Cảnh báo việc kêu gọi đầu tư các loại tiền ảo để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đăng ngày 30-06-2018 00:56, Lượt xem: 616

Thời gian vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an thành phố nhận được nhiều đơn thư của công dân phản ánh việc thực hiện giao dịch các loại tiền điện tử như: Bitcoin, Litecoin, Rippele… và bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua nghiên cứu, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đưa ra các khuyến nghị sau đây:

Giao dịch tiền ảo (tiền điện tử) không chịu bất cứ sự kiểm soát nào, không qua trung gian mà chỉ cần kết nối mạng Internet là có thể giao dịch được;

Thông tin và cách mua, bán các đồng tiền ảo được hướng dẫn cụ thể, dễ dàng trên mạng Internet … Tuy nhiên Bitcoin và các loại tiền ảo khác chứa đựng nhiều rủi ro và không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận. Do vậy khi xảy ra hậu quả các cơ quan bảo vệ pháp luật rất khó khăn trong giải quyết;

Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng có quy định rõ, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Liên quan đến tiền ảo (hay còn gọi là tiền kỹ thuật số), theo Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được thừa nhận tại Việt Nam; 

Về mặt pháp lý, những giao dịch, đầu tư, kinh doanh liên quan đến tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Ngoài ra kinh doanh tiền ảo đa cấp trên mạng là trái pháp luật. Các cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo, tuy nhiên người dân vẫn tham gia đầu tư nên có rất nhiều rủi ro. Tiền ảo không chỉ được giao dịch đơn thuần trên hệ thống mạng mà còn đang xuất hiện nhiều biến tướng như đa cấp, lừa đảo, khiến nhiều người vỡ nợ vì vay mượn tiền để đầu tư dẫn đến trắng tay, nợ nần… Có nhiều trang mạng hoạt động bán hàng đa cấp, với mức lãi suất rất cao trên 60% một năm để thu hút người tham gia; 

Việc kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam đều là tự phát, các cá nhân mua đi bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Người tham gia chỉ nhìn vào lãi suất, không tìm hiểu đồng tiền có hợp pháp không, do vậy tiền ảo có thể trở thành phương tiện để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 

Do vậy, người dân nên đề cao cảnh giác và tỉnh táo trước những hành vi kêu gọi đầu tư các loại tiền ảo, tránh tiền mất tật mang hoặc để các đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an thành phố Đà Nẵng

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT