Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Đăng ngày 05-08-2022 18:38, Lượt xem: 11060

Ngày 5-8, phát biểu chỉ đạo Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, cần phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Kết quả đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn vừa qua cho thấy, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Theo số liệu thống kê, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP.

Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Cùng với đó, thương mại điện tử và các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ thay thế dần thương mại truyền thống, dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như Viettei, VNPT, FPT, CMC... Ngân hàng số, giáo dục số phát triển góp phần giúp ngành dịch vụ thích ứng tốt hơn và phù hợp hơn với bối cảnh phát triển mới của thế giới, đặc biệt là dịch COVID-19.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lĩnh vực du lịch đã chú trọng hướng tới bảo tồn di sản văn hóa và phát huy vai trò của các giá trị văn hoá truyền thống, chuyển dịch sang du lịch thông minh, góp phần nâng cao vị thế đất nước và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Lĩnh vực dịch vụ vận tải trực tuyến và lưu trú khách sạn được đầu tư mới cho mục đích kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ. Lĩnh vực dịch vụ môi trường thu hút đầu tư của một số công ty cung cấp nền tảng để chủ động nguồn thải ở Việt Nam. Một số ngành dịch vụ hình thành các sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như dịch vụ y tế, bảo hiểm đã góp phần phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, các mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ xuất hiện và phát triển góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại.

“Thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra, như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.

Bên cạnh đó, một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%). Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiếm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống.

“Thực tế các tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thế và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, để xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển, nâng cao chất lượng ngành dịch vụ

Khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình tất yếu, là nhiệm vụ trung tâm để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian đến cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới.

Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đối mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp toàn dân; không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo hội thảo

“Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, cần phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; đồng thời, cần quan tâm xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ.

Cùng với đó, cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin. Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác theo hướng chú trọng dịch vụ ngân hàng số; xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững.

Mặt khác, cần phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, trong đó chú trọng và phát triển có hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm và an sinh xã hội. Đẩy nhanh chuyển đổi số ngành y tế, phát triển dịch vụ hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số...; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực dịch vụ đời sống xã hội.

Để đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ, một giải pháp nữa được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề cập là tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ đi đôi với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển ngành du lịch theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững; tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong thời gian đến, cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, đi đôi với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

“Đặc biệt, cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo để thực hiện thắng lợi chủ trương tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu. Theo đó, cần chú trọng tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục số, đặc biệt là đại học số trên cơ sở ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập để thúc đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài; đồng thời, quan tâm phát triển con người toàn diện gắn xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ văn hóa trong bối cảnh, điều kiện mới để tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội.

“Là nền kinh tế phát triển năng động, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với 60 đối tác lớn; có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao; có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác