ASEAN chung tay ứng phó và xử lý tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng
Đăng ngày 19-09-2023 18:39, Lượt xem: 34

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (diễn ra từ ngày 20-23/9 tại Furama Resort Đà Nẵng), tại Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng vào ngày 19-9, các đại biểu đã cùng nhau bàn bạc, thảo luận để đưa ra những giải pháp thực tiễn nhằm giảm thiểu các tác hại từ thông tin sai lệch và tin giả.

Tin giả, tin sai sự thật có xu hướng gia tăng trên không gian mạng

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời đại hiện đại này, sự phát triển của kỹ thuật số phương tiện truyền thông và mạng xã hội cho phép thông tin sai lệch lan truyền đi một cách nhanh chóng và tiếp cận lượng lớn độc giả.

“Không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh, khó xác minh, truy vết đã và đang trở thành môi trường phát tán tin giả, tin xấu độc, gây nhiều tác hại nguy hiểm, khó lường.Các nền tảng trực tuyến nơi có thông tin sai lệch được đăng tải và lan truyền nhanh nhất có thể kể đến như : Facebook; Zalo; Youtube;…”, ông Do nói.

Ông Do cho biết, mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng cường các biện pháp quản lý thông tin trên mạng nhằm ngăn chặn và xử lý tin giả, tin xấu độc, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng tin giả, tin sai sự thật ngày càng có xu hướng gia tăng trên không gian mạng.


Quang cảnh Diễn đàn

Ông Trần Ngọc Long, đại diện VietnamPlus cho rằng, hiện nay, tin giả thậm chí còn thu hút nhiều sự chú ý hơn tin thông tin chính thống. Một khảo sát của BuzzFeed cho thấy tin giả thu hút 8,7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, trong khi tin tức từ các nguồn nổi tiếng như New York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7,3 triệu lượt chia sẻ và bình luận.

Theo đại diện Bộ Thông tin Myanmar, thống kê cho thấy, vào năm 2022, Myanmar đã phát hiện 3.805 thông tin sai lệch sai lệch (chiếm 45%) và 2.506 tin giả (chiếm 30%). Vào năm 2023, 1.575 thông tin được phát hiện là bịa đặt (chiếm 43%), 1.699 là tin giả ( chiếm 46%).

Bà Tunku Latifah Binti Tunku Ahmad, đại diện Malaysia đánh giá tin giả, tin sai sự thật đang là vấn nạn toàn cầu của các nước với khả năng gây thiệt hại to lớn.

“Sự lan truyền tràn lan của tin tức giả trên Internet và mạng xã hội là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà các Chính phủ trên thế giới phải đối mặt trong kỷ nguyên hiện đại này. Sau khi vượt qua đại dịch, nhiều đất nước cũng phải đối mặt với sự lan truyền tràn lan của tin giả và thông tin không chính xác, chúng tôi phải liên tục kiềm chế để tránh gây hỗn loạn và thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế”, bà Tunku Latifah Binti Tunku Ahmad chia sẻ.

Chung tay ngăn chặn tin giả, tin xấu, độc trên nền tảng xã hội

Theo ông Lê Quang Tự Do, để giải quyết tình trạng tin giả, tin sai sự thật thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; cơ quan Chính phủ cùng các tổ chức; Báo chí cũng như toàn thể người dân.

Song song đó cần cập nhật khuôn khổ pháp lý; giám sát trực tuyến thông tin; phát hiện và xác định thông tin sai lệch; sự hợp tác giữa Chính phủ và các nền tảng truyền thông;…

Ông Do cho biết, trước năm 2013, Việt Nam không có quy định nào về quản lý thông tin trực tuyến, nhưng hiện nay đã có nhiều quy định xử lý tin sai sự thật.

“Hiện Việt Nam cũng thiết lập Trung tâm An ninh mạng quốc gia, có công suất xử lý 300.000.000 nội dung/ngày, áp dụng công nghệ phân tích các bài đăng trên mạng xã hội. Đồng thời, xây dựng Trung tâm Phòng chống tin giả và hoạt động rất hiệu quả”, ông Do thông tin.


Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do chia sẻ tại Diễn đàn

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Long, đại diện VietnamPlus cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và một số bộ ngành khác ở Việt Nam. Đồng thời, cần kết hợp giữa đám đông và khán giả (đặc biệt là thế hệ gen Z) để phát hiện tin tức sai sự thật trên mạng xã hội.

Ông Izzad Zanman, đại diện Ban Thư ký ASEAN cho rằng, để chống thông tin giả, ASEAN đã có tuyên bố chung về tác hại thông tin sai lệch trên mạng; thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả - đây cũng là ý tưởng được Việt Nam đưa ra…

“Thời gian tới, các nước thành viên ASEAN phải làm nhiều hơn nữa để chống lại thách thức chung này. Các hướng dẫn quản lý thông tin củaCchính phủ trong việc chống lại tin tức giả và thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông là điều rất cần thiết” - ông Izzad Zanman nhấn mạnh.

Bà Tunku Latifah Binti Tunku Ahmad, đại diện Malaysia cho biết, quốc gia này đã đưa ra 3 phương pháp ứng phó tin giả và được áp dụng có hiệu quả như: Xây dựng cổng thông tin điện tử quốc gia để người dân kiểm tra và truyền tải các tin tức trực tuyến chưa được xác minh; triển khai chiến lược click thông minh để người dân có trách nhiệm khi bày tỏ quan điểm trước công chúng, có biện pháp xử lý hành chính với tin giả và các hành vi xuyên tạc; phối hợp với các nhà cung cấp nền tảng tin tức để loại bỏ tin giả, thành lập đội đặc nhiệm chống tin giả.

Đại diện Bộ Thông tin Indonesia cho rằng, để hạn chế tình trạng tin giả thì việc xây dựng niềm tin giữa công chúng và Chính phủ là điều quan trọng. Từ đó có thể tăng cường công tác thông tin, đảm bảo tính xác thực của thông tin.

Nêu dẫn chứng về biện pháp giải quyết tình trạng tin giả, tin sai sự thật, bà Nguyễn Liên, đại diện Google thông tin: “Trong COVID-19, Google đã nhanh chóng xây dựng chính sách chống tin tức sai lệch bằng cách hiển thị các thông tin chính thống từ Bộ Y tế của từng quốc gia để đảm bảo đưa ra thông tin chính xác”.

THỦY THANH - NGUYỆT ÁNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác