Theo dõi sát tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời
Đăng ngày 03-12-2021 22:39, Lượt xem: 419

Ngày 3-12, Thành ủy Đà Nẵng bạn hành văn bản số 1322-CV/TU về việc tăng cường thực hiện biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo đó, từ đầu tháng 11/2021 đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Một số địa phương, đơn vị và người dân có sự chủ quan, lơi lỏng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, có sự lúng túng trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở sản xuất, nhất là khi phát hiện ca F0; vẫn còn một số người dân chưa tiêm vắc xin hoặc không đồng ý tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Thời gian đến, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố tuy được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2, có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.

Thường trực Thành ủy đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 một cách quyết liệt, chủ động và linh hoạt các chủ trương, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy... về các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, với các phương châm, quan điểm: Phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. 

Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn quản lý. Thường xuyên rà soát, củng cố, phát huy vai trò của các Tổ COVID cộng đồng, nhất là việc giám sát các trường hợp về từ địa phương khác, các trường hợp cách ly y tế, chữa trị COVID-19 tại nhà.

Thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch, cụ thể, cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, sớm kết thúc cách ly, phong tỏa. Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Các địa phương, đơn vị phải đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của các ổ dịch; rà soát, truy vết, không để sót F1, F2, F liên quan để có biện pháp can thiệp phù hợp. 

Tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4; bám sát các chỉ đạo của Trung ương, nhất là Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 sắp được ban hành để khẩn trương xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, từng bước ổn định, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch.

Thực hiện mục tiêu kép, tập trung phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội gắn với phòng, chống dịch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là các đối tượng yếu thế để có điều kiện phục hồi, ổn định sản xuất, sinh hoạt sau dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và việc trả mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1. Rà soát, tạo điều kiện, vận động, đề nghị các đối tượng chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố đăng ký và sớm được tiêm vắc xin; xây dựng kế hoạch để sẵn sàng tiêm mũi 3 khi Trung ương chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị, hạn chế tử vong theo quy định; trong đó, lưu ý các kế hoạch, điều kiện để sẵn sàng triển khai thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả y tế tư nhân), sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ cao nhất (cấp độ 4).

Chỉ đạo các quận, huyện hoàn thiện kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường để đáp ứng khi có dịch xảy ra. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc thí điểm cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà/ nơi lưu trú.

Thường xuyên cập nhật cấp độ dịch của các phường, xã, quận, huyện trên địa bàn thành phố và cập nhật trên bản đồ số. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan có liên quan đánh giá hiệu quả việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng phòng, chống dịch, việc quét mã QRCode thời gian qua và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng trong thời gian đến.

Yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, nhất là tại những nơi tập trung đông người, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, các chợ, siêu thị, bệnh viện…; chú trọng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại trường học khi học sinh đi học trực tiếp.

Tập trung kiểm tra phương án phòng, chống dịch và việc quét mã QRCode theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục đề nghị Trung ương hỗ trợ thành phố trong việc cung cấp kịp thời, đầy đủ vắc xin và thuốc điều trị COVID-19. Chủ động theo dõi sát tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp và hiệu quả.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác