Tái cơ cấu kinh tế thành phố: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, UBND thành phố đang tập trung việc xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, với nhiều nội dung quan trọng. Nhằm hoàn thiện nội dung đề án, với mục tiêu ổn định và phát triển bền vững, ngày 13-6, Thành ủy, UBND thành phố đã tổ chức cuộc hội thảo với đại diện các cơ quan ban ngành và các chuyên gia, các nhà khoa học các bộ, ngành TW.

 

Đồng chủ trì hội thảo với Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí, có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết là Giáo sư Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng.

Cần xác lập tính vượt trội

Đề án của thành phố đưa ra chưa thấy thể hiện rõ tính bứt phá vượt trội mà vẫm còn lan man dàn trải, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét. Ông cho rằng, đã đến lúc Đà Nẵng phải xác lập về triển vọng cho một đẳng cấp cao, một đẳng cấp khác biệt có tính chất toàn cầu. Đà Nẵng phải định vị vai trò trung tâm của mình trong chuỗi phát triển, trong đó đô thị thông minh, đô thị an toàn, đáng tin cậy phải được coi là tiêu chuẩn hàng đầu cần hướng đến. TS Thiên hiến kế Đà Nẵng nên biết cách “săn” những nhà đầu tư chiến lược hàng đầu để có thể vẽ nên chân dung một đô thị tầm cỡ quốc tế.

Theo TS Trần Du Lịch, Đà Nẵng có được 2 “thương hiệu” là xây dựng “một đô thị ra đô thị” và du lịch chất lượng cao. Đà Nẵng cũng đang phát triển ngành Công nghệ thông tin với cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thị trường, nhân lực …ở mức tốt. Đây cũng là những định hướng đúng đắn cần được phát huy cao hơn, mạnh hơn. Ví dụ như du lịch, hiện tại Đà Nẵng làm khá tốt nhưng xét về đẳng cấp thì cũng chỉ mới có chỗ ở lưu trú cao cấp, bãi biển sạch đẹp, chưa có những sản phẩm du lịch như khu vui chơi, mua sắm ẩm thực đẳng cấp có thể thu hút khách quốc tế nhiều hơn. Cảng Đà Nẵng được đầu tư logictic là đúng nhưng cảng chỉ có thể phát triển khi công nghiệp phát triển. Điều này lại phải bàn đến mối liên quan, phối hợp giữa các địa phương trong khu vực và quốc tế thông qua khai thác tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây. Đà Nẵng cũng nên nghiên cứu về viiệc xây dựng nơi này thành một trung tâm hậu cần nghề cá lớn của cả nước và cũng có thể là hậu cần cho sự phát triển chung của khu vực. Về kinh tế biển, TS Trần Du Lịch cho rằng không chỉ đầu tư khai thác “ven biển” mà phải nghĩ đến khai thác trên biển.

TS Dương Đình Giám đề nghị thành phố cần phát triển theo hướng công nghệ cao, cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ và phân bố lại không gian sản xuất công nghiệp hợp lý hơn là phát triển nghề khai thác và chế biến thuỷ sản do ô nhiễm. TS Trần Văn Nam cũng đề nghị thành phố cần nghiên cứu phát triển những ngành sản xuất công nghệ cao để đem lại hiệu quả bền vững hơn như công nghệ thông tin, điện tử, y sinh.

Chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu

Tái cơ cấu kinh tế được hiểu là sự thay đổi chiến lược mục tiêu, tầm nhìn của một hệ thống hoặc là sự cơ cấu lại hệ thống, bao gồm các hoạt động như sắp xếp lại, chuyển đổi hình thức hoạt động, xác định lại mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi và chuẩn mực của khu vực, tổ chức hay doanh nghiệp. Với cấp độ nền kinh tế, tái cấu trúc có thể hiểu là quá trình phân bổ lại nguồn lực của toàn nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với Đà Nẵng, những năm qua có bước phát triển khá ổn định, đang từng bước khẳng định là một trung tâm KT-XH lớn, là hạt nhân của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với mức tăng trưởng GDP bình quân 11,5%, cơ cấu KT theo ngành, lĩnh vực chuyển dịch tích cực theo hướng “dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp”, thành phần kinh tế, cơ cấu nguồn vốn đầu tư cũng đã chuyển dịch theo hướng tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.

Tuy vậy, nền kinh tế thành phố tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng lợi thế; chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc sắc và mang tính đột phá; sản xuất công nghiệp chưa ổn định, thiếu vững chắc, đóng góp ngân sách không lớn; giá trị gia tăng thấp; tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao nhỏ; đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh yếu. Nguồn thu ngân sách tăng nhưng cơ cấu chưa thật hợp lý và vững chắc.

Tái cơ cấu theo TS Trần Du Lịch không hẳn là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, cũng không hẳn dàn trải nguồn lực trên nhiều lĩnh vực, mà Đà Nẵng chỉ nên rà soát lại những ngành và lĩnh vực chính so với định hướng cơ cấu, xem có gì chưa phù hợp thì điều chỉnh lại. TS Trương Bá Thanh nêu ý kiến việc tái cấu trúc kinh tế với trọng tâm đầu tư công là chưa hợp lý. Theo ông, một số ngành gia công tuy giá trị lớn nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Vì vậy cần giảm đầu tư công và nên tập trung cho những ngành nghề đem lại giá tri gia tăng cao. "Những năm qua, Đà Nẵng đầu tư nhiều cho hạ tầng kỹ thuật; giá trị gia tăng công nghiệp của Đà Nẵng tập trung vào đầu tư xây dựng, đất đai, vận tải cần phải được cân nhắc lại, chuyển hướng cho phù hợp" - ThS Nguyễn Xuân Thành lưu ý.

Kết luận hội nghị, đồng chí Võ Công Trí khẳng định, tái cơ cấu kinh tế là vấn đề cấp bách của thành phố Đà Nẵng, có tầm quan trọng thiết thực không chỉ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 mà còn có thể là tầm nhìn mở rộng cho đến tận 2025-2030. Từ mục tiêu tổng quát, tư tưởng chủ đạo của việc tái cơ cấu kinh tế chính là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cơ cấu lần này sẽ hướng trọng tâm vào một số ngành, lĩnh vực cụ thể để có thể xây dựng một đô thị đẳng cấp; phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước; phát huy những thế mạnh và lợi thế so sánh của Đà Nẵng; nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu lực quản lý của nhà nước … là những mục tiêu cụ thể của việc tái cơ cấu kinh tế.

LÊ HOA

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác