Ngân hàng Thế giới khảo sát hỗ trợ Đà Nẵng về quản lý tài chính công
Ngày 23-9, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương chủ trì buổi tiếp đoàn công tác phối hợp giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Văn phòng Hợp tác Phát triển Kinh tế của Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đến tìm hiểu về khả năng thiết lập chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho công tác phân tích, đánh giá, tư vấn và cải cách về quản lý tài chính công cho thành phố.

Đoàn công tác của WB và SECO

 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Duy Khương hoan nghênh chuyến công tác của đoàn đến Đà Nẵng. Ông cho biết, trong nhiều năm, nguồn thu chủ yếu của ngân sách thành phố là thuế, phí, và thu từ đất, tài nguyên; trong đó thu tiền sử dụng đất chiếm khoảng 40-50%, chủ yếu được thành phố tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, điều chỉnh quy hoạch, chỉnh trang đô thị để bộ mặt Đà Nẵng khang trang hơn như hiện nay. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, nguồn lực của thành phố vẫn còn rất nhỏ với nguồn thu chỉ chiếm khoảng 2% tổng thu của cả nước. Trong khi đó, nguồn thu từ khai thác quỹ đất của Đà Nẵng cũng đã đến lúc giảm dần. Bên cạnh đó, công tác quản lý tài chính còn yếu, đặc biệt nhiều doanh nghiệp còn lách thuế, khai không đúng doanh thu, người dân chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực. Trong những năm gần đây, thành phố bắt đầu huy động vốn từ các khoản vay được chính phủ và Bộ Tài chính bảo lãnh, cụ thể như đến nay đã phát hành gần 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương với mức vay tối đa theo quy định của Luật Ngân sách để có vốn đầu tư chi cho các dự án triển khai dở dang. Tuy nhiên, nguồn thu cũng chưa thật sự vững chắc dẫn đến địa phương khó chủ động trong việc xây dựng ngân sách. Do vậy, theo đánh giá của Phó Chủ tịch Võ Duy Khương, đây là dự án hết sức ý nghĩa, góp phần khắc phục những hạn chế hiện đang vấp phải trong công tác quản lý ngân sách của cả nước nói chung, và Đà Nẵng nói riêng.

Theo nhận định của phía WB, với chính sách phân cấp tài khóa được triển khai trong hơn 18 năm qua, chính quyền các địa phương của Việt Nam ngày càng tự chủ và chịu trách nhiệm cao hơn về chi tiêu công cũng như huy động nguồn lực tài chính – ngân sách tại địa phương. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực quản lý tài chính công. Đoàn cũng ghi nhận những lĩnh vực mà Đà Nẵng đề xuất ưu tiên hỗ trợ cải cách về quản lý tài chính công bao gồm quản lý nợ công; thực hiện cơ chế khoán ngân sách; lập kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, đặc biệt là trung hạn; và quản lý nguồn lực của địa phương.
Được biết, trong 2 ngày từ 23-24-9, đoàn sẽ tiếp tục làm việc với Sở Tài chính, Sở KH&ĐT và UBND quận Sơn Trà để tìm hiểu thêm về công tác lập kế hoạch ngân sách, kế toán, báo cáo, kiểm toán và giám sát ngân sách; lập kế hoạch KT-XH, báo cáo và giám sát đầu tư; các vấn đề liên quan đến đảm bảo kỷ luật tài khóa vĩ mô, phân bổ nguồn lực chiến lược, giám sát rủi ro tài chính và minh bạch tài khóa tại Đà Nẵng.

QUỲNH ĐAN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác