Việt Nam đã ghi nhận 127 trường hợp mắc cúm A/H5N1
Ngày 16-6, tại TP Đà Nẵng, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phòng chống cúm A/H5N1 với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, từ năm 2003 đến nay đã ghi nhận 665 trường hợp mắc bệnh tại 15 quốc gia trong đó có 392 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết là 59%. Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ bệnh cúm A/H5N1.
 
 “Kể từ trường hợp nhiễm cúm đầu tiên, đến nay nước ta đã trải qua ba đợt dịch. Cúm A/H5N1 đã gây tổn hại to lớn về kinh tế và sản xuất, chi phí trực tiếp do cúm A/H5N1 gây ra trong năm 2005 ước tính trên 200 triệu USD, làm giảm 1,5% GDP toàn quốc. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 127 trường hợp mắc, trong đó có 64 trường hợp tử vong chiếm gần 50%. Việt Nam là nước đứng thứ ba thế giới về số người mắc và tử vong vì cúm A/H5N1”, ông Phu cho biết.
 
 Các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho hay, bệnh cúm A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiếm nhóm A, có khả năng lây truyền từ động vật sang người với tỷ lệ tử vong cao. Theo đó, sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại Trung Quốc dịch cúm này đã nhanh chóng lan ra 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới lo ngại một đại dịch mới có thể xuất hiện, cúm A/H5N1 trở thành vấn đề y tế cộng động được quan tâm đặc biệt.

Việt Nam triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch.

 Theo đó, năm 2003, sau khi khống chế thành công dịch viêm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm SARS, Việt Nam lại ngay lập tức đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm mới nổi, cúm A/H5N1. Từ chổ hiểu biết về cúm A/H5N1 rất hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng cho việc giám sát, phòng chống dịch bệnh, điều trị và đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm còn rất thiếu thốn. Đến nay, với kinh nghiệp có được từ việc phòng chống dịch SARS, Việt Nam triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch, thành lập Ban chỉ đạo chống dịch cấp quốc gia với sự tham gia của hơn 14 bộ ngành liên quan. Đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn của cả ngành y tế và nông nghiệp, hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, điều trị và tập huấn đào tạo xử lý ổ dịch. Đồng thời, trang bị trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, điều trị, tập huấn đào tạo nhân lực từ tuyến trung ương đến cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân.
 
 Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, từ chỗ hiểu biết về cúm A/H5N1 còn rất hạn chế, thiếu cơ sở vật chất đến nay Việt Nam đã nhanh chóng khống chế thành công dịch cúm này. Từ 61 trường hợp mắc cúm A/H5N1 trong năm 2005 xuống còn 4-5 trường hợp mắc/năm trong gia đoạn từ 2007 đến nay.
 
 Các chuyên gia, nhận định hiện cúm A/H5N1 đã biến đổi gen và xuất hiện nhiều chủng mới như cúm A/H7N9 với 448 trường hợp mắc, 156 trường hợp tử vong được ghi nhận tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Gần đây nhất, chủng cúm A/h10N8 lại xuất hiện tại Trung Quốc đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan tiếp tục đúc rút kinh nghiệm tìm ra các mô hình phòng chống dịch hiệu quả hơn.
 
 “Mặc dù đã có những thành công trong việc khống chế sự bùng phát của dịch cúm A/H5N1 nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trên gia cầm trong 6 tháng đầu năm 2014. Toàn quốc vẫn có trên 15 tỉnh, TP có dịch cúm trên gia cầm với trên 20 ổ dịch mỗi năm. Đồng thời, dịch cúm đã có hiện tượng liên tục biến đổi gen, xuất hiện các chủng cúm mới như cúm A/H7N9, A/H10N8”, các chuyên gia chia sẻ.  

LÊ NHÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác