Bảo đảm cơ sở vật chất để 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày
Chiều 8-10, Hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 10 và 11 của HĐND thành phố khóa VIII tiếp tục với các báo cáo và chất vấn về công tác tuyển sinh đầu cấp theo Nghị quyết của HĐND TP để đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày từ năm học 2015-2016; công tác đầu tư xây dựng các công trình văn hoá; công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và báo cáo tình hình xử lý vi phạm chung cư trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục đầu tư cho giáo dục, văn hoá
 

 Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, năm học 2014-2015, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức học 2 buổi/ngày cho HS. Trong đó, có 3 quận, huyện: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang có 100% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Riêng 4 quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ có 20 trường còn một số lớp chưa được học 2 buổi/ngày với 264 lớp và 10.409 HS; và 1 trường chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với 34 lớp, 1.311 HS. Quận có tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày thấp nhất là Liên Chiểu với 47,01%.

 UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành khảo sát nhu cầu về phòng học để đảm bảo 100% học sinh (HS) tiểu học học 2 buổi/ngày vào năm học 2015-2016. Trước mắt, thành phố đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm phòng học tại 19 trường mới, dự kiến triển khai trong năm 2015.
 
 Một trong những biện pháp tích cực đã được thành phố triển khai là siết chặt công tác tuyển sinh đầu cấp bậc tiểu học. Các trường học chỉ được nhận HS ngoại tuyến khi cơ sở vật chất còn dư so với nhu cầu HS trong tuyến. Riêng đối với các Trường TH Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh, Phù Đổng, Trường THCS Trương Vương quận Hải Châu và Trường TH Trần Cao Vân quận Thanh Khê trong năm học 2014 – 2015, HĐND TP phối hợp với các cơ quan liên quan vào cuộc quyết liệt, chấm dứt tình trạng nhận học sinh không đúng tuyến vào trường, gây quá tải.
 
 Đại biểu Cao Thị Huyền Trân đề nghị ngành giáo dục xây dựng các tiêu chí và quy trình cụ thể trong việc tuyển sinh đối với 5 trường và hướng dẫn tuyển sinh; đồng thời ngành Công an thành phố cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý nhân hộ khẩu, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp lạm dụng việc nhập khẩu để chạy trường. Đại biểu Huyền Trân cũng đặt câu hỏi, UBND thành phố đã có chủ trương đầu tư xây dựng thêm 135 phòng học ở 19 trường tiểu học, nhưng chỉ mới có 2/19 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng; đề nghị UBND thành phố cho biết nguyên nhân vì sao các công trình này chậm triển khai xây dựng, năm học 2015-2016 có bảo đảm tất cả học sinh tiểu học có được học 2 buổi/ngày không?

Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ báo cáo tại hội nghị.

 Theo Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, khó khăn hiện nay là việc quản lý hộ khẩu ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhất là việc giải quyết cho gửi khẩu nhưng không xác định rõ mối quan hệ giữa chủ hộ với người nhập khẩu. Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tăng cường công tác phối hợp giữa địa phương và nhà trường trong công tác điều tra phổ cập giáo dục nhằm đảm bảo tính chính xác cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đầu tư trường lớp và đội ngũ giáo viên. Tiếp tục đầu tư xây dựng phòng học, các phòng chức năng, đặc biệt triển khai, đôn đốc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý các hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình trong đó có các công trình trường tiểu học để đảm bảo đến năm học 2015-2016 có 100% học sinh tiểu học 2 buổi/ngày.
 
 Về tiến độ triển khai các công trình văn hoá trọng điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, hiện nay thành phố đã bố trí 42 tỷ đồng thực hiện nâng cấp Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố. Dự kiến tháng 11/2014 sẽ khởi công công trình và hoàn thành vào tháng 8/2015 chào mừng Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố. Các công trình Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dự kiến thực hiện thi công và hoàn thành công trình trong năm 2015. Riêng công trình Bảo tàng điêu khắc Chăm, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo thành phố thống nhất không tiến hành phương án nâng tầng, mở rộng, thay đổi kiến trúc hiện nay của Bảo tàng Điêu khắc Chăm mà tập trung vào việc trùng tu, chống xuống cấp của tòa nhà, cải tạo, nâng cấp nội thất trưng bày; sắp xếp lại các không gian chức năng và lộ trình tham quan hợp lý. Thành phố sẽ mời một số chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và nước ngoài về bảo tàng kết hợp với một đơn vị tư vấn thiết kế trong nước để tiến hành lập phương án cải tạo, nâng cấp, trùng tu và chỉnh lý.
 
 Kết quả cải cách thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu
 

 Đánh giá về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các đại biểu cho rằng vẫn chưa đạt kết quả rõ nét. Người dân vẫn phải đi lại nhiều lần, nhiều thủ tục, và nhiều trường hợp trễ hơn 60 ngày. Đại biểu Thái Thanh Hùng đề nghị phải nói cho được đã giảm được những thủ tục gì? Có giải pháp gì để xử lý việc trễ hẹn do công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt?
 
 Giám đốc Sở Nội vụ Võ Công Chánh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, số lượng hồ sơ giải quyết trễ hẹn là 423/44.170 hồ sơ, chiếm tỷ lệ: 0,95% (trong đó Chi nhánh quận Hải Châu: 48/5.862 hồ sơ; Sơn Trà: 10/3.018 hồ sơ; Cẩm Lệ: 180/8.457 hồ sơ; Liên Chiểu: 47/4.990 hồ sơ; Thanh Khê: 30/7.332 hồ sơ và Hòa Vang: 108/5.230 hồ sơ).
 
 Theo ông Võ Công Chánh, có sự chậm trễ này, ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan như: chưa đảm bảo quy định về quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ, không kiểm soát được thời gian giải quyết, dẫn đến tình trạng có hồ sơ hộ gia đình, cá nhân phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian; việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội được làm theo đợt (Chi nhánh huyện Hòa Vang) nhưng không quy định rõ đợt là bao nhiêu ngày dẫn đến tình trạng có trường hợp kéo dài nhiều tháng. Trong thời gian đến, Sở Nội vụ đề xuất 5 biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tập trung hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn thành phố; xây dựng quy trình thống nhất tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm, có hành vi tiêu cực và giải quyết hồ sơ trễ hẹn, không đúng trình tự, thủ tục…
 
 Cần xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm sử dụng chung cư
 

 Về tình hình xử lý sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tổng kiểm tra rà soát trên 7.000 căn hộ, với 164 đơn nguyên; phát hiện 116 trường hợp CBCCVC và 152 trường hợp là các hộ dân vi phạm quy định sử dụng chung cư như để trống, sang nhượng trái phép, cho thuê lại, cho người khác ở nhờ…
 
 Đối với các trường hợp là CBCCVC, thành phố đã xử lý rốt ráo với các hình thức xử lý kỉ luật cụ thể: khiển trách đối với trường hợp cho ở nhờ, cảnh cáo đối với trường hợp cho thuê lại. Đối với trường hợp sang nhượng nhà cho thuê, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý hạ bậc lương, giáng chức. Riêng các trường hợp hộ dân khó khăn về nhà ở, có 3 trường hợp đã trả lại căn hộ, 3 trường hợp thuộc diện giải tỏa, Công ty Quản lý nhà chung cư đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà theo chủ trương chung của thành phố; 39 trường hợp đã dọn về ở; còn 107 trường hợp thuộc diện khó khăn nhà ở, UBND thành phố đang phối hợp với các đơn vị chức năng xem xét giải quyết.

Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ: Sở Xây dựng chưa triển khai nghiêm túc
việc xử lý vi phạm quản lý, sử dụng nhà chung cư.

 Tuy nhiên, theo nhận xét của Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ, Sở Xây dựng, Công ty Quản lý nhà chung cư và các đơn vị liên quan chưa triển khai nghiêm túc việc xử lý vi phạm quản lý, sử dụng nhà chung cư. Cán bộ được giao thực hiện còn né tránh, ngại va chạm. Có những trường hợp vi phạm tại Chung cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc suốt 6 năm rồi nhưng vẫn không xử lý dứt điểm được.
 
 Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ chỉ ra nguyên nhân thiếu công khai, minh bạch do áp lực thuê chung cư quá nhiều; thiếu kiểm tra đến nơi đến chốn, cho thuê nhiều trường hợp không đúng đối tượng. “Có những trường hợp, nộp đơn 6 lần xin thuê chung cư của một gia đình liệt sĩ nhưng vẫn không được giải quyết. Nhiều trường hợp lại được thuê do cảm tình, nể nang, quen biết, dẫn đến tình trạng thuê cho lấy lời. Sở Xây dựng quản lý không chặt chẽ, chưa mạnh mẽ, kiên quyết trong việc thu hồi. Từ nay, việc cấp chung cư phải bốc thăm chọn chung cư, trường trường hợp người già, người tàn tật thì được chỉ định tầng dưới; phải đưa việc quản lý cc vào nề nếp” - Chủ tịch Trần Thọ nhấn mạnh.
 
 Về triển khai nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu các đơn vị dồn sức hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2014; hoàn thành dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế ưu đãi đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng; thực hiện hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ, Chương trình Năm doanh nghiệp 2014; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng phương án xây dựng mới Trường THPT Phan Châu Trinh trong năm 2015; tập trung xây dựng thành phố môi trường…

NGỌC THỦY

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác