Ngũ Hành Sơn theo mô tả của tư liệu

Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được trải dài trên diện tích rộng lớn khoảng gần 2km2, gồm 6 ngọn núi đá vôi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn với nhiều hang động đẹp như động Huyền Không, động Huyền Vi, động Vân Thông, động Tàng Chơn, động Quan Âm... Các ngọn núi tuy có khác nhau về kích thước, nhưng nhìn từ xa hình dáng khá giống nhau, đặc biệt, mỗi ngọn núi lại có một màu đá riêng biệt: đá Thủy Sơn màu hồng, đá ở Mộc Sơn màu trắng, đá ở Hỏa Sơn màu đỏ, đá ở Kim Sơn màu thủy mặc và đá ở Thổ Sơn màu nâu.

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) đã viết về Ngũ Hành Sơn như sau: Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước[1]

Sách Đại Nam dư địa chí ước biên đã viết:

  • Ngũ Hành Sơn ở huyện Diên Phước...Tục gọi là hòn Non Nước. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) có sắc chỉ, ban cho ngọn núi phía đông bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn. Ba ngọn núi phía tây nam là núi Mộc Sơn, núi Dương Hỏa, núi Âm Hỏa. Hai ngọn phía tây là Thổ Sơn, Kim Sơn, (cho) khắc tên núi                   lên đá...[2].

Mô tả về cụm núi này Đại Nam nhất thống chí đã viết:

 “Ngũ Hành Sơn ở địa phận 2 xã Hóa Khuê và Quán Khái, phía Đông Bắc huyện Diên Phước. Ở trong động cát đội khởi 6 hòn núi đá, sông dài quanh ở phía Tây, biển cả bao bọc ở phía Đông, hình thành núi nhọn cao, lúc trời tạnh ở xa trông có màu sắc như bức vân cẩm thạch thật đáng yêu, tục gọi là hòn Non Nước. Một núi ở phía Đông Bắc hình như sao Tam Thai, xưa gọi là núi Tam Thai, có tên nữa gọi là núi ngũ chỉ (năm ngón tay)[3].

Trong tác phẩm “Ngũ Hành Sơn lục” do Tú tài Hồ Thăng Doanh biên soạn dưới sự chứng nghĩa của Hòa thượng Tăng Can Thích Từ Trí vào năm Bính Thìn 1916, đã có giới thiệu Ngũ Hành Sơn như sau:

“Ngũ Hành Sơn là danh thắng thứ nhất của phương Nam, đương thời thuộc địa phận xã Hóa Khuê Đông, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Núi non trùng điệp, thế như bàn tay dựng ngửa lên trời, xưa là đất của Chiêm Thành, nay vẫn còn dấu tích…”

Ngoài ra, danh thắng, Ngũ Hành Sơn là cũng đã được đề cập, phản ánh trong nhiều tập du ký, hồi ký, tranh vẽ... của những người nước ngoài từng du hành đến đây vào các thế kỷ XVII - XIX, như: Bá tước Macartney, John Barrow, William Alexander, Thomas Bowyear, James Bean, Piere Loti, Thuyền trưởng Rey, Jean-Baptiste Chaigneau... Trong số đó, đáng chú ý là hai tác phẩm: Hải ngoại ký sự của Thiền sư Thích Đại Sán và Les Montagnes des Marbre (Ngũ Hành Sơn) của bác sĩ Albert Sallet.

Hải Ngoại ký sự được Thích Đại Sán biên soạn trong thời gian lưu lại Đàng Trong vào năm 1695, tác phẩm gồm có 6 quyển, trong đó quyển IV có miêu tả cảnh quan danh thắng Ngũ Hành Sơn đương thời, về những ngôi chùa tàng ẩn trong núi và sinh hoạt của tăng chúng trong chùa.

Trong thiên khảo cứu Les Montagnes des Marbre được in trong tập san Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H, số 1, năm 1924), Albert Sallet đã  miêu tả ngắn gọn nhưng đầy đủ về vị trí, lai lịch, cảnh quan của 6 hòn núi: Kim Sơn, Thổ Sơn, Âm Hỏa Sơn, Dương Hỏa Sơn, Mộc Sơn và Thủy Sơn theo một lộ trình đặc biệt, tiếp cận bằng đường thủy, theo sông Trường Giang nối liền Đà Nẵng với Hội An chảy vào mạn tây của Kim Sơn, từ đó thâm nhập quần thể núi non này.

Albert Sallet tôn Thủy Sơn là núi Thánh và nhận xét: “So với các núi khác thì núi này là của nhà nước, cho nên chùa miếu, hang động và thờ cúng đều được đúc kết lại trong cái tên dân gian duy nhất là “chùa Non Nước”[4],  “Thủy Sơn xưa kia là địa điểm hành hương của vua chúa, của dân chúng mộ đạo, là địa điểm của các lời thề thốt hơn thua long trọng, cũng như của các lời cầu xin cho gia đình giàu có vinh hạnh”[5].

 


[1] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, bản dịch của Phan Đăng, Nhà xuất bản. Thuận Hóa, 2005, tr. 227

[2] Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên. TS. Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Nxb Văn học, 2003, tr. 95

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, phần tỉnh Quảng Nam, Nha văn hóa -Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn. Hoặc tập 7, Nxb Giáo dục, 2006.

[4] Albert Sallet, “Les Montagnes des Marbre”, B.A.V.H., No.1/1924, in trong: Những người bạn của cố đô Huế, Tập XI, 1924 (Phan Xưng dịch), Nxb Thuận Hóa, 2002, tr. 81,

[5] Albert Sallet, “Les Montagnes des Marbre”, B.A.V.H., No.1/1924, in trong: Những người bạn của cố đô Huế, Tập XI, 1924 (Phan Xưng dịch), Nxb Thuận Hóa, 2002, tr. 81,

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT