Phía bên trái và sau động Hóa Nghiêm có một lối đi xuống hơi tối, đi khoảng 15 bậc cấp, thì sẽ đến động Huyền Không. Đây là một trong những động đẹp nhất ở danh thắng Ngũ Hành Sơn. Động Huyền Không cao khoảng 30m và rộng, trên trần động có một khoảng trống hình tròn, ánh sáng theo đó tràn vào làm cho động thêm lung linh huyền ảo; trên vách động thạch nhũ chảy dài xuống tạo thành nhiều hình tượng động vật kỳ thú, có thạch nhũ giống như đầu con voi, có cái tựa như con chim khổng tước…
Hai bên bậc cấp lên xuống có thờ 4 tượng Hộ Pháp (2 ông Thiện và 2 ông Ác). Trên cao chính giữa vách động có bàn thờ Phật Thích Ca, ở dưới là bàn thờ Địa Tạng Vương. Bên góc phải động có miếu thờ bà Lôi Phi và bên góc trái động có miếu thờ bà Ngọc Phi, các tượng này đều bằng đá sa thạch, được tạo hình theo phong cách tượng Chăm với “Các trái tai to khác thường trĩu xuống, cái mũ trên đầu dường như chổng lên, cách ngồi theo cách của Ấn Độ giáo”[1].
Vách động bên phải có Trang Nghiêm tự cổ kính (trước còn gọi là chùa Tam Thế), được xây dựng vào năm 1825, đến năm Giáp Thìn 1904, chùa bị sập hoàn toàn do bão, mãi đến năm 1907 mới được dựng lại. Trang Nghiêm Tự được chia thành ba gian, gian chính thờ tượng Phật Quan Âm, gian tả thờ ba vị Quan Thánh, gian hữu thờ Ông Tơ Bà Nguyệt.
Gần Trang Nghiêm Tự có một hang nhỏ gọi là Thạch Nhũ Cốc, bên trong có hai mõm đá tròn thòng xuống trông giống như cặp nhũ hoa. Tương truyền, cặp nhũ đá này có tính thiêng đặc biệt để cầu tự.
Trên vách động Huyền Không cũng còn lưu lại một số bút tích khắc chạm bằng chữ Hán - Nôm của du khách, như bài thơ của Quang lộc tự khanh lĩnh Bố chánh sứ Quảng Nam Lê Hữu Đạo được tạo năm 1889:
天 然 景 致 出 三 台
脉 引 桃 源 洞 裡 來
日 麗 玄 空 披 碧 霧
雲 封 泉 石 印 蒼 苔
千 流 縈 滙 朝 江 勢
萬 頃 奔 趨 望 海 臺
靈 異 行 山 鍾 旺 氣
圖 開 僊 閣 化 工 裁
Thiên nhiên cảnh trí xuất Tam Thai
Mạch dẫn Đào Nguyên động lý lai
Nhật lệ Huyền Không phi bích vụ
Vân phong tuyền thạch ấn thương đài
Thiên lưu oanh hối triêu giang thế
Vạn khoảnh bôn xu Vọng Hải đài
Linh dị Hành Sơn chung vượng khí
Đồ khai tiên các hóa công tài.
Tạm dịch:
Trong những cảnh trí thiên nhiên đẹp có tên Tam Thai,
Mạch dẫn đến chốn Đào Nguyên ở trong động này.
Ngày đẹp nơi Huyền Không vách đá tan sương mù,
Gió mây sông suối đều lưu dấu rêu xanh.
Ngàn dòng nước quanh tụ chầu về làm nên thế sông,
Vạn khoảnh đua nhau chạy đến đài Vọng Hải.
Linh dị thay tiếng chuông Hành Sơn vang khí,
Tạo hóa khéo vẽ nên tiên gác đồ quan.
Ngoài ra, ở trước Trang Nghiêm Tự có một phần đài thờ Đồng Dương, phần đài thờ có chiều cao 0,70m, chiều ngang 0,78m, chính giữa tác phẩm chạm hình sư tử đứng theo dạng bán phù điêu, bên cạnh là hình tượng mặt thần Kala được chạm đơn giản, chung quanh phần đài thờ cũng chạm hoa văn hình con sâu từng giải trong các ô chữ nhật.
[1] Albert Sallet, “Les Montagnes des Marbre”, B.A.V.H., No.1/1924, in trong: Những người bạn của cố đô Huế, Tập XI, 1924 (Phan Xưng dịch), Nxb Thuận Hóa, 2002, tr. 113