở chảy ra kênh Đò Xu (phía Tây Siêu thị), không phát hiện mùi hôi tại cửa xả.
 - Tại chân cầu Hòa Xuân (bờ phía Bắc), gần Siêu thị Metro có cống thoát nước thải Trạm xử lý nước thải Hòa Cường của thành phố chảy ra sông Cẩm Lệ. Do chỉ có xử lý bậc 1 (kỵ khí) nên nước thải xả ra có mùi hôi, nước thải có nhiều bọt trắng.Vể xử lý ô nhiễm tại vị trí này, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế mùi hôi, UBND thành phố cũng đã đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân với công suất 20.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành để xử lý một phần nước thải thu về Trạm xử lý nước thải Hòa Cường. Theo đó, khoảng 17.000 m3/ngày đêm (tương đương 2/3 lượng nước thải) về Trạm xử lý nước thải Hòa Cường, sẽ được đưa về Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân để xử lý; lượng nước thải còn lại khoảng 10.000 m3/ngày đêm sẽ tiếp tục xử lý tại Trạm Hòa Cường, nước thải sau xử lý sẽ đưa ra sông Cẩm Lệ tại vị trí kênh Khuê Trung-Sông Cẩm Lệ, không thải ra vị trí chân cầu Hòa Xuân như hiện nay. Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực cầu Hòa Xuân sẽ được giải quyết.
 
  7. Chợ Mới (Hòa Thuận) xuống cấp, việc bà con tiểu thương buôn bán lấn chiếm kiệt Lê Đình Thám vẫn tồn tại. Đề nghị HĐND thành phố có chủ trương xây mới, nâng cấp để sắp xếp các hộ kinh doanh nhỏ vào các vị trí trong chợ. (Cử tri phường Hòa Thuận Đông)
 

 Ngày 25/01/2014 UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng Quy hoạch chi tiết TL 1/500 chợ Hòa Thuận.
 UBND quận Hải Châu đã có kế hoạch sửa chữa sân nền và lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy với kinh phí khoảng 290 triệu đồng, thời gian triển khai thực hiện trong năm 2015.
 
  8. Khu dân cư Tân Lập 2C (tổ dân phố 25 và 26) phường Thạch Thang có 80 hộ dân ở phía Tây thành Điện Hải nhà ở xuống cấp, người dân muốn tu sửa, nâng cấp nhưng không được phép. Kính đề nghị lãnh đạo thành phố có giải pháp giúp dân sớm ổn định cuộc sống. (Cử tri phường Thạch Thang)
 

 - Ngày 10/10/2013, UBND thành phố Đà Nẵng Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp rà soát quy hoạch các dự án trên địa bàn thành phố. Tại Mục 1.3 của Thông báo nêu trên, có nội dung liên quan đến dự án Khu di tích lịch sử Thành Điện Hải:
 + Đồng ý chủ trương theo đề xuất của Sở Xây dựng về việc điều chỉnh quy hoạch trên nguyên tắc không giải tỏa dân (chỉ tháo dỡ phần cơi nới trái phép).
 + Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo quy chế quản lý xây dựng trong ranh giới bảo vệ di tích lịch sử Thành Điện Hải, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
 - Ngày 30/6/2014, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 5616/UBND-QLĐTh v/v liên quan đến việc điều chỉnh lại ranh giới khu vực bảo vệ II, phía Tây di tích thành Điện Hải, theo hướng đường ranh giới bảo vệ di tích sẽ cách đều chân tường ra ngoài khoảng từ 1m đến 3m và giao Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh lại khu vực bảo vệ II di tích Thành Điện Hải.
 - Ngày 11/8/2014, Sở Văn Hóa,Thể Thao và Du lịch thành phố gửi công văn số 3301/SVHTTDL đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh lại ranh giới bảo vệ II, phía Tây Thành Điện Hải. Trong đó, có đề xuất đối với khu vực tiếp giáp phía Tây và Tây Nam di tích Thành Điện Hải: Điều chỉnh ranh giới bảo vệ Khu vực bảo vệ II di tích Thành Điện Hải theo hướng đường ranh giới bảo vệ sẽ cách đều chân tường thành ra ngoài 2m.
 - Ngày 26/8/2014, Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 564/DSVH-DT đề nghị Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch thành phố bổ sung một số thủ tục theo quy định và phối hợp với UBND quận, phường tổ chức họp thống nhất phương án khoanh vùng bảo vệ di tích với nhân dân địa phương. Như vậy, sau khi có ý kiến chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố sẽ giao cho địa phương thực hiện việc cấp phép xây dựng phù hợp với ranh giới bảo vệ di tích Thành Điện Hải.
 
  9. Thành phố Đà Nẵng có quá ít công trình vui chơi giải trí, công viên cây xanh cho người dân. Đề nghị UBND thành phố có quy hoạch quỹ đất để xây dựng công trình vui chơi giải trí, công viên cây xanh cho người dân thành phố (Cử tri phường Nam Dương, phường Thạch Thang, quận Hải Châu).
 
 
Trong năm 2014, Sở Xây dựng được UBND thành phố giao phối hợp Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Viện Quy hoạch xây dựng và UBND các quận, huyện rà soát, quy hoạch quỹ đất và lập mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cấp cơ sở nhằm sử dụng hiệu quả hạ tầng hiện có và đề xuất địa điểm phù hợp tại những khu vực còn thiếu.
 Tại Công văn số 6764/UBND-QLĐTh ngày 31/7/2014, UBND thành phố giao Sở Xây dựng trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới Thiết chế văn hóa có bao gồm cả các chức năng khác như cây xanh vườn dạo, vui chơi giải trí, hệ thống nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… thành một dự án để quản lý đồng bộ, thống nhất.
 Đối với địa bàn quận Hải Châu, hiện nay hồ sơ mạng lưới đã được Viện Quy hoạch xây dựng lập, gửi UBND quận Hải Châu phân về từng phường có ý kiến và đề xuất cụ thể, gửi về Sở Xây dựng tổng hợp, dự kiến hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố trong tháng 11/2014.
 
 10. Theo Quyết định của UBND thành phố, năm 2010 thu hồi chung cư 88 Hoàng Diệu (có 6 hộ đủ điều kiện được bố trí đất định cư tại Nam cầu Cẩm Lệ, 2 hộ được bố trí chung cư). Công ty quản lý Nhà Đà Nẵng đã tiến hành thẩm định và áp giá đền bù nhưng từ đó đến nay không thấy triển khai gì thêm. Khi người dân đến hỏi thì được trả lời cuối năm 2013 thực hiện xong, đến nay đã là 6 tháng của đầu năm 2014 vẫn không thấy động tĩnh gì. Kính đề nghị UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo bởi vì hiện nay chung cư 88 Hoàng Diệu đã xuống cấp trầm trọng không đảm bảo tài sản, tính mạng của các hộ dân đang sinh sống nơi đây (Cử tri phường Phước Ninh).
 

 Khu tập thể số 88 Hoàng Diệu, phường Phước Ninh, thuộc sở hữu nhà nước do Công ty Quản lý nhà quản lý, ký hợp đồng 08 hộ thuê sử dụng ở. Nhà có cấu trúc: 03 tầng, sàn đúc, mái ngói. Diện tích sử dụng: 605,00m2; Diện tích đất: 202,20m2.
 Đây là 1 trong 25 khu tập thể xuống cấp, UBND thành phố có chủ trương giải tỏa, di dời và bố trí cho 06 hộ (ông Lương Văn Bá (Minh), bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Thành Tô, bà Võ Thị Yến, bà Nguyễn Hồng Vân, ông Đinh Văn Ân) mỗi hộ 01 lô đất ở đường 5,5m, diện hộ tái định cư tại khu E2 mở rộng – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ theo đơn giá đất năm 2012; đồng thời bố trí cho thuê 02 (hai) căn hộ khu chung cư làng cá nại Hiên Đông – Vị trí 4 đối với 02 hộ sau: Hộ bà Vũ Thị Huệ và hộ ông Nguyễn Hữu Thành (Công văn 8659/UBND-QLĐTh ngày 19/10/2012 V/v liên quan đến khu tập thể số 88 Hoàng Diệu, Đà Nẵng).
 Ngày 19/8/2014, Công ty Quản lý nhà có Tờ trình số 385/TT-CTQLN đề nghị Sở Xây dựng xét, trình UBND thành phố ra quyết định hỗ trợ di chuyển và bố trí đất tái định cư cho 06 hộ.
 Ngày 17/9/2014, Công ty Quản lý nhà có Tờ trình số 449/TT-CTQLN đề nghị Sở Xây dựng xét trình UBND thành phố ra Quyết định bố trí cho 02 hộ: bà Vũ Thị Huệ và ông Nguyễn Hữu Thành mỗi hộ thuê 01 căn hộ chung cư tại Block T3, khu chung cư 12 tầng, Nại Hiên Đông.
 Hiện nay UBND thành phố đang xem xét giải quyết theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 5436/SXD-QLN ngày 19/9/2014 về việc đề nghị UBND thành phố xem xét bố trí đất cho 06 hộ, chung cư cho 02 và hỗ trợ di chuyển cho các hộ, và sẽ có Quyết định chính thức trong tháng 11/2014.
 
 11. Đề nghị lãnh đạo thành phố thương lượng với chủ đầu tư Deawon để nhân dân phường Thanh Bình và Thuận Phước có bãi tắm biển (Cử tri phường Thạch Thang).
 

 Dự án Khu đô thi Quốc tế Đa Phước, tổng diện tích 235 ha là dự án lấn biển quy mô lớn, đòi hỏi phải san lấp mặt bằng, đồng thời sử dụng kè bao vây để giữ đất. Vì phần tiếp xúc mặt nước là kè đá và độ sâu nước biển lớn nên không thể bố trí bãi tắm biển tự nhiên. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thi Quốc tế Đa Phước (phê duyệt tại Quyết định số 5923/QĐ-UBND ngày 18/8/2014 của Chủ tịch UBND thành phố), chủ đầu tư đã thực hiện yêu cầu của thành phố trong việc điều chỉnh thay thế vệt biệt thự ven biển bằng dải cây xanh phòng hộ chạy thông suốt toàn bộ chiều dài bờ biển của dự án để kết hợp tổ chức cảnh quan, tạo không gian đường dạo ven biển cho nhân dân. 

TRUNG KIÊN (tổng hợp)

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác