Thực hiện giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng hiệu quả
Ngày 30-10, UBND thành phố phối hợp Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo "Tổng kết dự án hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố – Tập trung lĩnh vực giảm nhẹ khu vực đô thị (DaCliMB)". Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, ông Olivier Grandvoinet, Giám đốc sự án Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, Sở Kế hoạch đầu tư, Xây dựng, Công ty tư vấn Asconit, các tổ chức trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết phát biểu tại hội thảo

Từ năm 2013 đến nay, Văn phòng Biến đổi khí hậu và Công ty Tư vấn Asconit triển khai dự án với nội dung hỗ trợ kỹ thuật giúp thành phố Đà Nẵng thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tập trung lĩnh vực giảm nhẹ khu vực đô thị cho 6 quận nội thành, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án về giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng hiệu quả trên địa bàn. Kết quả điều tra của Asconit và Cơ quan Phát triển Pháp tại 250 hộ gia đình ở thành phố cho thấy, với tổng số 1.134 người, chỉ có 37% số người trả lời sẽ mua thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn trong tương lai. Tại Đà Nẵng, mức tiêu thụ điện tăng gần gấp 3 lần từ năm 2005 đến 2013. Mức tiêu thụ điện 2700kWh/năm/hộ. Mức tiêu thụ ga là 790 kWh/năm/hộ. 100% hộ gia đình sử dụng quạt và 38% sử dụng nhiệt điều hòa. Mức tiêu thụ năng lượng bình quân hộ gia đình giữa các quận huyện có sự chênh lệch đáng kể, trong đó, quận Thanh Khê và Hải Châu cao hơn gần 50% so với mức tiêu thụ bình quân của toàn thành phố. Dự báo điện và ga sẽ là hai nguồn năng lượng được sử dụng nhiều nhất trong các hộ gia đình. Mức tiêu thụ củi, than và các sản phẩm từ dầu vẫn sẽ giữ ở mức ổn định từ năm 2015.

Theo ông Olivier Grandvoinet, Giám đốc sự án Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), trong suốt 10 năm qua, tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ của thành phố kéo theo sự gia tăng về "mức độ tiện nghi" và các dịch vụ về năng lượng. Tỷ lệ sử dụng các thiết bị điện trong các hộ gia đình, và nhiều công trình dịch vụ (khách sạn, trung tâm thương mại)  đã tăng đáng kể qua từng năm. Tổng lượng phát thải khí nhà kính của Đà Nẵng năm 2010 là 1,54 triệu tấn CO2 quy đổi, trong đó có 280 nghìn tấn CO2 quy đổi cho lĩnh vực hộ gia đình và 80 nghìn tấn CO2 quy đổi lĩnh vực dịch vụ. Dự báo đến năm 2025, lượng CO2 sẽ tăng lên 1.368 nghìn tấn, do đó, cần phải giảm đáng kể trong lĩnh vực gia đình và dịch vụ để kiểm soát phát khí thải nhà kính ở mức cơ sở năm 2010.
 
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết đã đánh giá cao nỗ lực và sự hỗ trợ của các Bộ ngành, Trung ương, các tổ chức trong và ngoài nước trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan về biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng. Trong đó, dự án “Hỗ trợ kỹ thuật về giảm nhẹ biến đổi khí hậu khu vực đô thị” do Cơ quan phát triển Pháp hỗ trợ là một cơ hội tốt để thành phố xây dựng và thực hiện các chương trình về giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng hiệu quả. Phó Chủ tịch nhấn mạnh mặc dù biến đổi khí hậu đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong những năm vừa qua, nhưng những điều kiện khoa học kỹ thuật, trình độ công nghệ ngày càng cao sẽ góp phần xây dựng tiến đến xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững cho Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết yêu cầu trong thời gian tới các sở ngành Công thương, Xây dựng, Khoa học và công nghệ, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường phối hợp với Văn phòng biến đổi khí hậu thực hiện các dự án thí điểm, nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề BĐKH; đồng thời nghiên cứu quy hoạch tổng thể và thực hiện giám sát,  cải tạo chung cư dành cho cán bộ thành phố và ký túc xá sinh viên, chung cư dành cho người có thu nhập thấp, tòa nhà công sở, thương mại nhằm giảm tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
 
CÔNG TÂM
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác