Vài ý kiến về việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải
Đăng ngày 26-03-2018 06:03, Lượt xem: 1356

TS. Phan Thanh Hải

Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Với tư cách là một người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hóa gắn liền với triều Nguyễn, tôi đã có sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống di tích thành lũy do triều Nguyễn xây dựng đầu thế kỷ XIX từ khá sớm, trong đó có hệ thống đồn lũy ở cảng Đà Nẵng mà Thành Điện Hải đóng vai trò trung tâm. Năm 2016, khi được phân công phản biện hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia cho sưu tập súng thần công tại Thành Điện Hải, tôi càng chú ý hơn đến di tích này. Tôi đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng nghiên cứu, bổ túc hồ sơ đề đề nghị công nhận di tích Thành Điện Hải trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đánh giá nỗ lực rất lớn của Thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng, bổ túc hồ sơ và tiến hành di dời hơn 70 hộ dân đang sống trong vùng di tích Thành Điện Hải trong thời gian qua, tại phiên họp ngày mùng 5/12/2017, các thành viên của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã nhất trí 100% bỏ phiếu đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Thành Điện Hải là di tích cấp quốc gia đặc biệt (25/25 phiếu). Đây chắc chắn là một tin vui đối với những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa tại Đà Nẵng và với tất cả những ai yêu mến thành phố xinh đẹp này. Xin chúc mừng các bạn đồng nghiệp Đà Nẵng!

Đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải, từ kinh nghiệm và sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi xin nêu một vài ý kiến để các bạn đồng nghiệp Đà Nẵng tham khảo.

  1. Thành Điện Hải nhìn từ quá khứ

Theo các tư liệu lịch sử, Thành Điện Hải ngày nay vốn là đồn Điện Hải (bảo Điện Hải), được vua Gia Long cho xây dựng sát vịnh cửa Hàn từ năm 1813, đến năm 1823, vua Minh Mạng mới cho dời vào vị trí hiện tại bên bờ sông Hàn, xây dựng thành một pháo đài kiên cố theo kiểu pha trộn kiến trúc thành Vauban[1] (kiểu thành quân sự châu Âu thời Trung cổ), gọi là đài Điện Hải, đến năm 1834 mới gọi là Thành Điện Hải. Chu vi thành, theo Đại Nam nhất thống chí là 139 trượng (589,36m), tường thành cao 1 trượng 2 thước (5,08m), hào sâu 7 thước (2,968m)[2]. Đây là tòa thành quân sự quan trọng nhất trong cả một hệ thống thành/đồn bảo vệ cảng khẩu Đà Nẵng; phía đối diện có thành An Hải và một hệ thống đồn lũy khác (Trấn dương thất bảo: 7 chiếc đồn bảo vệ bờ biển). Từ sau khi xây dựng xong, Thành Điện Hải, An Hải và các đồn bảo trong hệ thống này đã được tu bổ, gia cố cho thêm phần chắc chắn dưới thời vua Minh Mạng và các vua Thiệu Trị, Tự Đức.

Trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp -Tây Ban Nha ngày 01/9/1858, Thành Điện Hải là tiền đồn của quân đội triều đình nhà Nguyễn trước mũi súng giặc. Bởi vậy, có thể xem Thành Điện Hải là biểu tượng của lòng yêu nước bất khuất và tinh thần quả cảm của quân dân Đà Nẵng nói riêng và quân dân Việt nói chung trước mũi súng quân thù. Nhưng điều cần nhấn mạnh là, cuộc kháng chiến của quân dân Đại Nam chống liên quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha tại Thành Điện Hải nói riêng và Đà Nẵng nói chung đã đưa lịch sử dân tộc sang một một thời kỳ mới: Thời kỳ lịch sử Cận đại. Chính vì ý nghĩa đặc biệt này mà Thành Điện Hải rất xứng đáng được vinh danh là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Vì vậy, đối với phương án khai thác, phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải cần chú ý làm nổi bật giá trị đặc biệt này của di sản. Đây cũng là một lợi thế của Đà Nẵng mà hiếm có địa phương nào khác có được.

  1. Thành Điện Hải hiện nay

Thành Điện Hải hiện nay là một di tích còn lại sau gần 200 dâu bể. Về cơ bản, kết cấu tường thành, hào bao bọc vẫn còn khá nguyên vẹn hoặc dẫu có bị hư hại thì vẫn có khả năng phục hồi lại hoàn toàn. Tuy nhiên các công trình kiến trúc bên trong thành thì hầu như đã bị xóa sổ hoàn toàn. Tổn thất to lớn này chủ yếu là do nguyên nhân chiến tranh (đợt tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha năm 1858) và sự thay đổi cải tạo của các chủ nhân sử dụng khu vực này sau chiến tranh, bao gồm cả người Pháp (xây dựng bệnh viện quân sự từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX) và người Việt Nam (xí nghiệp Dược Quảng Nam - Đà Nẵng sau năm 1975)… Đây là vấn đề khó khăn nhất trong việc phục hồi các giá trị nguyên thủy của di tích, cả về mặt vật thể và phi vật thể.

Khó khăn nữa là tình trạng lấn chiếm, sinh sống của cư dân ở trong và xung quanh khu vực di tích. Thành phố Đà Nẵng đã thể hiện quyết tâm rất lớn để khắc phục vấn đề này khi chỉ trong một thời gian rất ngắn đã di dời xong và tiến hành hạ giải hơn 70 hộ dân cư và nhà cửa, công trình phục vụ sinh hoạt của họ. Đây là điều kiện tiên quyết để mở rộng quy hoạch, phục hồi di tích và môi trường cảnh quan xung quanh di tích.

Một điều đáng lưu ý nữa là, nhìn trên tổng thể, môi trường cảnh quan toàn bộ khu vực gắn liền với Thành Điện Hải đã thay đổi rất lớn: Hệ thống đồn lũy liên kết phòng thủy Đà Nẵng về cơ bản đã không còn (thành An Hải và các đồn lũy trong Trấn dương thất bảo); trong khi đó các công trình kiến trúc cao tầng, quy mô lớn (nhất là tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng) mọc lên khá nhiều, vây hãm và khiến cho Thành Điện Hải trở nên bé nhỏ, thậm chí lạc lõng với không gian bao quanh. Việc Thành phố Đà Nẵng mở rộng khu quy hoạch Thành Điện Hải rộng đến hơn 2,6ha đã thể hiện tầm nhìn xa và là một nỗ lực rất lớn, đáng khâm phục. Hy vọng chúng ta sẽ từng bước giải quyết được những khó khăn bất cập để dần dần trả lại không gian cảnh quan phù hợp cho di tích Thành Điện Hải. Tuy vậy, trong giải pháp quy hoạch cần phải tính đến các giải pháp thích ứng với điều kiện môi trường đương đại chứ không thể chủ quan duy ý chí là phải trả về đúng môi trường nguyên thủy cho di tích, vì đó là một việc làm bất khả thi và cũng không phù hợp với quan điểm về bảo tồn và phát huy di sản hiện nay trên thế giới (bảo tồn tích cực để di sản sống trong lòng cuộc sống đương đại).

  1. Thành Điện Hải nhìn về tương lai

Chúng ta sẽ làm gì để bảo tồn di tích Thành Điện Hải một cách phù hợp và khai thác, phát huy giá trị di tích này tốt nhất, đó là một câu hỏi lớn mà tôi tin là Thành phố Đà Nẵng nói chung, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng nói riêng đã đầu tư suy tính kỹ. Ở đây, tôi chỉ xin có một vài đề xuất mang tính gợi ý.

 Thứ nhất, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Điện Hải phải làm sao giữ gìn được một cách bền vững các giá trị nổi bật, độc đáo, hiếm có của di tích. Đó là bảo tồn, phục hồi diện mạo một tòa thành quân sự gắn liền với một cảng khẩu quan trọng nhất của Việt Nam trong thế kỷ XIX, nơi đã từng chứng kiến một cuộc đụng độ nảy lửa và bi hùng giữa dân tộc Việt Nam với quân xâm lược phương Tây - cuộc đụng độ đã mở ra một trang sử mới của lịch sử dân tộc. Vì vậy, như trên đã đề cập, trong phương án bảo tồn và khai thác phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải phải làm sao nhấn mạnh và làm nổi bật đặc điểm này.

Thứ hai, về phương án phục hồi các công trình kiến trúc vốn có trong Thành Điện Hải, tôi tán thành với phương án đề xuất của Bảo tàng Đà Nẵng, tuy nhiên cần hết sức thận trọng và có sự nghiên cứu kỹ lưỡng các hạng mục kiến trúc/công trình mà chúng ta sẽ nghiên cứu phục hồi để đảm bảo tính chính xác và sự thuyết phục cao vì đây là một di tích hết sức quan trọng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vì vậy, các phương án phục hồi phải được nghiên cứu kỹ, được thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, những chuyên gia về bảo tồn di sản, và cả thăm dò dư luận để tạo sự đồng thuận.

Việc Thành phố Đà Nẵng quyết đinh mở rộng khu vực quy hoạch rộng đến hơn 2,6ha đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi để chúng ta nghiên cứu phục hồi các cảnh quan phù hợp và xây dựng các hạ tầng thiết yếu phục vụ việc khai thác phát huy giá trị di sản, nhất là quy hoạch các tuyến đi, bãi đỗ xe, hệ thống hàng quán và các loại hình dịch vụ khác..vv. Cần phải tính đến việc lượng khách đến thăm khu di tích này tăng lên nhiều lần so với hiện nay sau khi Thành Điện Hải trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt và được tôn tạo, trùng tu, trở thành một điểm tham quan hấp dẫn. Có một thực tế là Thành phố Đà Nẵng không nhiều điểm tham quan về di sản văn hóa nên di tích Thành Điện Hải có rất nhiều lợi thế để trở thành “điểm đến không thể bỏ qua” đối với du khách khi đặt chân đến Đà Nẵng mà hiện tại số lượng du khách đến thăm Đà Nẵng hàng năm đã đạt vài triệu lượt, con số này còn tăng lên nhiều trong các năm tới.

Thứ ba, về phương án khai thác phát huy giá trị di sản, ngoài các giải pháp về trưng bày, giới thiệu theo các phương pháp truyền thống thì tôi nghĩ chúng ta cần phải tính đến việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để quảng bá và giới thiệu về di sản này, chẳng hạn:

- Xây dựng các kênh thông tin quảng bá về di tích (có thể giới thiệu các di tích quan trọng, các điểm đến đặc sắc của Đà Nẵng) để giới thiệu ngay với du khách khi họ mới đặt chân đến Đà Nẵng (sân bay, nhà ga, cảng biển). Phương pháp tiếp cận ngoài quảng bá trực quan (pano, áp phích, băng rôn…) thì xu hướng hiện nay là tiếp cận thông tin qua các phần mềm có thể dễ dàng khai thác bằng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng…

- Xây dựng một trung tâm diễn giải lịch sử ngay trong Thành Điện Hải, sử dụng các giải pháp công nghệ hiện đại kết hợp giữa phim 3D, 4D với hình ảnh, bản vẽ, lời giới thiệu, các hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng...vv. để có thể thuyết minh một cách đầy đủ, sinh động và hấp dẫn về lịch sử Thành Điện Hải và cả hệ thống phòng thủ nguyên thủy của triều Nguyễn ở cảng Đà Nẵng (những di tích đã mất hoàn toàn có thể tái hiện bằng phương pháp này).

- Xây dựng một show diễn (vở/chương trình) hoành tráng, sử dụng các bộ môn nghệ thuật truyền thống trong đó có thể sử dụng nghệ thuật ca Bài Chòi (Di sản Phi vật thể đại diện của nhân loại mới được UNESCO công nhận năm 2017) làm nòng cốt để xây dựng một chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ du khách. Có thể chọn chủ đề: “Dưới chân Thành Điện Hải” để mô tả, tái hiện cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân ta ngày xưa. Đây là cách làm để vừa tăng chất văn hóa nghệ thuật cho khu di tích vừa tạo thêm tích hấp dẫn góp phần lôi kéo du khách đến với di tích và ở lại lâu hơn.

Trên đây chỉ là một số ý kiến nhỏ mang tính gợi ý về giải pháp để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Thành Điện Hải một cách hiệu quả và bền vững. Rất mong các bạn đồng nghiệp Đà Nẵng sẽ thành công với các kế hoạch chiến lược của mình để đưa di tích Thành Điện Hải xứng tầm là một di tích cấp quốc gia đặc biệt (danh hiệu mà tôi tin sẽ sớm được công bố)

 


[1] Trong hồ sơ về Thành Điện Hải (do Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện) có 1 chi tiết cần xem lại khi cho rằng các thành quân sự kiểu Vauban thời Nguyễn là được xây dựng theo thiết kế của Oliver de Puymanel. Đây là một nhận định chưa thuyết phục vì Puymanel chỉ phục vụ dưới trướng Nguyễn Phước Ánh (vua Gia Long) trong một thời gian rất ngắn và không hề tham gia thiết kế hay xây dựng các thành trì quân sự/hành chính đầu thời Nguyễn (Oliver de Puymanel chết ngày 23/3/1799 khi mới 31 tuổi). Xem thêm: Thụy Khê (2017), Vua gia Long và người Pháp, Nxb Hồng Đức.

[2] Đơn vị thước đo thời Nguyễn, 1 trượng tương đương 4,24m; 1 thước tương đương 0,424m. Xem: Phan Thanh Hải (2002): Hệ thống thước đo thời Nguyễn, in trong Dấu ấn Nguyễn trong văn hóa Phú Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT