Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn
Đăng ngày 25-10-2021 10:08, Lượt xem: 648

UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 6-10-2021 về việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Kế hoạch nhằm tạo sự chủ động trong việc huy động tối đa lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để kịp thời xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp xảy ra trên địa bàn thành phố để làm giảm thiệt hại về người và tài sản do cháy, sự cố, tai nạn gây ra. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân về trách nhiệm tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phát huy có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng.

Theo đó, khi tình huống cháy, sự cố, tai nạn xảy ra có quy mô lớn, diễn biến phức tạp vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Công an thành phố, cần phải có sự huy động, chi viện lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, các phương tiện chuyên dùng khác và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn thành phố để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các lực lượng được huy động gồm:

-Công an thành phố, trong đó lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan.

-Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn.

-Lực lượng y tế.

-Lực lượng của các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, xã, phường nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn.

-Các lực lượng thuộc Công ty TNHH MTV điện lực Đà Nẵng, Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng... tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn thành phố.

-Các lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở như đội dân phòng; đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành.

Các loại phương tiện, tài sản huy động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân gồm: xe chữa cháy, xe chở nước, xe cứu nạn cứu hộ, xe cứu thương, xe thang, tàu, thuyền, xà lan, ca nô, xe câu, xe múc, xe ủi, xe phá dỡ và các loại xe khác phục vụ cho công tác chữa cháy và CNCH; ống thoát hiểm, dây tự cứu, máy bơm nước và các phương tiện, thiết bị, tài sản khác của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và cá nhân trên địa bàn thành phố có thể huy động để tham gia xử lý các vụ cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp. Các phương tiện, trang thiết bị khi được huy động cần đảm bảo khả năng hoạt động, vận hành; trong trường hợp phương tiện, dụng cụ chuyên dụng đặc thù thì cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân nhận Lệnh huy động bố trí phương tiện, trang thiết bị cùng người điều khiển, vận hành phương tiện, trang thiết bị tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

UBND thành phố giao Công an thành phố chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu UBND thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2231/QĐ-TTg ngày 28-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 2551/QĐ- UBND ngày 15-4-2013 của UBND thành phố về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới công trình liên quan đến công tác PCCC trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có sự phối hợp nhiều lực lượng, phương tiện tại những cơ sở, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp. Tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu về lực lượng và phương tiện; huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh trật tự khi có cháy, sự cố, tai nạn lớn xảy ra, không để tội phạm, phần tử xấu lợi dụng phá hoại, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thực thi nhiệm vụ.

Công an thành phố có trách nhiệm chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng về nguồn nước, lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tổ chức, cá nhân để kịp thời có phương án huy động khi có các tình huống cháy, nổ, tai nạn diễn biến phức tạp xảy ra. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu người có thẩm quyền ban hành quyết định huy động, đề xuất hoàn thiện các thủ tục và tổ chức hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại về tài sản do việc trưng dụng, huy động để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân, xử lý theo quy định của pháp luật và đảm bảo an ninh trật tự việc khắc phục hậu quả các vụ cháy, sự cố, tai nạn. Công an thành phố cũng là cơ quan chủ trì chuyên đề phong trào Toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, chịu trách nhiệm xét chọn, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định để trình Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng cho tập thể, cả nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

UBND thành phố giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phế, các đơn vị Quân đội đóng trên địa bàn thành phố chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc. Khi có Lệnh điều động của Chủ tịch UBND thành phố, nhanh chóng đến hiện trường phối hợp cùng Công an thanh phố và các đơn vị cồ liên quản tham gia thực hiện có hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tham gia phối hợp với lực lượng Công an triển khai chữa cháy, cứu người bị nạn, cứu tài sản; hướng dẫn thoát nạn, sơ tán tài sản ra nơi an toàn. Tổ chức rà phá bom, mìn, chất nổ nếu có yếu tố khủng bố, phá hoại. Điều động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy những vụ cháy lớn, cháy rừng, cứu nạn, cứu hộ phức tạp tại nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư...

Sở Y tế có trách nhiệm rà soát, thống kê, có kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện khi được điều động đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị; thiết lập điểm sơ cấp cứu dã chiến, tiếp nhận nạn nhân; tiến hành sơ, cấp cứu ban đầu khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp. Phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương xây dựng phương án và giải pháp vệ sinh, làm sạch môi trường, phòng chống dịch bệnh sau khi cháy, sự cố, tai nạn xảy ra.

Sở Giao thông vận tải huy động lực lượng, phương tiện trong phạm vi quản lý tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu hộ; đưa, đón lực lượng đến tham gia chữa cháy, vận chuyển trang thiết bị chữa cháy và tài sản cứu được theo yêu cầu của Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp các lực lượng Công an, Quân đội hướng dẫn, điều hành phân luồng giao thông, giải quyết các chướng ngại vật trên các tuyến đường vào khu vực xảy ra cháy, sự cố, tai nạn đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Phối hợp cơ quan chức năng xác định mức độ thiệt hại đối với các công trình hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền quản lý.

UBND thành phố cũng giao Sở Thông tin và truyền thông, Đài phát thanh, truyền hình thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo về các nguy cơ gây cháy, nổ, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp; hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tự thoát nạn và cứu người trong đám cháy, sự cố, tai nạn; tuyên truyền rộng rãi về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp để các cấp, các ngành, các cơ sở và quần chúng nhân dân biết và hưởng ứng thực hiện đồng bộ và triệt để. Ưu tiên và đảm bảo thông tin thông suốt, đáp ứng yêu cầu liên lạc phục vụ công tác chỉ huy điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thông tin tuyên truyền về công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

UBND các quận, huyện có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố trong việc hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn; tổ chức xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn được phân công phụ trách; nâng cao hiểu biết của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn về trách nhiệm chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chủ động xây dựng phương án, quy chế phối hợp với UBND cùng cấp, các đơn vị liên quan tổ chức hiệp đồng, huy động, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, rà soát, thống kê, có kế hoạch huy động, sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, phương tiện (đặc biệt là các xe chuyên dùng như: xe cứu thương, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe chở nước, xe phá dỡ, xà lan, tàu, ca nô, xuồng, thuyền...) của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn quản lý để xử lý các vụ cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp xảy ra trên địa bàn; khắc phục hậu quả sau khi xảy ra cháy. Chủ động tham mưu, đề xuất người có thẩm quyền đáp ứng các điều kiện về hậu cần phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ như bổ sung nhiên liệu, hóa chất chữa chảy, phương tiện chiểu sáng, nước uống, thực phẩm và thuốc y tế... để đảm bảo thuận lợi cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được liên tục và đạt hiệu quả cao nhất.

UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vi, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn thành phố thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền việc chấp hành các quy định về PCCC và CNCH tại cơ sở, khu vực mình quản lý; củng cố, kiện toàn, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC chuyên ngành, cơ sở và dân phòng; đảm bảo lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết kịp thời ứng phó với các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp xảy ra.

Bên cạnh đó, có các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH; bố trí sắp xếp các khu vực sản xuất, kinh doanh, sắp xếp hàng hoá đảm bảo các điều kiện chống cháy lan, cháy lớn; đảm bảo giao thông, nguồn nước, trang thiết bị, PCCC và CNCH phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; huy động lực lượng, phương tiện trong phạm vi quàn lý của mình tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi được yêu cầu. Nắm tình hình cơ sở, khu vực xảy ra cháy, sự cố, tai nạn lớn, thông tin đầy đủ tình hình, phối hợp các đơn vị, cá nhân liên quan tổ chức khắc phục hậu quả do cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp xảy ra.

Lực lượng PCCC nơi xảy ra cháy, khi phát hiện cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp, lực lượng PCCC cơ sở cần báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố; tổ chức chỉ huy, huy động tối đa lực lượng, phương tiện của cơ sở cứu chữa ban đầu khi đám cháy mới phát sinh, hướng dẫn thoát nạn và phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức cứu người, tài sản, chữa cháy.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.