Đà Nẵng - 25 năm một chặng đường
Đăng ngày 26-12-2021 15:12, Lượt xem: 237

Hai mươi lăm năm - quãng thời gian chưa đủ dài nhưng đủ để chứng kiến biết bao sự đổi thay của thành phố ven sông Hàn. Từ một đô thị cấp 3, thành phố trực thuộc tỉnh với cơ sở hạ tầng nghèo nàn..., sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam để trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một điểm sáng đô thị hiện đại của miền Trung cũng như cả nước.

Để đạt được thành tựu như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của toàn hệ thống chính trị và của Nhân dân thành phố và nhờ sự táo bạo, quyết liệt trong ban hành và thực hiện các quyết sách; đặc biệt trong việc ưu tiên và tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với nhiều giải pháp sáng tạo, độc đáo, tạo “thương hiệu” riêng cho thành phố.

Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là chính sách thu hút nguồn nhân lực

Trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, việc khó khăn và phức tạp nhất lúc bấy giờ là nhân sự buộc phải sẻ chia dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực. Để giải quyết tình trạng này, thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, trong đó tập trung vào chính sách thu hút, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi vào làm việc.

Đến nay, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên. Qua đó, đã bổ sung một lực lượng lao động trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao cho đội ngũ CBCCVC thành phố. Đa số đối tượng thu hút đã tiếp cận nhanh và thích nghi với môi trường làm việc, đáp ứng khá tốt nhu cầu nhân lực cho thành phố. Nhiều người có những đóng góp tích cực, nổi trội trong công tác; một số chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao trong thực tiễn. Nhiều cán bộ thu hút đã trưởng thành sau thời gian công tác tại Đà Nẵng, có trường hợp đang là lãnh đạo UBND thành phố.

Một quyết sách ấn tượng khác của thành phố là chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Với mục tiêu tạo nguồn cán bộ quản lý và chuyên gia, từ năm 2004 thành phố triển khai công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khác với cách làm của các địa phương khác, thành phố Đà Nẵng đã cấp học bổng để đào tạo ngay bậc đại học cho học sinh trung học phổ thông xuất sắc. Không chỉ đào tạo nhân lực dự nguồn, thành phố quan tâm đến  nâng cao chất lượng nguồn nhân lực “tại chỗ” được thông qua Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài”. Đến nay, thành phố đã cử 613 người với 650 lượt tham gia Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; qua đó bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đội ngũ CBCCVC thành phố.

Một điểm sáng không thể không nhắc đến tạo đột phá của chính sách cán bộ tại thành phố Đà Nẵng là thi tuyển chức danh lãnh đạo

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thí điểm việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển, góp phần đổi mới trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và tạo điều kiện cho CCVC trẻ được tham gia thể hiện năng lực bản thân. Sau gần 15 năm thực hiện, thành phố đã có 58 lượt cơ quan, đơn vị tổ chức thi tuyển; đã có 503 ứng viên dự thi và 160 ứng viên trúng tuyển. Công tác thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý góp phần tạo động lực, khích lệ ý chí phấn đấu, phát triển nghề nghiệp, trau dồi phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi công chức nhất là những nội dung đề xuất trong đề án thi tuyển. Thi tuyển cạnh tranh diễn ra công khai, dân chủ đã phần nào xóa tan nghi ngờ về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”.

Tiếp theo, phải kể đến việc triển khai thực hiện Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã”

Đây là mô hình mới về đào tạo, tập sự lãnh đạo, quản lý do Đà Nẵng tự thiết kế và tổ chức nhằm tạo nguồn chức danh một cách bài bản cho phường, xã. Qua triển khai thực hiện phần nào làm trẻ hóa và làm chuyển biến không chỉ chất lượng cán bộ cơ sở mà còn thay đổi tư tưởng, niềm tin của các thế hệ lãnh đạo vào cán bộ trẻ. Chương trình học cũng được thiết kế riêng, vừa có các môn học lý thuyết cơ bản nhưng cũng có những bài giảng về kỹ năng, do các chuyên gia hoặc lãnh đạo có kinh nghiệm trong công tác ở phường, xã trực tiếp giảng dạy; xây dựng các chương trình thảo luận, diễn thuyết cho học viên. Chính việc đào tạo chuyên sâu theo chuyên đề cụ thể tạo điều kiện cho học viên có thể tiếp cận nhanh công việc và có được thành công như ngày hôm nay. Trong số 121 học viên Đề án 89 được bố trí về công tác tại phường, xã đến nay có đến hơn 50% được giữ chức vụ chủ chốt tại phường, xã.

Ngoài những chính sách kể trên, thành phố còn ban hành nhiều quyết sách nữa liên quan đến việc nâng cao chất lượng CBCCVC và chất lượng hoạt động công vụ. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức, đi đầu trong việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu quản lý CBCCVC thông qua phần mềm; thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và luôn có nhiều giải pháp thiết thực nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCCVC (nụ cười công sở, “5 xây”, “3 chống”)...Qua thời gian thực hiện, một bài học sâu sắc được rút ra, đó chính là sự quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, khoa học và có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý... sẽ tạo thành công cho mọi chủ trương, chính sách dù mang tính chất “mới lạ” hay “khác người”.

Đạt được những thành tựu đáng tự hào nêu trên để ghi dấu ấn cùng với quá trình vươn mình đổi thay của thành phố là sự kết tụ, xây đắp của các thế hệ CBCCVC đã dày công kiến tạo và lưu giữ. Thành tựu này còn được khẳng định qua niềm tin yêu của người dân thông qua tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng được nâng cao; từ sự công nhận của các kênh đánh giá độc lập, uy tín đối với thành phố và từ sự thừa nhận, ủng hộ của các tỉnh bạn. Chúng tôi – thế hệ trẻ không chỉ ngưỡng mộ, tự hào mà còn thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc kế thừa truyền thống “Gương mẫu - Tận tụy - Sáng tạo - Chuyên nghiệp” mà thế hệ cha anh đã dày công vun đắp. Tự hào với quá khứ, tin tưởng ở hiện tại, sẵn sàng cho tương lai. Sống hết mình và cống hiến với lòng nhiệt thành, thế hệ trẻ chúng tôi quyết tâm xứng đáng là những CBCCVC của thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng đã được công nhận là thành phố đáng sống,  gần đây thôi, sẽ đạt được mục tiêu là thành phố môi trường, thành phố thông minh.. và tôi tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một thương hiệu mới “Thành phố hạnh phúc” với cảnh quan tuyệt đẹp, nền kinh tế thịnh vượng, hệ thống giáo dục tuyệt vời, những bãi biển cát trắng thanh bình, cây cối xanh tươi, chất lượng cuộc sống và dịch vụ công thuộc loại tốt nhất. Thành phố chỉ thật sự là “thành phố hạnh phúc” khi mỗi người dân đều cảm thấy hạnh phúc; một mục tiêu hướng đến và mơ về để rồi cùng quyết tâm chung tay thực hiện./.

MAI KIM ANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT