Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị Quốc hội thực hiện giám sát tối cao đối về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Đăng ngày 24-05-2022 09:02, Lượt xem: 518

Chiều 23-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tham gia phát biểu ý kiến về việc đưa vấn đề thực hiện các Nghị quyết số 88/2014 và số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới.

Bảy tỏ tán thành ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vấn đề thực hiện các Nghị quyết số 88/2014 và số 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, đây là vấn đề không nên thu hẹp trong phạm vi giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, mà nên được Quốc hội giám sát tối cao.

Bởi theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, hai Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW. Nghị quyết số 88 được Quốc hội ban hành cách đây gần 8 năm; Nghị quyết số 51 ban hành cách đây gần 5 năm. Theo lộ trình được quy định tại Nghị quyết 51 thì sau 2 năm nữa (năm học 2024 - 2025) sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở toàn bộ các cấp học phổ thông.

“Việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết số 88 và số 51, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhìn nhận, trong 8 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về một số kết quả triển khai. Như vấn đề giá sách giáo khoa; việc sắp xếp môn Lịch sử là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, có những vấn đề báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ Kỳ họp trước đến Kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, như những sai sót trong cả ba bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; những bất cập trong Thông tư số 25 của Bộ Giáo dục và đào tạo về lựa chọn sách giáo khoa dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục; vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa…

“Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết. Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành Giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua giám sát, Quốc hội cũng có thể điều chỉnh các Nghị quyết của mình hoặc bổ sung chính sách, nếu cần thiết. Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông rất cần có sự giám sát tối cao của Quốc hội. Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội cân nhắc, quyết định”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị.

Ghi nhận, tiếp thu ý kiến phát biểu, đề xuất của các đại biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở thảo luận tại hội trường và kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội 2023 và Nghị quyết về thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội trong kỳ họp.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác