Nỗ lực giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
Đăng ngày 05-07-2022 11:10, Lượt xem: 433

Cảm hóa, giáo dục những người lầm lỡ là một việc làm mang đậm tính nhân văn. Do đó, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng sẽ là liều thuốc hữu hiệu giúp họ không cảm thấy bị kỳ thị, xa lánh, có thêm động lực để tái hòa nhập, làm lại cuộc đời.

Chúng tôi đến thăm Cơ sở xã hội Bàu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) vào một ngày cuối tháng 6 trong tiết trời oi ả, khi các học viên đang tham gia lao động, sản xuất. Dừng tay trò chuyện với chúng tôi, anh T.T.P (30 tuổi) kể lại, trong khoảng thời gian bản thân gặp nhiều chuyện không vui, anh bị một người bạn rủ rê và cho cần sa để dùng thử. Vì tò mò nên anh thử hút cho biết. Hút được lần đầu, đi đâu, làm gì anh cũng thấy thèm nên thường xuyên tụ tập cùng bạn bè sử dụng cần sa, thế là từ đó cuộc đời anh trượt dài trong những vũng lầy mãi không kéo ra được.

Anh P. nhớ lại, khi sử dụng cần sa, anh có cảm giác như được thư giãn, phấn chấn và vô cùng sảng khoái. Từ ngày nghiện, bao nhiêu tiền làm ra anh đều sử dụng để mua cần sa.

“Trong một phút lầm lỡ và tôi đã không hề ý thức được những hậu quả khôn lường mà chất kích thích gây ra cho con người cũng như xã hội. Tương lai, ước mơ phía trước của bản thân tôi cũng đành dang dở”, anh P. thổ lộ.

Theo anh P., từ khi được đưa vào Cơ sở xã hội Bàu Bàng cai nghiện, được cán bộ quan tâm, chăm sóc, điều trị cắt cơn và tham gia lao động, rèn luyện sức khỏe đã giúp anh lấy lại thăng bằng cuộc sống. Ước muốn của anh là nhanh chóng cai nghiện trở về với gia đình để làm lại cuộc đời, bù đắp những lỗi lầm mình gây ra cho bố mẹ, người thân.

Cơ sở xã hội Bàu Bàng hiện đang quản lý 317 học viên cai nghiện. Tất cả học viên khi vào trung tâm đều được thực hiện các quy trình phân loại chặt chẽ; tổ chức, quản lý cai nghiện theo từng loại học viên; duy trì các chế độ sinh hoạt, hoạt động hàng ngày của học viên, từng bước đưa học viên đi vào nề nếp.

Trong đó, khâu kiểm tra sức khỏe và đánh giá mức độ nghiện là khâu quan trọng nhất để từ đó có biện pháp chữa trị, giáo dục phù hợp. Cán bộ trung tâm đã tổ chức cắt cơn cho học viên đảm bảo an toàn, chưa trường hợp nào xảy ra sự cố. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố tổ chức hỗ trợ cắt cơn cho học viên bằng phương pháp châm cứu và uống thuốc nam...

Ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bàu Bàng cho biết, khi học viên vào cơ sở có người vướng vào ma túy và mắc nhiều tệ nạn, đặc biệt về nhân cách đa phần có biến đổi. Tuy nhiên, cán bộ và nhân viên đều lấy quan điểm người nghiện ma túy là người bệnh, cơ sở cai nghiện là nơi chữa bệnh, học viên đến để chữa bệnh chứ không phải bị cách ly, từ đó ra sức nỗ lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự để quản lý tốt học viên.

Ngoài tiền ăn theo quy định, Cơ sở đã tổ chức sản xuất rau, quả, thịt, cá bổ sung cải thiện bữa ăn cho học viên. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và vui chơi giải trí của học viên được chú ý, duy trì thường xuyên.

Hàng tháng hoặc các ngày Lễ, Tết, Cơ sở sẽ phối hợp, tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ giữa học viên các Ban quản giáo với các đơn vị trong thành phố; đồng thời tổ chức các Hội thi văn hóa, thể thao. Thư viện Cơ sở cũng có trên 5 ngàn đầu sách và hơn 1 ngàn tạp chí các loại nhằm đáp ứng nhu cầu đọc và nâng cao kiến thức của học viên.

Công tác phòng, chống gây rối, trốn chạy, chống thẩm lậu các chất kích thích vào Cơ sở được triển khai thực hiện chặt chẽ. Cơ sở còn phối hợp với các ngành chức năng và cơ quan, địa phương tổ chức diễn tập xử lý tình huống học viên gây rối, trốn chạy tập thể. Định kỳ hoặc đột xuất thử test học viên, kiểm tra phòng ngừa thẩm lậu các chất kích thích. Đến nay, chưa có trường hợp nào trốn chạy hoặc thẩm lậu các chất kích thích vào Cơ sở, an ninh trật tự cơ bản giữ được sự ổn định.

Theo chị Phan Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng hồ sơ giáo dục dạy nghề, Cơ sở xã hội Bàu Bàng, sau khi cắt cơn, học viên sẽ được tư vấn, giáo dục đạo đức, phục hồi hành vi nhân cách để khi các em tái hòa nhập cộng đồng sẽ trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

‘Cùng với công tác điều trị cai nghiện thì việc thực hiện giáo dục, dạy nghề, xóa mù chữ cũng là những nhiệm vụ được Cơ sở quan tâm, chú trọng. Chúng tôi đã tổ chức mở các lớp xoá mù và phổ cập tiểu học với tiêu chí là cố gắng truyền đạt dạy các em biết viết, biết đọc. Ngoài ra, hằng năm Cơ sở còn phối hợp tổ chức các lớp nghề: sửa chữa xe máy, điện dân dụng, kỹ thuật xây dựng, nghiệp vụ bán hàng, Kỹ thuật trồng Hoa, cây cảnh; Điện lạnh, Điện Ô tô... cho hơn 200 học viên/năm. Học viên sau khi học xong được các Trường cấp chứng chỉ nghề. Đồng thời, Cơ sở cũng kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp mặt, đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho học viên khi tái hòa nhập cộng đồng.”, chị Thủy chia sẻ.

Để công tác cai nghiện đạt chất lượng cao, ngoài điều trị cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở, vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng.

Có thể nói, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý cai nghiện và sau cai nghiện, giúp nhiều người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, qua đó góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, giảm số người nghiện và tỷ lệ tái nghiện trong cộng đồng.

Điển hình tại phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), lãnh đạo địa phương đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi và tặng quà cho các học viên tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng. Đây là một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác phòng, chống ma túy và giúp đỡ người cai nghiện.

Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thuận Đông Nguyễn Hồ Hoàng Nam cho biết, trong những năm qua, địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt, tư vấn giúp đỡ người từng lầm lỡ hòa nhập xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, giới thiệu việc làm để họ có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.

Trưởng Công an phường Hòa Thuận Đông Cao Lê Duy Hùng chia sẻ: “Bên cạnh việc đồng hành cùng những người lầm lỡ trong quá trình hòa nhập cộng đồng, chúng tôi cũng thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, sự nguy hiểm của ma túy gây ra đối với sức khỏe con người, những ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh trật tự”.

Còn tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), mô hình Câu lạc bộ “Tương lai xanh” đã trở thành điểm tựa cho người từng lầm lỡ tại địa phương ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, từ đó giảm tỷ lệ nguy cơ tái nghiện.

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây Ông Thị Thủy cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, cảm hóa những người từng lầm lỡ, các thành viên tham gia Câu lạc bộ “Tương lai xanh” còn được hỗ trợ phương tiện sinh kế, vay vốn, giới thiệu việc làm để có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, từng bước làm lại cuộc đời.

“Mô hình CLB “Tương lai xanh” là chỗ dựa vững chắc cho thanh, thiếu niên từng sa ngã. Khi tham gia mô hình, mỗi thành viên trong CLB sẽ được lực lượng Công an phường cùng các hội, đoàn thể nhận quản lý, giúp đỡ và cảm hóa. Bên cạnh đó, cán bộ phường thường xuyên thăm hỏi, động viên, không để các em tự ti, mặc cảm và quay trở lại con đường cũ”, bà Thủy nói.

Họ - mỗi người một lứa tuổi, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều mang trong mình ký ức buồn về một thời lầm lỗi. Song, bằng sự cảm thông sâu sắc, tấm lòng nhân ái, đầy tình thương của gia đình, cộng đồng và nỗ lực không biết mệt mỏi của các cấp chính quyền đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để những con người lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời, viết tiếp những ước mơ còn dang dở.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác