Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang: Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Ngày 3-7, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng các bộ, ban ngành trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về tình hình kinh tế - xã hội của Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2014, chiến lược phát triển kinh tế biển và phát triển đô thị của thành phố.

Hướng đến Trung tâm nghề cá của khu vực miền Trung

Báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình kinh tế-xã hội của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho biết tổng sản phẩm GDP của thành phố ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 9,13% so với cùng kỳ 2013. Đây là mức tăng khá trong bối cảnh nền kinh tế đang còn những khó khăn nhất định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 39.388,4 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2013. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 543,5 triệu USD, đạt 47,1% kế hoạch năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2013. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 491,2 triệu USD, đạt 49,6% kế hoạch năm, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2013. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 20.980 tỷ đồng, đạt 49,6% kế hoạch, tăng 9,6%; thủy sản – nông – lâm ước đạt 1.442 tỷ đồng, đạt 65,5% kế hoạch, tăng 3,2%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng thực hiện đạt 5.956 tỷ đồng, đạt 51% dự toán HĐND thành phố giao; tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 6.977 tỷ đồng, đạt 57,4% dự toán.

Ngành khai thác thủy sản tuy bị ảnh hưởng do tình hình căng thẳng ở biển Đông, ngư dân Đà Nẵng vẫn tích cực bám biển, số tàu khai thác và số chuyến biển của mỗi tàu tăng, sản lượng đạt khá với tổng sản lượng 6 tháng ước đạt 22.965 tấn, đạt 65,6% kế hoạch năm, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2013.

Ngành thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi ngọn trong chiến lược phát triền kinh tế biển của Đà Nẵng. Thành phố đã đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng Trung tâm nghề cá của khu vực miền Trung theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị với hạ tầng kỹ thuật hậu cần nghề cá tương đối hoàn chỉnh, khép kín tại KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Trong đó Khu tránh trú bão Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích mặt nước là 58ha, sức chứa 800-1.000 tàu; diện tích trên bờ 24ha cùng các cơ sở dịch vụ hậu cần như chợ đâu mối thủy sản, 7 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, 4 đại lý xăng dầu, 15 doanh nghiệp chế biến hải sản hoạt động với công suất 30.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 120 triệu USD/năm.

Đà Nẵng hiện có 1.286 chiếc tàu, tổng công suất 114.220cv, trong đó tàu có công suất 90cv trở lên là 253 chiếc, tàu từ 400cv trở lên là 106 chiếc, công suất trung bình là 88 cv/chiếc. Sản lượng khai thác hằng năm đạt từ 35.000-40.000 tấn. Cùng với các chính sách của Trung ương, thành phố đã ban hành nhiều chính sách và hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất từ 400cv trở lên với các mức hỗ trợ từ 500 – 800 triệu đồng/tàu, mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại và khai thác hải sản xa bờ. Kết quả sau 2 năm triển khai, ngư dân đã đóng mới 12 tàu (tổng công suất gần 8.000cv) với tổng kinh phí hỗ trợ 11 tỷ đồng.

Về phát triển đô thị, sau 17 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã dần hình thành nét đặc trưng của một đô thị vùng duyên hải “đầu biển cuối sông”. Diện tích đô thị được mở rộng về các hướng; việc phát triển các khu đô thị từ khâu quy hoạch, xây dựng, mở rộng đến công tác chỉnh trang, xây dựng và phát triển hạ tầng khá đồng bộ đã mang lại diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ đã hội tụ được nhiều yếu tố thúc đẩy cho quá trình phát triển với Cảng Hàng không quốc tế thứ 3 của cả nước, Cảng biển Đà Nẵng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 3 vạn tấn trở lên. Công suất cảng từ 50 vạn tấn/năm sẽ được nâng lên đến 4-5 triệu tấn/năm.

Giúp ngư dân vươn khơi bám biển

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã biểu dương, đánh giá cao việc Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, đạt chỉ số tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Theo đánh giá của Chủ tịch Nước, Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy là điểm sáng về phát triển đô thị, tận dụng nguồn vốn xây dựng hạ tầng thành phố ngày một hiện đại, bền vững. Trong quá trình phục hồi đà tăng trưởng tốt, Đà Nẵng cần dồn sức góp phần cùng cả nước thúc đẩy kinh tế phát triển. Với những thế mạnh sẵn có về kinh tế biển, Chủ tịch nước yêu cầu Đà Nẵng phải dồn sức cho lĩnh vực này, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, cần củng cố, tập huấn thêm cho ngư dân về kỹ thuật đánh bắt, chế biến và bảo quản sản phẩm, chú trọng liên kết và mở rộng thị trường. Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, Chủ tịch nước yêu cầu Đà Nẵng cần vận động thêm doanh nghiệp và các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp ngư dân đóng tàu mới, vươn khơi bám biển.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang thăm công trình Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Lê Hoa)

Liên quan đến các kiến nghị của Đà Nẵng như sớm ban hành Nghị định về chính sách phát triển thủy sản để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển; quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án theo quy hoạch phát triển ngành Thủy sản đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt như dự án đầu tư Trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường trọng điểm biển Đông và Hoàng Sa; nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1 cấp quốc gia; đầu tư khu trú bão và neo đậu tàu thuyền công suất 600CV trở lên; điều chỉnh địa giới hành chính Huyện Hòa Vang để thành lập 2 quận mới là Hòa Vang và Bắc Hòa Vang, Chủ tịch nước đã ghi nhận, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, hướng dẫn giải quyềt trong thời gian tới, đặc biệt là sớm ban hành Nghị định về chính sách phát triển thủy sản.

QUỲNH ĐAN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác