Nâng cao chất lượng công tác tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức cá nhân nước ngoài
Đăng ngày 03-06-2020 15:21, Lượt xem: 691

Ngày 3-6, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (SDDC), Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO) và Trung tâm Phục vụ Đối ngoại Đà Nẵng (SCEDFA) tổ chức Hội nghị giao ban tổng kết đánh giá Nghị định 75/2014/NĐ-CP về công tác tuyển, quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại miền Trung Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Trắc Bá - Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, ông Trần Quang Thảo - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO), ông Trần Hiếu - Giám đốc Trung tâm Phục vụ Đối ngoại Đà Nẵng đồng chủ trì hội nghị

Trong thời gian qua, 3 đơn vị có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam được Bộ Ngoại giao giao và ủy quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam gồm Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (SDDC), Trung tâm phục vụ đối ngoại Đà Nẵng (SCEDFA), Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO) đã phối hợp thực hiện thủ tục đăng ký quản lý đúng quy định đối với tất cả số lao động Việt Nam được tổ chức nước ngoài thông báo tuyển dụng; thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn pháp luật lao động và các quy định khác của Nhà nước về chế độ, quyền lợi của người lao động khi làm việc cho các tổ chức nước ngoài. Đồng thời, triển khai việc ký Quy chế phối hợp với Cục An ninh đối ngoại, chia sẻ kế hoạch công tác trọng tâm và công tác địa phương với Cục Ngoại vụ và Thanh tra Bộ; tham gia các đoàn công tác của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Song song với đó, 3 đơn vị đã phối hợp hỗ trợ giải quyết các tranh chấp lao động, tham gia ý kiến đối với các tổ chức nước ngoài trong việc xây dựng nội quy lao động, tư vấn các chế độ, chính sách về lương và ưu đãi ngoài lương đối với người lao động Việt Nam.

Ông Nguyễn Thọ Xương - quyền trưởng phòng Quản lý lao động (Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn) cho biết, một số cơ quan có thẩm quyền tuyển, quản lý thường bị động trong việc nhận thông tin về việc thành lập các tổ chức thuộc chính phủ, liên chính phủ và phi chính phủ nước ngoài do chưa có cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan chức năng có liên quan. Do đó, dẫn đến việc tạo ra nhiều khoảng trống trong công tác quản lý người lao động Việt Nam. Một số trường hợp nhu người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc không đăng ký quản lý với cơ quan có thẩm quyền tuyển, quản lý lao động vì Liên Hiệp Quốc nêu lý do đã có thỏa thuận riêng với Chính phủ Việt Nam về việc quản lý nhân viên Việt Nam, mặc dù theo Nghị định 75/2014/NĐ-CP các tổ chức nước ngoài bao gồm cả các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Hiện nay, một số trường hợp tổ chức nước ngoài sử dụng người lao động Việt Nam không thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển, quản lý lao động; không tạo điều kiện cho người lao động làm thủ tục đăng ký quản lý. Đối với nhiều địa phương, việc ký Quy chế phối hợp vẫn mang tính hình thức, chưa có sự chia sẻ, phối hợp kịp thời nên việc rà soát, đánh giá tình hình lao động Việt Nam tại địa phương không đạt hiệu quả, không có số liệu thống kê chính xác. Nhiều địa phương còn mơ hồ về nhiệm vụ quản lý người lao động Việt Nam làm việc tại địa phương nên không có cơ quan đầu mối báo cáo khi có yêu cầu. Khó khăn lớn nhất là một số tổ chức nước ngoài không hợp tác, không muốn có sự can thiệp sâu trong việc tuyển dụng nhân sự của các cơ quan Việt Nam. Thị trường lao động có xu thế mở với đa dạng lao động, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động... dẫn đến khó cạnh tranh với các Trung tâm cung ứng nguồn nhân lực chuyên nghiệp.

Ông Trần Hiếu - Giám đốc Trung tâm Phục vụ Đối ngoại Đà Nẵng đề xuất giải pháp nâng cao công tác quản lý, tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Theo ông Trần Hiếu - Giám đốc Trung tâm Phục vụ Đối ngoại Đà Nẵng, cần có giải pháp nâng cao trình độ, năng lực người lao động để giải quyết vấn đề tuyển chọn, giới thiệu người lao động Việt Nam tăng đều qua các năm nhưng tỷ lệ trúng tuyển thấp. Bởi nguyên nhân do chất lượng nguồn lao động chưa đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu của tổ chức nước ngoài về chuyên môn, ngành nghề; chất lượng sinh viên mới ra trường chưa đáp ứng nhu cầu của tổ chức nước ngoài về kinh nghiệm chuyên môn... Trong khi đó, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động trước khi giới thiệu vào làm cho tổ chức nước ngoài chưa được chú trọng do không có kinh phí, do đó, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Trong thời gian tới, ba đơn vị Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (SDDC), Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO) và Trung tâm Phục vụ Đối ngoại Đà Nẵng (SCEDFA) tiếp tục nghiên cứu cải tiến phương thức hợp tác và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, các cơ quan Ngoại vụ địa phương để rà soát, cập nhật thường xuyên hoặc định kỳ số lượng các tổ chức nước ngoài được cấp phép thành lập, hoạt động; duy trì tổ chức đoàn công tác đánh giá tình hình sử dụng lao động Việt Nam làm việc cho văn phòng dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Hà Nội, miền Trung - Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ tuyển chọn, giới thiệu người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài. Các cơ quan có thẩm quyền tuyển, quản lý lao động từ rà soát, đánh giá cụ thể, chính xác hiệu quả công tác của đơn vị, đề ra các giải pháp nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự, tăng tính chủ động, bám sát giải quyết việc của cán bộ.

Đại diện Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn cũng đề xuất kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong thời gian tới hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường các quy định và chế tài xử lý cá nhân và tổ chức nước ngoài vi phạm các quy định về tuyển, quản lý lao động Việt Nam. Cục Ngoại vụ kịp thời trao đổi thông tin về việc cấp giấy phép, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để cơ quan có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam kịp thời tiếp cận, hướng dẫn thực hiện Nghị định 75/2014/NĐ-CP; xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 75/2014/NĐ-CP trong thời gian tới nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp với thực tiễn công tác tuyển, quản lý người lao động Việt Nam hiện nay.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác