Đà Nẵng duy trì và phát triển bền vững chương trình thành phố "5 không”, “3 có”, “4 an”
Đăng ngày 04-06-2020 02:55, Lượt xem: 2717

“Các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” đã cho thấy hiệu quả trong thực tiễn xây dựng và phát triển, đảm bảo chính sách an sinh xã hội thành phố. Với kết quả đã đạt được trong từng thời kỳ, những mục tiêu có tính bền vững sẽ được điều chỉnh để phù hợp hơn trong thời gian tới, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045." Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại buổi hội thảo chuyên đề định hướng chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” tổ chức ngày 3-6. Tham dự hội thảo có nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Nguyễn Đăng Hải, Đại tá Lê Quốc Dân - Phó Giám đốc Công an thành phố.

Giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội gắn với xây dựng thương hiệu Đà Nẵng

Năm 2000, Đà Nẵng ban hành chương tình "Thành phố 5 không" gồm không có hộ đói, không người mù chữ, không người lang thang xin ăn, không tệ nạn ma túy, không giết người cướp của. Năm 2005, thành phố tiếp tục ban hành chương trình "Thành phố 3 có" gồm: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Năm 2016, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện chương trình thành phố “4 an”: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội. Qua thực hiện, các chương trình đạt được nhiều kết quả tích cực, được người dân đồng tình hưởng ứng; nhiều mục tiêu ban đầu của các chương trình đã thành hiện thực, góp phần xây dựng thành phố giàu đẹp văn minh.

Các đại biểu đề xuất thay đổi, bổ sung mục tiêu chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” phù hợp với tình hình thực tế

Việc thực hiện mục tiêu "Có nếp sống văn hóa văn minh đô thị" gắn với Chỉ thị 43 của Thành ủy được triển khai quyết liệt, ý thức chấp hành các quy định về xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị của người dân và du khách có sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, với chương trình thành phố "4 an", thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang, xử lý các điểm đen giao thông, nút giao thông ùn tắc; đảm bảo giao thông đồng bộ, thông suốt, trật tự an toàn hiệu quả. Hằng năm, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn từ 5-10% ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.

Lực lượng chức năng thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, xử lý tình trạng các hộ kinh doanh sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm. Qua đó, giải quyết những vấn đề bức xúc về thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển kinh doanh sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm....

Trong 15 năm thực hiện mục tiêu người dân “có nhà ở”, thành phố đã đưa vào sử dụng gần 11.000 căn hộ chung cư, nhà liền kề và khu ký túc xá, tập trung giải quyết cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thu nhập thấp. Đồng thời, hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 1.400 căn hộ cho các đối tượng chính sách; chi trả thường xuyên cho khoảng 22.000 đối tượng chính sách; nâng mức bảo trợ xã hội từ 270.000 đồng lên 350.000 đồng/người/ tháng. Với mục tiêu "có việc làm", thành phố đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa...Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động mỗi năm; tăng thu nhập và ổn định cuộc sống người dân.

Trong 20 năm thực hiện Chương trình thành phố "5 không", với mục tiêu không có hộ đói, không có hộ đặc biệt nghèo, thành phố đã tập trung thực hiện các chính sách đặc thù riêng, tập trung huy động nguồn lực từ Nhà nước và cộng đồng xã hội để hỗ trợ  5.955 hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mục tiêu “không có người mù chữ” đã chuyển sang mục tiêu “không có học sinh bỏ học”, tiến hành phổ cập tất cả các cấp học trên địa bàn. Thực hiện mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng, không có giết người để cướp của”, thành phố đã thực hiện quyết liệt, xử lý triệt để các điểm nóng. tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình trạng người nghiện, các tệ nạn xã hội...Đặc biệt, rà soát các đối tượng nghiện, có dấu hiệu loạn thần, vận động các gia đình đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, kiên quyết không để xảy ra các vụ viện ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh trật tự.

Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2019 đến nay, hơn 1.000 học sinh bỏ học đã quay lại trường học phổ thông, chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề; 5.000 trường hợp lang thang xin ăn đã được lực lượng chức năng liên hệ gia đình, đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội. Gia đình và địa phương phối hợp quản lý, quan tâm đặc biệt đến các đối tượng tù tha, trường giáo dưỡng, các thanh thiếu niên nghỉ học, bỏ học, đến tuổi lao động... nhằm hạn chế việc các em tái phạm, vi phạm pháp luật. Từ năm 2000 tới nay, thành phố đã lập hồ sơ xử lý, giám sát cai nghiện tập trung hoặc tại cộng đồng đối với 23.000 trường hợp nghiện ma tuý, hơn 4.000 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý theo dõi.

Điều chỉnh, nâng tầm các mục tiêu chương trình phù hợp trong tình hình mới

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, các chương trình xây dựng thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an” là những chủ trương mang đậm tính nhân văn, góp phần xây dựng thương hiệu Đà Nẵng ngày càng văn minh.. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội mới trong giai đoạn hiện nay. Đó là tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại, người xin ăn biến tướng, người nghiện sử dụng các loại ma túy tổng hợp, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa có xu hướng tăng. Tình trạng lạm dụng ma túy, rượu bia, bạo lực gia đình, cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, cho vay mượn kiểu "tín dụng đen" dẫn đến giết người, cướp của. Nhu cầu giải quyết việc làm, nhà ở, các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân... đang là vấn đề bức xúc đặt ra. Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung và nâng tầm các mục tiêu của những chương trình này là hết sức cần thiết. 

Tại hội thảo, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng Đà Nẵng cần duy trì và phát triển bền vững chương trình "5 không" bởi đây là chương trình mang bản sắc riêng của thành phố. Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ cho rằng, các nội dung mục tiêu “5 không”, “3 có” có thể tích hợp trong chương trình xây dựng thành phố “4 an” như “không giết người để cướp của”, “không có người lang thang xin ăn”, đảm bảo người dân “có nhà ở”, “có việc làm”. Đồng thời, gắn với thực hiện hiệu quả mục tiêu an sinh xã hội, hướng mạnh đến mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn đa chiều, để Đà Nẵng có thể yên tâm kết thúc vai trò lịch sử của mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo” trong chương trình thành phố “5 không”, “3 có”.

Nguyên Phó Bí thư Thành uỷ Võ Công Trí nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, chương trình cần gắn với các vấn đề công nghệ số, môi trường mạng xã hội và những biến đổi trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ với cuộc sống hiện đại làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của giới trẻ nói riêng và người dân nói chung. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Chiến - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Đại tá Lê Quốc Dân - Phó Giám đốc Công an thành phố cũng đề nghị thành phố điều chỉnh phương thức tiếp cận thích hợp để xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh trong tình hình mới. Với tỷ lệ đô thị hóa gần 90%, các thách thức trong quá trình phát triển như nhà ở, việc làm, ô nhiễm, tội phạm, ùn tắc giao thông là những bài toán lâu dài mà chính quyền đều phải tập trung giải quyết. Cùng với đó là tác động của toàn cầu hóa; sự phát triển của các phương tiện truyền thông tác động trực tiếp, liên tục với cường độ cao ảnh hưởng đến lối sống, nếp sống của thanh thiếu niên.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình gắn với bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích

Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và giáo dục thanh thiếu niên cũng gặp những khó khăn, thách thức trong tình hình hiện nay. Do đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề xuất thành phố cần điều chỉnh mục tiêu “Không có học sinh bỏ học” chuyển sang “Không có trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường”, “Không xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em". Trong đó, chú trọng hơn vào công tác giáo dục và bảo vệ trẻ em bởi hiện nay tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại đang là vấn đề bức xúc cần phải có chương trình để tập trung xử lý; cũng như các giải pháp để thực hiện mục tiêu kiềm chế sự gia tăng của tội phạm thanh thiếu niên, đấu tranh triệt phá các đường dây tổ chức đánh bạc, trộm cắp... góp phần vào việc xây dựng thành phố an bình, hiện đại.

Tại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong việc lồng ghép, điều chỉnh các mục tiêu chương trình nhằm đảm bảo tính nhân văn.  Các mục tiêu đề ra cụ thể, sát với yêu cầu thực tế phát triển của thành phố theo từng thời kỳ và phải huy động được sự đồng lòng tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Việc xác định các mục tiêu trong giai đoạn mới lần này phải xác định trên cơ sở các yêu cầu của thực tế, do đó, Phó Chủ tịch đề nghị trong thời gian tới, Sở Lao động Thương binh Xã hội tiếp tục chủ trì, tổng hợp các ý kiến tham mưu thành phố về việc duy trì các Chương trình “5 không”, “3 có” “4 an” theo hướng điều chỉnh, bãi bỏ hoặc bổ sung thêm các mục tiêu, kết hợp với việc thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ (2020-2025). Cụ thể, đối với chương trình "5 không", nghiên cứu lồng ghép các tiêu chí "thành phố không có hộ đặc biệt nghèo, không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng, không có giết người để cướp của" vào chương trình thành phố "4 an", đảm bảo an sinh xã hội và an ninh trật tự; điều chỉnh mục tiêu "có việc làm" gắn với trách nhiệm học tập, sáng tạo, nâng cao chất lượng lao động và khởi nghiệp vào chương trình an sinh xã hội của thành phố...

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác

 
You do not have the roles required to access this portlet.