Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Ngày 23-10, tại Đà Nẵng, Hội đồng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia, Cục Năng lượng nguyên tử phối hợp Sở khoa học và công nghệ thành phố tổ chức Hội thảo quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Việt Thanh, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử và hơn 130 đại biểu đại diện Bộ Khoa học và công nghệ, các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia đến từ cơ quan, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, trang thiết bị trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 23 – 24/10 với các tham luận về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế xã hội, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế và nông nghiệp, công nghệ bức xạ trong chuẩn đoán và điều trị bệnh ung thư… và đề xuất các phương hướng, giải pháp để triển khai Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vào năm 2015.

Theo Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Nguyễn Quân, chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3-1-2006. Kể từ đó đến nay, nhiều hoạt động quan trọng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Việt Nam đã được triển khai như: thông qua dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử…. Hiện nay, các cơ sở y học hạt nhân của Việt Nam đã được trang bị 6 liều kế,  21 máy SPECT và SPECT/CT, 6 máy PET/CT và 3 Cyclotron. Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT và SPECT/CT để điều trị ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hóa, xương khớp, hô hấp… đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm. Việt Nam được Tổ chức năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) đánh giá là nước đứng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Tính đến 2013, đã có trên 50 giống cây trồng nông nghiệp được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi…Đặc biệt, giống lúa đột biến DT10 được tạo ra trong những năm 1990 đến nay đã tạo ra tổng giá trị thu nhập lên đến 3 tỷ USD, tăng thêm 537,6 triệu USD so với việc sử dụng giống cũ. Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ứng dụng công nghệ bức xạ được ứng dụng để sản xuất chế phẩm polymer tan trong nước, chịu mặn và chịu nhiệt độ cao phục vụ cho ngành công nghiệp dầu khí; thiết bị phân tích nhanh trong ngành công nghiệp xi măng, máy chụp X quang công nghiệp, thiết bị quan trắc cảnh báo sớm phóng xạ môi trường…

Đại biểu thăm quan sản phẩm của Công ty ứng dụng và phát triển công nghệ (NEAD), Cục năng lượng nguyên tử, Viện hóa học - Môi trường quân sự, Trung tâm ứng dựng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp...

Tại hội thảo, TS. Tamikazu Kume đến từ Hội hiệp nghiên cứu an toàn hạt nhân Nhật Bản (NSRA) cho biết, hiện các loại bức xạ, chùm điện từ và ion đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghiệp (56%), y tế (37%) và nông nghiệp (7%). Tổng hiệu quả kinh tế chung của lĩnh vực hạt nhân (gồm ứng dụng bức xạ và năng lượng hạt nhân) chiếm 1,8% GDP Nhật Bản. Các chương trình hợp tác song phương và diễn đàn hạt nhân châu Á (FNCA) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Ông Yoon Se-Jun, Tổng giám đốc cơ quan hợp tác quốc tế về hạt nhân Hàn Quốc (KONICOF) cũng chia sẻ: “Hàn Quốc trong suốt 3 thập kỷ qua đã đạt những tiến bộ đáng kể về khoa học và công nghệ hạt nhân thông qua các chương trình nghiên cứu và triển khai toàn diện cấp chính phủ. Việt Nam được đánh giá là quốc gia đang phát triển nhanh chóng dựa trên phát triển kinh tế và khoa học công nghệ cao bao gồm khoa học và công nghệ hạt nhân. Do đó, Hàn Quốc mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực và phát triển điện hạt nhân dân sự vì sự tiến bộ và lợi ích chung.”

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác