Trả lời ý kiến của cử tri quận Ngũ Hành Sơn
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa VIII dự kiến diễn ra vào ngày 8, 9 - 10/7, UBND thành phố đã trả lời ý kiến của cử tri quận Ngũ Hành Sơn đặt ra tại kỳ họp thứ 8. Cổng Thông tin điện tử thành phố xin trích lược một số vấn đề đang được cử tri quận Ngũ Hành Sơn quan tâm.

Về lĩnh vực quy hoạch, XDCB, giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư:

1. Dự án Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn triển khai quá chậm, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong việc sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống. Đề nghị thành phố cho biết cụ thể về kế hoạch triển khai thực hiện đối với dự án này; quyền và nghĩa vụ của nhân dân thuộc dự án (Cử tri phường Hòa Hải).

Hiện nay, Dự án Công viên Văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn đã và đang triển khai một số hạng mục như sau: Khu vực phía Bắc đường Huyền Trân Công Chúa: Hiện nay, về cơ bản đã giải tỏa đền bù xong và đang triển khai xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Đường Huyền Trân Công Chúa và đường Sư Vạn Hạnh: Hiện nay đang hoàn thành các thủ tục xây dựng cơ bản để tổ chức triển khai thi công.

Tại cuộc họp ngày 17/4/2014, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng (Thông báo số 106/TB-UBND ngày 26/4/2014): Tiếp tục tìm chọn địa điểm bố trí tái định cư phục vụ Dự án Công viên Văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn; tham mưu UBND thành phố xem xét, đề nghị một số chủ đầu tư chuyển nhượng lại một số khu đất để bố trí tái định cư phục vụ dự án Công viên Văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn. Kêu gọi đầu tư xây dựng Công viên Văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn theo hình thức xã hội hóa, sau khi có nhà đầu tư thì đề nghị nhà đầu tư phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng nghiên cứu quy hoạch Công viên Văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn phù hợp, khai thác hiệu quả. Nghiên cứu quy hoạch khu vực phía Nam đường Huyền Trân Công Chúa để khai thác, sắp xếp lại các lô đất có diện tích phù hợp và hình thức kiến trúc riêng.

Về xây dựng công trình, quyền và nghĩa vụ của nhân dân trong khu vực dự án chậm triển khai: UBND thành phố đã có chủ trương tại Công văn số 10609/UBND-QLĐTh ngày 29/11/2013 về một số chủ trương liên quan đến quyền lợi của người dân trong khu vực dự án chậm triển khai.

2. Đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án sinh thái Khuê Đông, nếu để kéo dài sẽ gây khó khăn cho những hộ dân ở khu vực này (Cử tri phường Hòa Quý).

Dự án Khu đô thị sinh thái, Công viên Văn hóa làng quê và Quần thể du lịch sông nước đang được thực hiện giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án. UBND thành phố có chủ trương cho phép các hộ dân nhận đất làm nhà xong mới bàn giao mặt bằng (Thông báo số 117/TB-UBND ngày 06/9/2011).

Dự án có tổng số 4.338 hồ sơ giả toả: trong đó 365 hồ sơ đất ở, 3.973 hồ sơ đất nông nghiệp và 125 hồ sơ mộ. Đến nay: Đã chi trả và bàn giao mặt bằng 06 hồ sơ mộ; 3.820 hồ sơ đất nông nghiệp; chi trả 357 hồ sơ đất ở, trong đó đã bàn giao mặt bằng 242 hồ sơ; bàn giao cho nhà đầu tư 290ha/340ha. Hiện nay Hội đồng giải phóng mặt bằng vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác giải tỏa đền bù.

3. Đối với Dự án Làng quê và Quần thể du lịch sông nước hiện chưa được thi công, người dân có nhu cầu sản xuất thì không cho làm. Đề nghị thành phố cho biết khi nào dự án này được thi công (Cử tri phường Hòa Hải).

Hiện nay, dự án đang triển khai thi công trục đường chính từ Cầu sông Cái nối với Cầu số 1 và Cầu số 2, đã hoàn thành việc đắp đất nền đường trục khoảng 60%. Hiện nay, Chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và đê kè bao quanh dự án.

Việc nhân dân có nhu cầu sản xuất canh tác cây ngắn ngày để cải thiện cuộc sống UBND thành phố đã có chủ trương : “Trường hợp các hộ dân tận dụng canh tác cây ngắn ngày, sử dụng nước mưa sau khi đã được đền bù để cải thiện cuộc sống, phải có cam kết bàn giao mặt bằng khi chính quyền yêu cầu và không được đền bù” (Thông báo số 83/TB-UBND ngày 23/5/2012 của UBND thành phố).

Về lĩnh vực giao thông vận tải, điện, nước

1. Đường Ngô Nghị Sỹ (khu dân cư Bá Tùng) đã có khá đông dân cư sinh sống (trên 70%) nhưng chưa được thảm nhựa. Đề nghị thành phố quan tâm đầu tư (Cử tri phường Hòa Quý).

Tại Khu dân cư Bá Tùng chỉ có tuyến đường Hằng Phương Nữ Sỹ (không có tuyến đường Ngô Nghị Sỹ) như cử tri đã nêu (theo xác nhận của cán bộ địa chính phường Hòa Quý). Qua kiểm tra thực tế tại tuyến đường Hằng Phương Nữ Sỹ thì mật độ xây dựng nhà ở trung bình là 42%, chưa đạt điều kiện tối thiểu 70% theo quy định tại Công văn số 997/UBND-QLĐTư ngày 24/02/2012 của UBND thành phố nên chưa đủ điều kiện để triển khai thi công thảm nhựa.

Về lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, chính sách xã hội

1. Hiện nay còn một số bộ đội tham gia chiến trường Campuchia vẫn chưa được giải quyết chế độ chính sách. Đề nghị thành phố quan tâm giải quyết (Cử tri phường Hòa Quý)

Theo quy định, bộ đội tham gia chiến trường Campuchia đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng thì được Bộ Tư lệnh quân khu V xem xét giải quyết chế độ trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị cử tri liên hệ với Phường đội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để được hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định.

2. Đề nghị thành phố nâng chỉ tiêu giường bệnh của Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bà con, đồng thời góp phần giảm tình trạng quá tải bệnh nhân ở tuyến trên ( Cử tri phường Hòa Hải).

Năm 2013, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn được UBND thành phố giao kế hoạch chỉ tiêu là 100 giường (không tính giường của Trạm y tế).

Năm 2014, theo Quyết định số 8759/QĐ-UBND ngày 14/12/2013 của UBND thành phố về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc phòng - an ninh và dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2014 và Quyết định số 3733/QĐ-SYT ngày 31/12/2013 của Sở Y tế về việc giao chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 2014, Sở Y tế đã giao chỉ tiêu kế hoạch cho Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn là 120 giường, như vậy tăng 20 giường so với năm 2013.

3. Bệnh viện Phụ nữ được đầu tư xây dựng, trong đó có phần đóng góp của nhân dân thành phố. Đề nghị thành phố cho nhân dân biết loại hình bệnh viện hiện nay là công hay tư?tình hình khám chữa bệnh hiện nay? Bao nhiêu % phục vụ dân nghèo? Lợi nhuận thu được xử lý ra sao?(Cử tri phường Mỹ An).

Bệnh viện Phụ nữ được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 19/5/2009, là bệnh viện chuyên khoa Phụ sản. Tổng kinh phí xây dựng và đầu tư trang thiết bị cho Bệnh viện Phụ nữ là 75 tỷ đồng, trong đó, số tiền chị em phụ nữ trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng đóng góp là 2,3 tỷ chiếm 3.07% trong tổng kinh phí đầu tư. Hoạt động của Bệnh viện dựa trên nguyên tắc lấy thu bù chi, hạch toán tài chính theo Quyết định số 15/2006/BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính về ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp. Hằng năm, Bệnh viện Phụ nữ nộp khoán về Thành Hội là 50% lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản chi phí theo quy định (không bao gồm chi phí khấu hao). Bệnh viện phục vụ gần 60% số lượng bệnh nhân là đối tượng Bảo hiểm y tế.

Số liệu khám chữa bệnh tính từ thời điểm thành lập Bệnh viện Phụ nữ 19/5/2009 đến 31/12/2013: Tổng số người đến khám ngoại trú tại Bệnh viện: 83.179 người với 116.603 lượt người; Tổng số người điều trị nội trú tại bệnh viện: 11.172 người với 14.462 lượt người. Trong đó tổng số người nghèo đến khám tại Bệnh viện Phụ nữ là 3.021 người với 5.904 lượt.

Tổng số tiền miễn giảm cho phụ nữ nghèo: 5.150.128.835 đồng. Trong đó chương trình mục tiêu quốc gia về tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tư cung cho phụ nữ nghèo: 1.000.000.000đồng.

Theo quy định của Hội Bảo trợ phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh, Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng hiện đang thực hiện chế độ miễn giảm đối với hai đối tượng phụ nữ nghèo và đặc biệt nghèo của thành phố Đà Nẵng, có thẻ bảo hiểm người nghèo (HN) khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Phụ nữ cụ thể như sau: Đối với phụ nữ đặc biệt nghèo: Miễn 100% kinh phí khám và điều trị bệnh sau khi đã trừ các khoản do BHYT Việt Nam thanh toán; đối với phụ nữ nghèo: Giảm 80% kinh phí khám và điều trị bệnh sau khi đã trừ các khoản do BHYT Việt Nam thanh toán, người bệnh đồng chi trả 20% kinh phí còn lại. Trường hợp phụ nữ nghèo mắc bệnh ung thư thì kinh phí khám và điều trị bệnh được miễn giảm 100% như phụ nữ đặc biệt nghèo.

Ngoài chính sách trên, trong các ngày Lễ, nhất là các ngày Lễ liên quan đến phụ nữ, Bệnh viện Phụ nữ thường xuyên có những chính sách ưu đãi cho chị em phụ nữ (đối tượng khám theo Hợp đồng) đến khám tại bệnh viện với mức giảm giá ưu đãi từ 5% đến 15%, như ngày 27/02; 08/3; 27/7; 20/10; 20/11; 22/12…

Tất cả giá dịch vụ khám chữa bệnh và các đối tượng được miễn giảm đều được niêm yết công khai tại khu vực tiếp đón của Bệnh viện Phụ nữ.

Lợi nhuận: Tính từ khi thành lập Bệnh viện Phụ nữ (19/5/2009) cho đến 31/12/2013 Bệnh viện Phụ nữ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì tình hình kinh doanh chưa có lãi. Tuy nhiên, theo Quyết định 148/QĐ – HBT ngày 28/12/2010 của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng về việc đổi mới quản lý Công ty TNHH MTV Bệnh viện Phụ nữ (phương thức khoán)” Bệnh viện đã nộp khoán về Thành Hội là 50% lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản chi phí (không bao gồm chi phí khấu hao) tương ứng với số tiền: 5.581.517.320 đồng (Năm tỷ năm trăm tám mươi mốt triệu năm trăm mười bảy nghìn ba trăm hai mươi đồng)

Hội sử dụng tiền nộp khoán của Bệnh viện Phụ nữ vào chi phí miễn giảm cho bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện và thực hiện các chương trình mục tiêu khác. 50% lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản chi phí (kể cả chi phí khấu hao) được sử dụng để đầu tư và phát triển bệnh viện.

Về lĩnh vực nội chính, an ninh trật tự và lĩnh vực khác:

1. Đề nghị thành phố cho cử tri được biết tiền thu được từ hoạt động xổ số kiến thiết của thành phố được sử dụng vào mục đích gì (Cử tri phường Mỹ An).

Thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, trong những năm qua thành phố đã sử dụng nguồn thu xổ số kiến thiết để đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế, đặc biệt từ năm 2010 đến năm 2013 nguồn thu xổ số kiến thiết được tập trung để đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

2. Tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu hiện nay diễn biến rất khó lường, trong khi đó Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đề nghị thành phố sớm nghiên cứu và có kế hoạch chống kè sạt lở ở tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa (Cử tri phường Hòa Hải).

Các đợt mưa bão cuối năm 2013, đã làm hư hỏng một số đoạn kè và một số vị trí chưa xây dựng kè bị xâm thực nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết cấu nền mặt đường công trình đường ven biển. Để khắc phục những hư hỏng do mưa bão năm 2013 gây ra và đầu tư các đoạn kè còn lại nhằm bảo vệ đường Sơn Trà - Điện Ngọc, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Ban QLDA Hạ tầng giao thông đô thị tổ chức triển khai khắc phục những đoạn kè bị hư hỏng và gia cố những vị trí bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền đường du lịch ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, với kinh phí 3,9tỷ đồng. Việc khắc phục các đoạn kè nêu trên đã hoàn thành trong tháng 3/2014.

Đối với việc đầu tư các đoạn kè còn lại (khoảng 1.540m), UBND thành phố đã có chủ trương (Công văn số 4417/UBND-QLĐTư ngày 26/5/2014): Đối với việc đầu tư đoạn Kè (từ Km8+198,67-Km8+298,67 và Km8+816,88-Km9+200,59). Tổng chiều dài 02 đoạn: 383,71m, Kinh phí khoảng 11,51 tỷ (đoạn xung yếu có khả năng bị sạt lở tiếp trong mùa mưa bão năm 2014): Cho phép đầu tư trong năm 2014 – 2015 từ nguồn Ngân sách thành phố. Đối với các đoạn còn lại (khoảng 1156,3m): Sẽ đầu tư trong những năm tiếp theo và Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (làm chủ đầu tư) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập thủ tục xin vốn Trung ương để đầu tư theo Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006.

3. Nhiều khu vực qua giải tỏa, chỉnh trang đô thị có nhiều thửa đất trống, hình dáng không cân đối (gọi là đất thừa, đất rẻo). Hiện thành phố đang quản lý, người dân có nhu cầu nhận chuyển quyền để hợp thửa đất liền kề thì được ưu tiên giải quyết. Tuy nhiên qua phản ánh của bà con cử tri thì việc quản lý sử dụng những khu đất này vẫn còn bất cập, lộn xộn. Đề nghị UBND thành phố cho rà soát, quản lý chặt chẽ (Cử tri phường Mỹ An).

Tại Quyết định số 5572/QĐ-UBND ngày 10/7/2008 của UBND thành phố có nội dung: Giao các Ban quản lý dự án, các Ban giải tỏa đền bù và Công ty liên quan phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát các rẻo đất còn lại sau giải tỏa các dự án, và chuyển giao toàn bộ các rẻo đất (có Sơ đồ thửa đất và diện tích cụ thể) cho Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố) quản lý.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các rẻo đất nằm trong phạm vi giải tỏa các dự án vẫn còn đang được triển khai thực hiện nên các Ban – Công ty có chức năng giải tỏa đền bù vẫn chưa lập thủ tục bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý (Trừ trường hợp các hộ dân có đơn xin nhận quyền sử dụng đất và Trung tâm có yêu cầu các đơn vị cung cấp bàn giao các hồ sơ liên quan đến các rẻo đất).

Do vậy, đề nghị các hộ dân trên địa bàn phường Mỹ An nói riêng, toàn thành phố Đà Nẵng nói chung, nếu có nhu cầu nhận quyền sử dụng đất rẻo thì liên hệ trực tiếp Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng để được hướng dẫn các thủ tục liên quan.

Theo phản ánh của cử tri là người dân có nhu cầu nhận chuyển quyền để hợp thửa đất liền kề thì được ưu tiên giải quyết là chưa đầy đủ. Vì Thành uỷ Đà Nẵng đã có Thông báo số 13/TB-TU ngày 10/11/2010 và UBND thành phố triển khai thực hiện tại Công văn số 7287/UBND-QLĐTh ngày 18/11/2010. Theo đó đã quy định: Diện tích đất rẻo 30m2 trở xuống có hình dạng không cân đối: Ưu tiên chuyển quyền cho các hộ liền kề để ghép thửa nhằm đảm bảo cảnh quan kiến trúc; Diện tích đất rẻo từ 30m2 đến 50m2: Ưu tiên chuyển quyền cho hộ giải tỏa đi hẳn nay có nhu cầu mua lại. Nếu hộ giải tỏa không có nhu cầu mua thì cho phép chuyển quyền cho hộ khác sau khi được sự đồng ý của UBND thành phố bằng văn bản và yêu cầu xây dựng theo đúng quy hoạch của UBND thành phố. Diện tích đất rẻo trên 50m2: Giao Sở xây dựng báo cáo UBND thành phố xem xét bố trí chuyển quyền sử dụng đất theo quy hoạch của thành phố.

Như vậy việc chuyển quyền sử dụng đất rẻo sẽ có 03 hình thức là: hợp thửa, độc lập hoặc đấu giá theo quy định như các tiêu chí đã trình bày ở trên.

TRUNG KIÊN (tổng hợp)
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác