Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2025
Đăng ngày 24-12-2020 09:36, Lượt xem: 306

Nhằm tăng cường hợp tác và huy động, sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội của thành phố; mở rộng quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với các tổ chức, địa phương trên thế giới và củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức PCPNN có quan hệ viện trợ với thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2025.

Cụ thể, các nội dung ưu tiên hợp tác như sau: triển khai hợp tác xây dựng Thành phố Thông minh trên 16 lĩnh vực: Trung tâm Giám sát điều hành thông minh; Dịch vụ công thông minh; Công dân thông minh; Dữ liệu mở; Du lịch thông minh; Thương mại thông minh; Nông nghiệp thông minh; Giao thông thông minh; Chiếu sáng thông minh; Quản lý nước thông minh; Quản lý chất thải thông minh; Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Vệ sinh An toàn thực phẩm thông minh; An ninh công cộng và ứng cứu khẩn cấp thông minh; Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Về y tế, hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế thông qua chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, đặc biệt các chuyên ngành: Ung thư, răng hàm mặt, y học hạt nhân; hỗ trợ học bổng đào tạo cán bộ y tế trong và ngoài nước; Về Giáo dục - đào tạo, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và cung cấp thiết bị dạy học cho các trường học theo hướng đồng bộ hóa và hiện đại hóa; thiết lập hệ thống thư viện đầy đủ, khoa học, thân thiện với môi trường và phù hợp với từng cấp học. Ngoài ra, ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; Môi trường, ứng phó với biến đồi khí hậu, phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai; Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; Khoa học và công nghệ; Phát triển du lịch….

Theo đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tạo môi trường hoạt động thuận lợi, thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ vốn đối ứng phù hợp đối với các chương trình, dự án; có chính sách khuyến khích, khen thưởng các tổ chức và cá nhân có đóng góp tích cực và hiệu quả trong công tác viện trợ PCPNN trên địa bàn thành phố. Thường xuyên tuyên truyên, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam cho các tổ chức PCPNN, đổi tác nước ngoài hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định có liên quan đồng thời tăng cường cung cấp các thông tin, giới thiệu các nhu cầu của địa phương nhằm tăng cơ hội hợp tác, vận động viện trợ PCPNN.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá các chương trình, dự án trong đó tập trung vào công tác quản lý tài chính để kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh các hoạt động chưa phù hợp hoặc chưa đúng quy định, đảm bảo chương trình dự án hiệu quả, thực sự đến với đối tượng hưởng lợi. Tăng cường năng lực cho cán bộ các cơ quan đầu mối về công tác PCPNN, phát triển đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức chính tri, có trình độ chuyên môn vững chắc và ngoại ngữ tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác viện trợ PCPNN trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố giao Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối trong công tác vận động và quan hệ viện trợ với các tổ chức PCPNN; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp UBND thành phố tổ chức thực hiện Chương trình. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tốt công tác hướng dẫn trình tự thủ tục, thẩm định và trình phê duyệt tiếp nhận viện trợ PCPNN; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ PCPNN. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp chặt chẽ với Sở Ngoại vụ thực hiện Chương trình thông qua các hoạt động đoàn kết, hữu nghị và hợp tác để củng cố, xây dựng vả mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức PCPNN và vận động các dự án phù hợp theo Chương trình.

File đính kèm
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác