Đà Nẵng – Thành phố chống chịu và phục hồi nhanh

Trong những ngày gần kết thúc năm 2013, một tin vui đến với lãnh đạo và người dân Đà Nẵng khi ngày 3 tháng 12 năm 2013, tài New York, Bà Judith Rodin, Chủ tịch Quỹ Rockefeller đã công bố thành phố Đà Nẵng được lựa chọn trong số 33 thành phố đầu tiên được tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller khởi xướng, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quỹ.

Trong những ngày gần kết thúc năm 2013, một tin vui đến với lãnh đạo và người dân Đà Nẵng khi ngày 3 tháng 12 năm 2013, tài New York, Bà Judith Rodin, Chủ tịch Quỹ Rockefeller đã công bố thành phố Đà Nẵng được lựa chọn trong số 33 thành phố đầu tiên được tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller khởi xướng, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Quỹ.

Có tổng cộng 400 thành phố trên khắp thế giới tham gia nộp hồ sơ để chọn ra 100 thành phố và Đà Nẵng đã vinh dự nằm trong số 33 thành phố đầu tiên.

Hội đồng xét chọn gồm nhiều nhân vật nổi tiếng, có uy tin của thế giới, đáng chú ý có cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu tổng thống Nigeria. Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ các thành phố áp dụng và kết hợp khái niệm về khả năng chống chịu trong việc quy hoạch, phát triển và xây dựng cộng đồng để có sự chuẩn bị tốt hơn và có thể nhanh chóng phục hồi từ các cú sốc, căng thẳng và thiên tai trong thế kỷ 21.

Ông Đinh Quang Cường – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố Đà Nẵng cho biết: Lý do Đà Nẵng được chọn là vì thành phố chúng ta được đánh giá cao nhờ những nỗ lực liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, xây dựng năng lực cộng đồng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Đồng thời, những kinh nghiệm của Đà Nẵng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là bài học chia sẻ với cộng đồng thế giới. Giá trị của Chương trình được thể hiện ở việc Quỹ Rockefeller cam kết tài trợ 100 triệu USD nhằm xây dựng khả năng phục hồi đô thị ở các thành phố trên toàn thế giới (ước tính 01 triệu USD/thành phố). Các nội dung hỗ trợ mà thành phố sẽ nhận được không chỉ đơn thuần là số tiền khoảng 01 triệu USD để thực hiện các công việc trong chương trình, mà Đà Nẵng còn có cơ hội lớn để tiếp cận các nguồn tài trợ đầy tiềm năng khác như Swiss Re, Palantir, Viện Kiến Trúc Hoa Kỳ, Kiến Trúc cho Nhân Loại, và Ngân Hàng Thế Giới. Bốn nội dung hỗ trợ cụ thể trong khuôn khổ chương trình là, khi trở thành thành viên trong mạng lưới mới, các thành phố thành viên sẽ được Dự án hỗ trợ, chia sẻ kiến thức mới và khả năng thực hiện phục hồi nhanh tốt nhất, thúc đẩy các mối quan hệ và quan hệ đối tác mới; sự hỗ trợ 01 Giám Đốc Phụ Trách Khả Năng Chống chịu (CRO), giúp bảo đảm xây dựng và điều phối khả năng chống chịu của thành phố cũng như tham gia trong Mạng lưới; sự hỗ trợ mỗi thành phố lập kế hoạch chống chịu theo các các nhu cầu riêng biệt và cung cấp các công cụ và nguồn lực để thực hiện kế hoạch tập trung vào bốn lĩnh vực: Tài chính sáng tạo, công nghệ sáng tạo, sử dụng đất và cơ sở hạ tầng, và khả năng chống chịu về mặt cộng đồng cũng như xã hội từ các đối tác chẳng hạn như Swiss Re, Palantir, Viện Kiến trúc Hoa Kỳ, Kiến trúc cho nhân loại, và Ngân hàng Thế Giới.
Cũng nên biết rằng, trong danh sách 33 thành phố đầu tiên được chọn thì có 16 thành phố thuộc châu Mỹ (riêng Mỹ có tới 11 thành phố, trong đó có cả New York); 08 thành phố thuộc châu Á (trong đó có 4 thành phố Đông Nam Á, riêng Việt Nam chỉ có duy nhất Đà Nẵng tham gia đợt đầu tiên này); 05 thành phố châu Âu; 02 thành phố châu Phi và 02 thành phố châu Đại Dương (Melbourne của Úc và Christchurch của New Zealand).
Để lọt vào “mắt xanh” của Quỹ Rockefeller với 1 hội đồng gồm những nhân vật có uy tin trên thế giới, trước hết, Đà Nẵng đã được quốc tế biết đến như là một đô thị có giao thông, dịch vụ phát triển nhanh, là trung tâm du lịch ở miền Trung Việt Nam; đồng thời nằm ở vị trí ven biển, chịu ảnh hưởng thường xuyên của biến đổi khí hậu do lũ lụt, bão và áp thấp. Và điều quan trọng là, qua thực tế, đã chứng mình khả năng phục hồi nhanh của thành phố, tạo ra tiếng vang tốt trong ứng phó với các rủi ro khí hậu.
“Chúng tôi xin chúc mừng Đà Nẵng là một trong 100 Thành phố có khả năng phục hồi nhanh” – Bà Chủ tịch Judith Rodin của Quỹ Rockefeller tuyên bố. “Cùng với 32 thành phố từ sáu châu lục khác, Đà Nẵng sẽ có thể chuẩn bị tốt hơn, chống chịu và phục hồi một cách hiệu quả hơn khi đối mặt với những cú sốc, áp lực và những tổn thất về thiên nhiên khác. Đà Nẵng từ nay sẽ là thành viên của mạng lưới các đô thị toàn cầu được tập trung vào xây dựng khả năng phục hồi nhanh, để chia sẻ kinh nghiệm và làm gương cho các thành phố trên toàn thế giới.”
Ông Michael Berkowitz, Giám đốc điều hành của Chương trình 100 Thành phố có khả năng phục hồi nhanh phát biểu tại Quỹ Rockefeller cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng về sự gắn kết các thành phố, lớn và nhỏ, ven biển và đất liền, cổ xưa và hiện đại thông qua mạng lưới toàn cầu này và Đà Nẵng được chọn là một thành viên của mạng lưới. Như các bạn đã giải thích rõ trong đơn đăng ký tham gia,việc xây dựng khả năng phục hồi nhanh đòi hỏi đối tác từ khắp các lĩnh vực, và chúng tôi có một kênh hỗ trợ liên ngành vượt trội, bao gồm các công cụ và nguồn lực xây dựng khả năng phục hồi nhanh mà chúng tôi rất sẵn sàng dùng để giúp tăng cường khả năng phục hồi nhanh của Đà Nẵng. Tôi và các cộng sự rất mong đợi được làm việc với các bạn, mở đầu với hội thảo hình thành chương trình nghị sự vào đầu năm 2014”
Đi vào chi tiết, cơ sở hạ tầng thiết yếu của thành phố những năm qua được từng bước cải thiện để ứng phó tốt hơn với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đó là việc cải thiện nhà ở cho người dân nghèo, cải thiện hệ thống cấp nước và quản lý lũ lụt, hạn hán…. Quá trình đó được lãnh đạo thành phố đưa vào những kế hoạch dài hơi mang tính chiến lược và có sự phối hợp của nhiều ngành nhiều cấp, sự hỗ trợ của trung ương và các tổ chức quốc tế.

Thành phố quan tâm xây dựng, củng cố năng lực của các tổ chức chính quyền địa phương, của khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các nhà nghiên cứu để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai. Bên cạnh đó, thành phố đã phát huy khá tốt vai trò của Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu và Nước biển dâng thành phố (CCCO), nâng cao kỹ năng và nguồn lực để nghiên cứu, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp lập kế hoạch can thiệp và thích nghi. Đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của các hộ dân và các nhóm cộng đồng thích ứng với khu vực ven biển và miền núi dễ bị tổn thương.

Đà Nẵng cũng quan tâm xây dựng cơ chế tốt hơn để phối hợp và hỗ trợ khả năng phục hồi lồng ghép trong các lĩnh vực ưu tiên, thông qua CCCO. Điều này bao gồm việc lồng ghép khả năng phục hồi khí hậu vào chính sách quy hoạch và phát triển đô thị, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải , quản lý nước v.v… Ngoài ra, thành phố cũng quan tâm xây dựng cơ chế để hỗ trợ giảm khí thải và bảo vệ hệ sinh thái và chia sẻ các bài học kinh nghiệm.

Một thuận lợi mà Đà Nẵng có được là thành phố là thành viên của “Mạng lưới các thành phố ở Châu Á có khả năng chống chịu với Biến đổi Khí hậu” (ACCCRN), các dự án can thiệp được hỗ trợ bởi ACCCRN đã đóng góp tích cực và đáng kể vào khả năng phục hồi của thành phố với biến đổi khí hậu. Có thể kể ra một vài dẫn chứng về hiệu quả của quá trình phối hợp này, đó là Mô hình mô phỏng thủy văn của thành phố, được triển khai từ năm 2011, do Sở Xây dựng và Đại học Bách khoa Đà Nẵng phối hợp thực hiện. Mô hình mô phỏng dòng chảy nước và lũ lụt trong điều kiện cao điểm theo quy hoạch và xây dựng đô thị được lựa chọn, thích ứng với khí hậu trong tương lai và điều kiện phát triển đô thị. Cho đến nay, mô hình đã được sử dụng để định hướng các quyết định của thành phố trên cơ sở hạ tầng đô thị, trong điều chỉnh thiết kế đặc biệt cho hệ thông giao thông vùng ngoại ô. Đó còn là Quỹ quay vòng vốn để nâng cấp nhà chống bão, nhằm tài trợ nâng cấp nhà chống bão, được quản lý và điều hành bởi Hội liên hiệp phụ nữ thành phố. Ước tính có 320 căn nhà trong 3 năm đầu tiên và 430 ngôi nhà trong 5 năm sẽ được nâng cấp, xây dựng mới để đủ khả năng chống chịu với bão. Đó còn là việc đánh giá cấp nước, từ thực tế nhu cấu về nước sạch tại Đà Nẵng ngày càng tăng nhanh nhưng việc truy cập vào nguồn nước hiện nay còn hạn chế. Việc cung cấp nước của thành phố chủ yếu là từ hai con sông, bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng dân số, sự phát triển của các hồ thủy điện ở thượng nguồn và xâm nhập mặn ở hạ lưu... Các nguồn tài nguyên nước ngầm cũng rất hạn chế. Thông qua nghiên cứu này, thành phố sẽ đánh giá được sự cung và cầu về nước, tiếp cận với nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xây dựng các kịch bản, xác định một nhóm các giải pháp bền vững và thiết thực để đáp ứng nhu cầu nước của người dân và đề nghị các biện pháp liên quan để chọn địa điểm và xây dựng các công trình cấp nước mới…

Ngoài ra, từ năm 2008 sau khi là thành viên của ACCCRN, thành phố đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật có giá trị từ Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Môi trường và Xã hội ISET. ISET có rất nhiều kinh nghiệm và quan tâm đến Đà Nẵng, có mối quan hệ chặt chẽ với các bên liên quan của thành phố . Đồng thời, các đối tác thành phố cũng đã được đào tạo về khái niệm khả năng phục hồi từ ISET. Do đó, thành phố sẽ tiếp tục làm việc với sự hỗ trợ cho việc tăng cường khả năng phục hồi của thành phố trong quản lý đô thị, cũng như nghiên cứu về biến đổi khí hậu.

Trước thềm năm mới 2014, Đà Nẵng một lần nữa được sự tin tưởng và đánh giá tích cực của một tổ chức quốc tế có uy tin của thế giới sau việc được công nhận là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng carbon thấp nhất tại Hội nghị năng lượng Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 44 diễn ra tại Washington vừa qua. Đây là cơ hội để thành phố có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm và các bài ​​học kinh nghiệm cũng như có thêm những nguồn kiến thức bổ ích về xây dựng khả năng phục hồi đô thị, góp phần xây dựng một đô thị hiện đại và có khả năng thích ứng nhanh và chống chịu tốt với nhưng biến đổi của thời tiết, đang ngày càng có những biến phức tạp.

DÂN HÙNG

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT