Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng
Đăng ngày 03-02-2023 08:54, Lượt xem: 1017

UBND thành phố vừa phê duyệt Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 27-1-2023 ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đối với việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), Đề án đặt mục tiêu phát triển các TCHNCC phù hợp với nhu cầu, số lượng và phân bổ công chứng, có mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với tính chất của hoạt động công chứng và yêu cầu thực tiễn, có năng lực phù hợp để thực hiện đúng chức năng hỗ trợ quá trình hành nghề của công chứng viên (CCV). Trong đó, việc thành lập TCHNCC phải theo các nguyên tắc, trình tự thống nhất và tương ứng với sự phát triển của đội ngũ CCV, tránh tình trạng TCHNCC được thành lập rồi đi tìm CCV hoặc ngược lại.

Đồng thời, thẩm tra chặt chẽ hồ sơ đề nghị thành lập, hồ sơ thay đổi địa điểm trụ sở của Văn phòng công chứng, bảo đảm đúng tiêu chí và quy trình xét duyệt hồ sơ đã được ban hành, phù hợp với định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại Nghị quyết số 172/NQ-CP. Thường xuyên rà soát các tiêu chí thành lập văn phòng công chứng (VPCC), tổ chức thực hiện quy định về tiêu chí thành lập VPCC hiệu quả nhằm bảo đảm phát triển TCHNCC có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư.

Phát triển TCHNCC có kiểm soát, gắn với địa bàn dân cư, không tập trung nhiều TCHNCC trên cùng một địa bàn cấp huyện; bảo đảm ổn định, bền vững, phân bổ hợp lý gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện phù hợp với định hướng của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công chứng, bảo đảm đáp ứng đầy đủ kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức và an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; đổi mới hoạt động công chứng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Tiếp tục đổi mới phòng công chứng bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ hoạt động có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong cung cấp dịch vụ công chứng phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức hành nghề công chứng, kịp thời phát hiện những sai phạm để chấn chỉnh, xử lý nhằm bảo đảm tính ổn định trong tổ chức, sự an toàn, tính pháp lý của các hoạt động giao dịch,

Về đội ngũ công chứng viên, Đề án đặt mục tiêu phát triển đội ngũ CCV bền vững với số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch của địa phương; phân bổ hợp lý; thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao với trình độ chuyên môn vững vàng, tuyệt đối tuân thủ pháp luật, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp cao. Cụ thể, xây dựng đội ngũ CCV chuyên nghiệp, chất lượng cao; phát triển đội ngũ CCV đủ về số lượng, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về công chứng, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về tập sự hành nghề công chứng, thẩm định chặt chẽ hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại CCV nhằm phát triển đội ngũ CCV có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, gắn việc bảo đảm quyền hành nghề của CCV với việc chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề trong hoạt động công chứng. Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi giả mạo trong hoạt động công chứng; lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch dân sự bất hợp pháp; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phát huy vai trò tự quản của Hội Công chứng viên thành phố trong giám sát hoạt động hành nghề của CCV và bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm cho đội ngũ CCV của Hội; phát hiện kịp thời các tiêu cực trong hoạt động hành nghề của CCV và đấu tranh với các hành vi vi phạm, ứng xử không đúng Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, xử lý nghiêm các hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề công chứng.

Hội Công chứng viên thành phố có vai trò là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên trong quá trình hành nghề theo quy định của Điều lệ Hiệp Hội Công chứng viên Việt Nam và theo quy định của pháp luật. Hội phải thể hiện được vai trò lãnh đạo, quản lý của mình để cùng với các cơ quan quản lý nhà nước quản lý hoạt động công chứng phát triển theo đúng định hướng, đúng pháp luật; duy trì được tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình; đội ngũ lãnh đạo Hội phải luôn giữ được cái tâm trong sáng, hết lòng vì sự nghiệp chung của công chứng, nhiệt huyết, vô tư, khách quan, có như vậy mới thu hút, tập hợp được hội viên, phát triển được Hội nói riêng và nghề công chứng trên địa bàn thành phố nói chung.

Đồng thời, phát huy vai trò tự quản của Hội Công chứng viên trong việc đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; giám sát hoạt động hành nghề của các công chứng viên; kịp thời phát hiện các tiêu cực trong hoạt động công chứng, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm, ứng xử không đúng quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; xử lý nghiêm các hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề công chứng hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công chứng theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.

Ngoài ra, Hội Công chứng viên có trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về Hội; pháp luật về công chứng và Điều lệ Hiệp hội công chứng viên Việt Nam. Thực hiện nghị quyết, điều lệ, quyết định, quy định của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ; trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công chứng. Phối hợp với Sở Tư pháp trong phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Điều lệ của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam của hội viên. Thực hiện thủ tục cho gia nhập, chấm dứt tư cách hội viên, chuyển Hội công chứng viên; khen thưởng, xử lý kỷ luật hội viên; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định.

Hội Công chứng viên thành phố có trách nhiệm tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp trong việc triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến hành nghề công chứng nhằm nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, quy tắc ứng xử, đạo đức hành nghề công chứng cho công chứng viên. Tham gia phổ biến, tuyên truyền pháp luật về công chứng, chính sách phát triển nghề công chứng, chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định của pháp luật công chứng.

Thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố phù hợp với các quy định của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP và tình hình thực tiễn tại địa phương. Bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm cho hội viên. Kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng ở địa phương.

Tăng sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp và Hội Công chứng viên trong việc: đăng ký tập sự hành nghề công chứng; bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên; đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên; bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm; kết nạp, khai trừ hội viên Hội Công chứng viên; thành lập hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của văn phòng công chứng… Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoại động hành nghề của công chứng viên.

UBND thành phố giao Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố thực hiện có hiệu quả Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình trong thực hiện hoạt động công chứng nhằm hạn chế những tổn thất do hành vi công chứng sai quy định gây ra. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vị trí vai trò của hoạt động công chứng, công chứng viên và ý nghĩa của việc ban hành chính sách phát triển nghề công chứng.

Tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương, chú trọng thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19-11-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tốt việc quản lý, khai thác, sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu công chứng; Nghiên cứu triển khai thực hiện thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế sau khi liên ngành trung ương có hướng dẫn.

Sở Tư pháp có trách nhiệm thường xuyên cập nhật các Quyết định công bố thủ tục hành chính được sẳ đổi, bổ sung hoặc thay thế của Bộ Tư pháp để kịp thời trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành Quyết định công bố danh mục trong lĩnh vực công chứng. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục rườm rà không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND thành phố ban hành liên quan đến hoạt động công chứng nhằm kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với quy định pháp luật mới ban hành và tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định pháp luật về công chứng và quy định pháp luật có liên quan.

Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, TCHNCC vi phạm pháp luật; kiên quyết tạm đình chỉ hành nghề công chứng, miễn nhiệm CCV, chấm dứt hoạt động hoặc các hình thức xử lý tương ứng khác đối với các hành vi vi phạm pháp luật của công chứng viên, TCHNCC. Chủ trì, phối hợp với Hội Công chứng viên thành phố tổng hợp những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động công chứng, có văn bản xin hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp. Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án; kịp thời đề xuất, kiến nghị trình UBND thành phố quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tư pháp cung cấp nội dung phổ biến pháp luật về công chứng cho các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí tăng cường công tác truyền thông các nội dung về pháp luật công chứng trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương. Phối hợp với Sở Tư pháp triển khai các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử theo hướng dẫn, lộ trình của cấp có thẩm quyền. Phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan thực hiện việc liên thông cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu về đất đai, thuế, nhà ở và dân cư theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương,

Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ động, phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác kết nối, tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai với Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng. Phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kịp thời cung cấp thông tin biến động về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thành viên hộ gia đình sử dụng đất liên quan đến các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng khi đã thực hiện đầy đủ thủ tục cung cấp thông tin về đất đai theo quy định của pháp luật.

UBND thành phố giao Công an thành phố phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực công chứng; kịp thời thông tin vê tình hình, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động công chứng để phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật của CCV đang hành nghề trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Cơ quan thuế trong điều tra, xác minh các hợp đồng có dấu hiệu tội phạm về thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Phối hợp với Sở Tư pháp tích hợp Cơ sở dữ quốc gia về dân cư với Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để công chứng viên thực hiện các hoạt động xác minh hồ sơ phục vụ hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch.

UBND thành phố đề nghị Tòa án nhân dân thành phố thông tin kịp thời gửi các Bản án của Tòa án nhân dân các cấp liên quan đến CCV, TCHNCC để Sở Tư pháp theo dõi, quản lý. Đồng thời, đề nghị Hội Công chứng viên thành phố phát huy trách nhiệm tự quản, nhất là trong việc đấu tranh với các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp công chứng; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, giao ban công chứng để giao lưu, học hỏi, trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công chứng; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng, phối hợp với Sở Tư pháp để xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan phổ biến pháp luật về công chứng; giá trị pháp lý của văn bản công chứng, chứng thực; về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng cho cán bộ và nhân dân tại địa phương. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn có liên quan, UBND các xã, phường phối hợp cung cấp thông tin theo quy định pháp luật và tạo điều kiện để công chứng viên thực hiện các hoạt động xác minh hồ sơ phục vụ hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.