Quy định tạm thời các biện pháp ''Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19'' trên địa bàn thành phố
Đăng ngày 26-11-2021 10:38, Lượt xem: 5541

Ngày 25-11, UBND thành phố ban hành văn bản số 3779/QĐ-UBND quy định tạm thời các biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn thành phố.

Các tiêu chí xác định cấp độ dịch

Theo đó, UBND thành phố xác định cấp độ dịch gồm 4 tiêu chí: tiêu chí 1 là số ca mắc mới tại cộng đồng/10.000 người/tuần; tiêu chí 2 khi tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19; tiêu chí 3 phải bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến (tiêu chí này áp dụng ở cấp thành phố, không phân biệt cấp độ dich) và tiêu chí 4 là tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Căn cứ nguy cơ lây nhiễm, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế địa phương, đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố gồm: cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp độ 4 là nguy cơ rất cao tương đương với màu đỏ.

Cấp độ dịch được đánh giá và công bố trên quy mô phường, xã hoặc nhỏ hơn (khu vực, khu phố, tổ, thôn, xóm…). Các quận, huyện có các phường, xã có cấp độ dịch khác nhau thì áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng một cách độc lập, không phụ thuộc vào cấp độ của phường, xã còn lại.

Trong trường hợp đặc biệt hoặc cần thiết liên quan đến hoạt động và các biện pháp hành chính (hoạt động của các trường hợp tiêm đủ liều, chưa tiêm đủ liều vắc-xin...), UBND quận, huyện, phường, xã căn cứ tình hình thực tế chủ động quyết định, cho phép hoạt động nhưng phải bảo đảm các biện pháp an toàn, linh hoạt, phòng, chống COVID-19.

Áp dụng tiêu chí 1 trên quy mô quận, huyện (tính trên dân số quận, huyện) và quy mô thành phố (tính trên dần số thành phố) để đánh giá cấp độ dịch theo mức 1, mức 2, mức 3, mức 4 nhằm kịp thời xem xét, quyết định chuyển cấp độ dịch tương ứng theo quy mô quận, huyện và toàn thành phố.

Trường hợp có phường, xã, quận, huyện hoặc thành phố có cấp độ dịch vượt quá cấp độ 3 thì UBND thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống COVID-19 phù hợp, có thể cao hơn, mạnh hơn các biện pháp quy định tại quyết định này, dừng hoặc hạn chế một số hoạt động; tăng cường xét nghiệm tầm soát trên diện rộng.

Về tnẩm quyền công bố và chuyển đổi cấp dịch, UBND thành phố công bố chuyển cấp độ dịch toàn thành phố và toàn quận, huyện trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế. UBND quận, huyện công bố cấp độ dịch của phường, xã và dưới cấp phường, xã trên cơ sở thống nhất của Sở Y tế.

Trong trường hợp thay đổi cấp độ dịch, phải hoàn thành việc áp dụng các biện pháp hành chính theo cấp độ dịch cập nhật trong vòng 48 gườ kể từ khi công bố cấp độ dịch. Trường hợp cấp bách UBND thành phố, UBND quận, huyện quyết định theo thẩm quyền.

Về tổ chức đánh giá và xác định cấp độ dịch, trường hợp tăng cấp độ dịch phải đánh giá cấp độ dịch hằng ngày, sử dụng số liệu trong vòng 7 ngày tính từ ngày đánh giá để quyết định tăng cấp độ dịch và phải giữ cấp độ dịch vừa tăng tối thiểu 7 ngày mới xem xét giảm cấp độ dịch, trường hợp đặc biệt do UBND thành phố quyết định. Ví dụ: Đánh giá cấp độ dịch ngày 20/11/2021 thì sử dụng số liệu từ ngày 23/11 - 29/11/2021 để quyết định tăng cấp độ dịch và giữ cấp độ dịch vừa tăng tối thiểu đến ngày 06/12/2021.

Trường hợp giảm cấp độ dịch thì đánh giá cấp độ dịch hằng ngày, sử dụng số liệu trong vòng 14 ngày tính từ ngày đánh giá để quyết định giảm cấp độ dịch. Ví dụ: Đánh giá cấp độ dịch ngày 29/11/2021 thì sử dụng số liệu từ ngày 16/11 – 29/11/2021 để quyết định giảm cấp độ dịch.

Quy trình tổ chức đánh giá và công bố cấp độ dịch cụ thể:

Bước 1: UBND xã, phường hằng ngày phối hợp với ngành y tế đánh giá Tiêu chí 1, Tiêu chí 2, Tiêu chí 4; tình trạng Oxy y tế, kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Bước 2: Căn cứ vào tình hình thực tế, yếu tố nguy cơ, bản đồ dịch tễ, UBND xã, phường xem xét, quyết định, báo cáo, đề xuất tăng hoặc giảm cấp độ dịch của xã, phường, khu vực gửi về UBND quận, huyện khi có thay đổi về cấp độ phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bước 3: UBND quận, huyện xem xét, phối hợp với Sở Y tế để xem xét, quyết định công bố cấp độ dịch và các biện pháp hành chính tương ứng của cấp xã, phường và dưới cấp xã, phường, báo cáo UBND thành phố và gửi Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông để cập nhật cấp độ dịch. Phản hồi với UBND xã, phường hoặc hoàn thành việc công bố cấp độ dịch của xã, phường, khu vực trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của UBND xã, phường.

Trường hợp công bố cấp độ dịch toàn thành phố hoặc toàn quận, huyện, Sở Y tế căn cứ tình hình dịch bệnh và các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, phối hợp với UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố công bố cấp độ dịch toàn thành phố hoặc toàn quận, huyện.

Bước 4: Sở Thông tin và Truyền thông, Cổng thông tin điện tử thành phố cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) thành phố Đà Nẵng và các biện pháp áp dụng tương ứng trên Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng vào thứ Hai hàng tuần và khi có thay đổi cấp độ dịch của các xã, phường.

Quy định chung về điều kiện tham gia hoạt động khi áp dụng biện pháp theo từng cấp độ dịch trên phạm vi toàn địa bàn thành phố

Cụ thể, đối với người dân phải thực hiện nghiêm quy định 5K; có mã QR cá nhân khai báo y tế hoặc di chuyển nội địa và thường xuyên sử dụng mã QR cá nhân để khai báo y tế thường xuyên và khi đến cơ sở làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ - thương mại (hiệu lực mã QR có thể sử dụng ít nhất trong vòng 72 giờ).

Khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19, tuyệt đối không tự ý đi mua thuốc chữa bệnh, đến cơ sở khám mà phải báo cơ sở y tế nơi gần nhất để được phân luồng, khám sàng lọc; tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, các sự kiện tập trung đông người phải có phương án/kế hoạch hoạt động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trong từng lĩnh vực theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và các bộ, ngành Trung ương; chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống COVID-19. Phải có thiết bị quét mã QR cá nhân để kiểm soát, quản lý người vào/ra cơ sở làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ - thương mại.

Việc đi lại giữa các vùng trong thành phố được quy định như sau: Người dân từ vùng xanh (cấp độ 1), vùng vàng (cấp độ 2) không hạn chế đi lại. Tuy nhiên, không được đi đến vùng đỏ (cấp độ 4), khu vực phong tỏa y tế (trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định đối với vùng đỏ và phải được chính quyền địa phương vùng đỏ chấp thuận).

Người dân từ vùng cam (cấp độ 3) khi đi đến vùng xanh, vàng vàng, vùng cam phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng. Cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương có người đến từ vùng cam chịu trách nhiệm kiểm tra các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch.

Người dân từ vùng cam không đi đến vùng đỏ, khu vực phong tỏa y tế (trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định đối với vùng đỏ và phải được chính quyền địa phương vùng đỏ chấp thuận).

Đối với vùng đỏ người dân không được ra/vào vùng đỏ, trừ các trường hợp cấp cứu bệnh nhân, chuyển bệnh bằng xe cứu thương; công tác cứu hỏa, thiên tai, phòng chống dịch; khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ; xe đưa rước công nhân, người lao động được đi ngang qua, không được phép dừng, đỗ trong vùng đỏ.

Hoạt động nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm,...), bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cung cấp các hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng nông sản, thủy sản phải có phương án bảo đảm phòng, chống dịch, có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị cung cấp hàng hóa, giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng.

Việc di chuyển ra/vào thành phố áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo quy định hiện hành của thành phố.

THANH HẢI

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác