Vai trò của Thành Điện Hải trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 - 1860)

ThS. Lưu Anh Rô

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng

Đà Nẵng là một vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế của nước ta. Ngay từ thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã nhận thấy vai trò của Đà Nẵng như sau: “Bến Đà Nẵng rộng, tàu Tây dễ đậu, lại có núi bao bọc, không có sóng gió nên dễ neo tàu. Người Tây bấy lâu nay họ thường đậu tàu lại, không kể phép tắc triều đình. Hơn nữa, Đà Nẵng gần đường quốc lộ (tức đường Thiên Lý như chúng tôi đã trình bày ở trên), gần làng mạc, gần kinh thành, Đà Nẵng là then chốt của nước ta, cho nên người Tây muốn chiếm lấy”[1]. Xin lưu ý rằng, tất cả các nước tư bản phương Tây lúc bấy giờ thường lui tới Việt Nam đều bằng đường biển, vì thế, xét trên cả nước Việt Nam thì chỉ có Đà Nẵng là đáp ứng được các yêu cầu sau của họ: Chỗ dừng chân của một hành trình dài qua nhiều đại dương lớn; chỗ dễ xâm chiếm và xây dựng, thiết lập thuộc địa; chỗ phòng ngự tối ưu và rút bỏ dễ dàng; chỗ có thể đánh chớp nhoáng vào kinh đô Huế... tất cả điều đó phù hợp với phương thức tác chiến tối ưu bằng pháo thuyền kết hợp với đổ bộ cùng vũ khí cầm tay hiện đại của các nước tư bản phương Tây. Việc các vua nhà Nguyễn không ngừng xây dựng, củng cố hai Thành Điện Hải và An Hải là minh chứng cho sự trọng yếu này, nhất là Thành Điện Hải - chứng nhân tiêu biểu nhất cho cuộc chiến tranh Mậu Ngọ năm 1858 - 1860.

Hai Thành Điện Hải và An Hải là những điểm phòng thủ quan trọng bậc nhất tại cửa biển Đà Nẵng. Đây cũng là hai pháo đài được nhắc đến nhiều nhất trong các hoạt động bố phòng và chính nó là mục tiêu khai hỏa của tàu chiến của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Hai pháo đài án ngữ 2 bên lối vào nội địa, một phải một trái gần đối xứng nhau bởi sông Hàn. Bắt đầu từ tháng 2 năm 1813, vua Gia Long cho xây đài Điện Hải và đồn An Hải ở cửa Đà Nẵng, giao cho Nguyễn Văn Thành trông coi, với 500 quân phòng giữ[2]. Riêng: “Thành Điện Hải ở phía tả tấn Đà Nẵng, cách Hòa Vang 12 dặm về phía đông, chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước, mở 3 cửa, dựng một kỳ đài và 30 sở pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 đắp đài ở tấn Đà Nẵng hơi gần bãi biển, năm Minh Mạng thứ 4 dời đến chỗ hiện nay và xây bằng gạch, năm thứ 15 đổi làm thành, năm Thiệu Trị thứ 7 xây lại”[3]. Sở dĩ có sự di chuyển chỗ là vì năm 1813, khi vua Gia Long cho xây dựng thành thì do chưa đảm bảo kỷ thuật, nên bị nước xói lở, làm sụt móng thành. Năm 1823, vua Minh Mạng cho xây dựng thành mới ở phía nam đài cũ, cách khoảng 150 trượng trên một vùng đất cao ráo (tức vị trí vòng thành vòng ngoài của Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng hiện nay). Chính sử nói rằng Điện Hải có 3 cửa song trên thực tế, nhiều tài liệu sau này nói là 2 cửa gồm các cửa: cửa chính nhìn xuống sông Hàn, cửa phụ ở phía Nam. Do Thành Điện Hải nay đã bị sập hoàn toàn nhiều quãng, nhà ở nhân dân xây dựng trên vết tích thành xưa, nên rất khó xác định nó là 2 hay 3 cửa. Song căn cứ vào những đoạn thành gãy khúc còn lại hiện nay, chúng tôi đồ rằng Điện Hải chắc chắn còn một cửa, cửa đó mở ra hướng đường Lý Tự Trọng, có lẽ đây là cửa thứ 3 mà chính sử chép chăng ? Sách Huyện chí Hòa vang cho biết thêm: “Năm Tự Đức thứ 11, quân Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, chiếm Thành Điện Hải. Năm Tự Đức thứ 13 nâng bờ thành cao thêm một thước có đặt lỗ châu mai, sau khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng”[4]. Cần lưu ý rằng, cả Thành Điện Hải và An Hải đều do một kỹ sư người Pháp là Olivier Puymanel, người đi cùng Bá Đa Lộc giúp Gia Long lập bảng thiết kế xây theo kiểu thành Vauban[5]. Thành Điện Hải ở phía Tây nên người Pháp gọi là “Fort de L’ ouest”, thành An Hải phía Đông nên pháp gọi là“Fort de L’est”. Đối diện với thành Điện Hải là An Hải. Nếu lấy tấn Đà Nẵng làm chuẩn thì thành An Hải nằm bên phải của tấn này: “Chu vi 41 trượng 2 thước, cao một trượng 1 thước, hào sâu một trượng, mở 2 cửa, dựng 1 kì đài và có 22 sở pháo đài. năm Gia Long thứ 12 đắp bằng đất, gọi là bảo An Hải, năm Minh Mệnh thứ 11 xây bằng gạch, năm thứ 15 đổi làm thành”[6]. Như vậy về quy mô thì thành An Hải nhỏ hơn và xây sau Thành Điện Hải, song cùng được đổi làm thành trong một năm. Càng về sau, các vua Nguyễn càng cho tăng cường phòng thủ các tấn, sở, thành tại Đà Nẵng, tham tri bộ Công là Nguyễn Công Trứ tấu với vua Thiệu Trị rằng: “Tăng cường hải lực phòng thủ Đà Nẵng, các tàu lớn hiệu Thụy Long, Phấn Bằng, Thanh Long, mỗi chiếc phải đủ 100 thủy binh, trang bị 100 súng điểu thương, 10 đại bác và 15 giáo dài. Các thành An Hải và Điện Hải phải được tăng cường phòng thủ”. Tiếp đó, sau khi khảo sát thực điện Đào Trí đề xuất với triều đình: Đặt đồn Trấn Dương ở chóp núi, để 20 khẩu súng đại bác; Xin từ thành An Hải tới núi Sơn Chà (Sơn Trà), từ Thành Điện Hải đến cửa Thanh Khê đều đắp lũy cát, trồng gai gốc ngăn giữ;”[7]. Lập tức triều đình phái 5 chiến thuyền loại lớn bọc đồng, 5 chiến thuyền loại vừa, tất cả đầy đủ binh lực đặt dưới quyền của Lãnh binh Lương Văn Viễn, chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ Đà Nẵng. Ngoài ra, Tuần vũ Quảng Nam cũng tăng cường cho tấn Đà Nẵng từ 500 đến 600 quân.

Đánh giá cao cửa biển Đà Nẵng, nên cần phải tổ chức phòng bị các thành ở đây, nhất là Điện Hải một cách cẩn mật nhất, vũ khí và con người (tức quân chính quy) phải là loại tốt nhất, năm 1829, vua Minh Mạng bảo bộ Binh: “pháo đài Trấn Hải ở Kinh sư, pháo đài Điện Hải ở tỉnh Quảng Nam đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua. Bộ ấy nên truyền bảo quan binh trú phòng ở hai pháo đài ấy hết thảy súng đạn, khí giới, quân nhu lúc nào cũng dự bị đầy đủ để phòng lúc bất ngờ”[8]. Năm sau, Minh Mạng lại cho xây tiếp pháo đài An Hải, Thống chế Đoàn Văn Tường “đem lính ở Bắc thành và tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ cùng Kinh sư cả thảy hơn 3000 người để làm công tác kể trên”[9]. Năm 1840, Minh Mạng cho trang bị thêm hai cỗ súng đồng "xung tiêu" (bắn cao đến trời xanh), 100 quả chấn địa lôi, đem đến pháo đài Phòng Hải ở cửa bể Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam"[10]. Khi cử Nguyễn Tri Phương vào giữ chức tuần phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, vua dụ: "Ngươi có chức trách về địa phương ấy nên thân hành xem kỹ hai đồn An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải, mà đem tâm tu chỉnh, thời bọn giặc dù muốn dòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta. Đó là kế hoạch lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình"[11].

Về lực lượng trí đóng Thành Điện Hải nói riêng và các đồn bảo ở Đà Nẵng, sách Hội điển cho biết, quân số đóng ở đây thuộc biên chế của bộ binh và Thủy sư Kinh kỳ cử tới. Ban đầu chủ yếu là bộ binh nhưng về sau, năm 1836 chia đóng với tỷ lệ 2 phần bộ binh, một phần thủy binh: “Lệ quân đóng trường kỳ hai thành Điện [Hải], An [Hải] từ trước đến nay chuyên lấy bộ binh đóng dài hạn, thấy chưa được chu đáo. Nay cho từ giờ về sau, phàm đến kỳ chia ban, thì 2 vệ Tả, Hữu thủy ở tỉnh cũng cho cùng với bộ binh 1 loạt chia làm 3 ban. Về quân lính phái đi đóng lâu dài ở 2 thành ấy và chia giữ pháo đài Định Hải, nên liệu đem phái 3 phần bộ binh, 1 phần thủy binh cho đủ số 1 vệ 500 tên, mỗi tháng 1 lần thay phiên”[12]. Công việc phòng thủ của quan quân coi giữ cửa biển Đà Nẵng được thể hiện rõ trong chỉ dụ năm Minh Mạng thứ 11 (1830) là: “cứ tất cả những nơi đáng phải phòng thủ như một dãy bờ biển bến sông trong vùng Trà Sơn gần đài (tức Điện Hải), cùng thuyền công vận tải đường biển đi về dừng đậu ở phận biển Đà Nẵng, đều phải gia tâm chia phái tuần phòng; cho đến hạng thuyền lớn bọc đồng thường đậu ở tấn ấy cũng phải cùng với biền binh ở thuyền coi giữ giúp nhau, để đề phòng sự bất ngờ”[13]. Về quân số thủy quân, căn cứ vào nghị chuẩn năm 1836, thì Điện Hải có 300 quân, An Hải 200 quân. Biền binh thì lấy người địa phương chia phái canh giữ: “từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa các thuyền biển đi lại thì toàn số binh vệ ấy phải lưu ban sung vào sai phái. Từ tháng 4 đến tháng 9, thuyền biển ít đi lại, việc do thám hơi rỗi thì lại theo lệ cũ chia ban”[14]. Đánh giá về sự bố phòng ở Đà Nẵng, vua Minh Mạng cho rằng: “tấn Đà Nẵng là nơi quan trọng ở miền bờ biển, nguyên đặt hai Thành An Hải, Điện Hải, việc phòng bị đủ nghiêm”[15]. Về hiệu lệnh thì: “Ở thành An Hải trông thấy trước treo cờ lên thì pháo đài Phòng Hải cũng theo hiệu cờ của An Hải mà đem cờ ấy treo lên để trả lời và ngược lại. An Hải hoặc pháo đài Phòng Hải treo cờ hiệu lên, trừ cờ vàng ngày thường treo thì không kể, còn như cờ đỏ, cờ gấm hồng trắng, cờ gấm lam trắng, thì Hải Vân Quan lập tức làm tờ tâu chạy nhanh đệ lên, Điện Hải cũng lập tức báo ngay đến tỉnh để dự bị trước khi có việc”[16].

Để báo hiệu tàu nước ngoài cập cảng thì qui định bắn súng cũng có sự phân biệt rõ cho cả Điện Hải và An Hải: Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) ban chỉ: "đài Điện Hải, An Hải ở cửa biển Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam hiện nay phàm thuyền lớn đến hải phận cửa biển bắn 3 phát súng. Nếu khi có nhiều chiếc thuyền lớn cùng vào cửa biển, tiếng súng dù nhiều, 2 đài ấy cũng chỉ đều bắn 3 phát súng mà thôi. Điều này ghi làm mệnh lệnh mãi mãi"[17]. Tuy vậy, trên thực tế có khi quan coi cửa biển vẫn nhầm lẫn, như năm 1835, thuyền buôn Tây dương đến cửa biển Đà Nẵng, họ bắn súng chào mừng chỉ là súng trường nhưng hai thành An Hải và Điện Hải lại đã dùng tiếng súng áo đỏ bắn đáp lại. Viên chuyên quản hai thành bị phạt một tháng lương. Nhân đó vua quy định “từ nay về sau các thuyền nước ngoài tới hải phận ấy, nếu không bắn súng lớn thì chỉ dùng súng điểu thương bắn để chào mừng”[18]. Đối với thuyền công nước ngoài tới cửa Đà Nẵng, năm 1835, Minh Mạng quy định: “nếu treo cờ bắn súng thì trên thành chỉ bắn 3 tiếng. Thuyền buôn có bắn 7 hay 9 tiếng thì cũng chỉ bắn 3 tiếng, nếu họ bắn 3 tiếng thì trên thành không cần bắn đáp trả”[19].

Mặc dù bố phòng chặt chẽ như vậy song với ý đồ xâm chiếm thuộc địa, chủ nghĩa tư bản phương Tây ngày càng nhăm nhe Việt Nam, nhất là vị trí Đà Nẵng, nhất là thực dân Pháp. Sau khi giải quyết xong vấn đề Trung Quốc bằng Hiệp ước Thiên Tân và hội đủ quân với Tây Ban Nha, ngày 31/8/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha với 14 tàu chiến, 3.000 quân, dưới sự chỉ huy của Rigault de Genouilly tiến vào cửa biển Đà Nẵng.

Ngay sau khi đến Đà Nẵng, sáng hôm sau, ngày 01/9/1858 Rigault de  Genouilly lập tức gửi tối hậu thư cho viên tấn thủ Đà Nẵng, hẹn trong 2 giờ phải nộp ngay các pháo đài cho Pháp. Phía Nam triều im lặng không trả lời. Đúng thời gian quy định trong tối hậu thư, Rigault lập tức lệnh cho các pháo hạm triển khai đội hình tấn công quân Việt. Tất cả các tàu chiến của Pháp chia làm 2 cánh đồng loạt bắn phá các đồn bót, thành lũy Việt Nam. Cờ Pháp rồi cờ Tây Ban Nha được lần lượt kéo lên trên đỉnh cột buồm lớn nhất của soái hạm Némésis, đó là hiệu lệnh cho tất cả các tàu đồng loạt nổ súng. Các Thành Điện Hải, An Hải nhanh chóng trở thành mục tiêu bắn phá của đại bác địch từ các chiến hạm vào. Sau nửa tiếng đồng hồ nã pháo dữ dội và hoàn toàn trúng đích, tất cả các pháo đài của Việt Nam tại Đà Nẵng bị tắt ngấm, kể cả Thành Điện Hải. Quân đổ bộ của các tàu Némésis, Phlégéton và Primauguet và một nửa số quân của đội công binh Pháp dưới sự chỉ huy của Đại tá Reybaud lập tức nhảy lên bờ đánh chiếm các pháo đài Việt Nam, họ vừa đánh vừa hô lên: “Hoàng đế vạn tuế” (tức Pháp hoàng). Rigault cũng theo cánh quân này, ông ta lập tức bố trí trận chiến, đánh thẳng vào chính diện Thành Điện Hải, An Hải và các đồn phụ cận. Tuy nhiên, việc quân Pháp áp sát và chiếm đồn lũy của quân An Nam không phải là điều dễ dàng. Phía ngoài lũy được vây bọc bởi những hàng rào tre dày đặc, kết nối với các lùm bụi um tùm và rậm rịt; trước và bề mặt chiến lũy quân An Nam bố trí rất nhiều chướng ngại vật và cắm chông bằng thân tre vót nhọn hun lửa, thêm vào đó, lính Nam quân với dáo dài, cung tên ẩn nấp đằng sau chiến lũy đang sẵn sàng nghênh chiến, cuộc chiến tại Thành Điện Hải diễn ra khá ác liệt. Trong đêm 1 rạng ngày 02/9/1858, để chuẩn bị cho cuộc tấn công quyết định vào Thành Điện Hải ngày hôm sau, thuyền trưởng Reybaud cùng với kỹ sư thủy đạo Ploix đã dùng thuyền nhẹ tiến hành đo độ sâu của vịnh Đà Nẵng về phía tây nam. Xin lưu ý rằng, quân viễn chinh Pháp luôn có nhiều phương tiện để thăm dò đối phương trước khi ra tay hành động. Trong những ngày đầu tiên đánh Đà Nẵng họ cũng đã sử dụng khinh khí cầu để do thám cách bày binh bố trận của quân Nam triều. Vì vậy, sau này Phan Chu Trinh mới làm thơ chế nhạo vua quan nhà Nguyễn ở mặt trận Đà Nẵng có câu: “Khóa sơn bắn trả quen nghề trẻ - Việt hải bay qua chịu phép ông”[20].

Sáng hôm sau (tức 02/9/1858) 5 pháo hạm Alarme, Avalanche, Fusée, Daragonne, Mitraille cùng chiến hạm El Cano của Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Reybaud đã triển khai đồng bộ tấn công Thành Điện Hải, làm sập một góc thành này và nổ tung kho thuốc súng ở đây. Ngay lập tức, Thiếu tá Jaure Guiberry xua quân tiến sâu vào cửa sông Hàn, đồng thời đưa chiến thuyền đậu sát Thành Điện Hải. Toàn bộ hệ thống phòng ngự của nhà Nguyễn tại tả ngạn sông Hàn cũng chịu chung số phận với thành An Hải trước đó. Tuy nhiên Jaure Guiberry không dám mạo hiểm chiếm giữ Điện Hải, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, y đưa quân về đóng tại căn cứ trên bán đảo Tiên Sa. Để bảo vệ sườn trái của quân viễn chinh, 2 tàu chiến Dragonne và El Cano rời Vũng Thùng chuyển ra thả neo gần bán đảo Tiên Sa, trong khi sườn phải dựa vào thành An Hải ở phía đông được 2 đơn vị bộ binh và nửa đơn vị Tây Ban Nha đóng giữ nhằm đề phòng một cuộc đánh úp có thể xảy ra. Qua 2 ngày tấn công liên quân Pháp - Tây làm vô hiệu hóa các pháo đài, đồn, bảo kiên cố nhất trong hệ thống phòng thủ Đà Nẵng của nhà Nguyễn, chúng thu giữ 450 khẩu đại bác bằng đồng và bằng sắt, trong số đó có nhiều thứ thu tại Thành Điện Hải: “Đại bác bằng đồng nhiều hơn và nói chung là rất đẹp. Các đại bác của đối phương vừa mới đặt lên giá cao. Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với những gì tôi thấy ở Trung Hoa. Pháo đài phía Tây (Điện Hải) gồm một xưởng pháo binh lục chiến, những đại bác bằng đồng cỡ bằng 6 và 9, giá súng đặt trên những bánh xe cao, rất phù hợp với đường sá gồ ghề của xứ này”[21]. Số chiến lợi phẩm thu được, những đại bác bằng sắt thì bị quân Pháp phá hủy, đại bác bằng đồng thì chúng chở ra các chiến hạm. Rigault cũng chọn 2 khẩu đại bác bằng đồng rất đẹp để dâng lên nữ hoàng Tây Ban Nha và vua Pháp.

Khi quân triều đình do Đào Trí dẫn đầu đến Đà Nẵng thì cả An Hải và Điện Hải đều rơi vào tay giặc. Tự Đức một mặt cách chức Trần Hoằng và giao quyền cho Đào Trí làm nhiếp chính, mặt khác cho luận tội những người để thất thủ các thành và bảo ở Đà Nẵng. Tôn Thất Phan thủ thành An Hải, Tôn Thất Cháy thủ Thành Điện Hải và 8 viên quan khác đều bị cách chức cho lập công chuộc tội. Sau đó, lại cử hữu quân đô thống Lê Đình Lý làm thống chế, Tham tri bộ binh là Phan Khắc Thận làm Tham tán quân vụ và vệ úy là Lê Xuân, Nguyễn Nhàn, Trương Linh, Tôn Thất Ân, Tôn Thất Chung, hiệp quản là Bùi Ân, Nguyễn Huy, Hồ Ba đem 2000 quân tinh nhuệ thuộc cấm binh vượt Hải Vân Quan vào đóng tại làng Nghi An (phía Tây sân bay Đà Nẵng, nay thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang). Lúc này quân thứ Quảng Nam tại Đà Nẵng được phân bố như sau: đại quân triều đình do Lê Đình Lý chỉ huy đóng ở Hòa Vang, cánh quân do Đào Trí chỉ huy đóng tại xã Thị An (gần Mỹ Thị, Đà Nẵng). Mặt trận Đà Nẵng lúc này chia thành 2 khu vực rõ rệt. Phía Nam quân còn làm chủ 2 đồn Hóa Khuê và Mỹ Thị ở hữu ngạn. Phía tả ngạn tuy Thành Điện Hải không bị chiếm giữ nhưng bị hư hại rất nặng, các đồn phụ cận như: Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián và Nại Hiên tuy vẫn còn song luôn trong tình trạng bị uy hiếp. Trọn bán đảo Tiên Sa cho đến thành An Hải đều thuộc về quân Pháp, chúng thiết trí doanh trại, bệnh viện, nhà kho, mở đường sá, xây dựng pháo đài.

Triều đình của Nguyễn Tri Phương vào mặt trận Đà Nẵng, xét thấy quân Tây dương dựa thế mạnh ở tàu thuyền và vũ khí, trong khi quân Nguyễn chủ yếu là vũ khí thô sơ, khả năng tấn công rất hạn chế, Nguyễn Tri Phương bèn đưa ra phương lược “lấy thủ làm lợi”: “Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn luỹ, để dần dần tiến đến gần giặc”[22]. Vua Tự Đức cho rằng, giữ thế thủ như thế có “6 điều hại”, bèn dụ bảo: “Phải tuỳ việc khuyên răn, nhiều cách thi thố, các đạo đề phòng, không để lo về sau, bấy giờ mới chuyên ý tiến sát đến, lần lượt dẹp yên, mới có thể thành công lớn”[23]. Tháng 12, quân Nguyễn Tri Phương có những chiến công đầu tiên từ phương pháp phục kích, đẩy lui các cuộc hành quân của địch. Một trận đẩy lui 200 tên chia 2 đạo đến đánh ở quãng giữa Thạc Gián, Nại Hiên. Một trận quân Tây dương chừng 400 tên từ thành An Hải chia ba mũi tấn công cũng bị phục binh của Nguyễn Tri Phương ở các đồn bắn ra, buộc chúng phải lui. Nguyễn Tri Phương lại cho đắp luỹ từ bãi biển đến các xã Phúc Ninh, Thạc Gián, bên ngoài luỹ đào hố chữ phẩm cắm chông, che cỏ, cát lên trên, chia quân đặt phục binh, áp sát Thành Điện Hải do quân Pháp đang chiếm giữ. Quân của Tây dương bị mắc vào thế trận của Nguyễn Tri Phương khi chia quân tiến đánh đã bị phục binh trỗi lên đánh, quân của Tây dương sa xuống hố, quan binh giữ luỹ bắn ra, quân của Tây dương phải lui. Nhìn chung, Nguyễn Tri Phương đã lấy lại được thế ổn định ở Đà Nẵng nhưng tình thế chung cũng không mấy khả quan, quân Pháp không tiến thêm nhưng quân Nguyễn Tri Phương cũng chỉ phòng bị. Tự Đức hội các đại thần hỏi việc việc đánh Tây dương, đại thần Trương Đăng Quế cho rằng chỗ quan yếu nên phái quan quân phòng thủ, còn chỗ không quan yếu lắm cũng nên thời thường đi lại trông coi.

Tháng 3/1859, quân Pháp với số quân ít ỏi vẫn tấn công tại Đà Nẵng. Theo miêu tả của Thực lục thì quân Pháp chủ yếu dùng chiến thuật đánh bọc hậu làm quân nhà Nguyễn rất khó khăn mới có thể chống trả được: “Quân của Tây dương (ước 600) đến đánh Thạch Thang. Phó vệ úy là Phan Gia Vĩnh đem quân nghĩa dõng chống cự lại. Quân của Tây dương quay lại bắn mặt sau trận. Lại vây sát thượng đồn Hải Châu và vây cả hạ đồn. Nguyễn Tri Phương được tin báo, phái Nguyễn Song Thanh đem 300 quân chiến tâm đến tiếp ứng, do Đào Trí làm đốc chiến. Tôn Thất Hàn (Đề đốc), Nguyễn Hiên (Đốc binh) đóng ở Thạc Gián để phòng giữ. Quân của Tây dương tiến lui 3 lần, Hiệp quản là bọn Nguyễn Doãn (ở thượng đồn), Nguyễn Viết Thành (ở hạ đồn) cố sức đánh, giặc phải thua. Tri Phương cho là việc này làm cho lòng người hơi hăng hái một chút, đem việc tâu lên. Vua ban khen”[24]. Ngay sau đó, quân Pháp lại tiến đánh đồn Thạch Thang và chịu thua sau 3 ngày bị quân nhà Nguyễn chống trả quyết liệt. Sau trận này, quân Pháp không còn tổ chức tấn công vào nội địa mà chỉ cố cầm giữ. Vua tôi nhà Nguyễn cũng thấy được điều đó, nhưng rất do dự sợ chúng “sinh kế khác” nên chi chọn kế cố giữ: “Tháng trước, quân ta tiếp tục đắp đồn lũy đã gần đến sào huyệt của giặc; chặn đánh luôn mấy ngày, chúng bị thua thiệt. Lại thấy quân ta ngày càng tiến sát lại, chúng bèn lên bộ đánh rất hăng, lại đem thêm tàu máy hơi nước hạng rất to đến. Vua cho là: Đấy là chúng muốn ngăn trở đường ta tiến sát, để rộng địa bộ của chúng và tiện kế cầu hòa. Bèn xuống tờ dụ chỉ bảo các cơ nghi đánh giữ, để đợi có cơ hội tiện lợi. Tháng ấy, chúng cũng chỉ đối lũy mà giữ (Thành Điện Hải) tuyệt không lấn áp gì. Vua lại nghĩ chúng hiểm giảo, hoặc giả lại sinh kế khác. Lại dụ bảo lấy phương kế cố giữ cho bền vững, cũng dụ cho đem tình thế của giặc và quân cơ của ta tâu trả lời”[25].

Trước tình thế không thể tiến lên, đến tháng Giêng 1860 quân Pháp đã bắt đầu tính chuyện rời Đà Nẵng. Thuyền quân kéo đi nhưng vẫn còn mấy toán đóng ở 2 xứ Chân Sảng, Đà Nẵng. Tháng 2/1860, chúng đốt các đồn sở Chân Sảng, Định Hải, rút lui về giữ Sơn Trà, An Hải, Điện Hải[26]. Quân Pháp rút lui tới đâu, quân Nguyễn tiến giữ lại tới đó, đến tháng 3/1860 chúng đốt phá Sơn Trà, An Hải, Điện Hải, đem hết cả thuyền quân kéo đi. Kết thúc chiến trận Đà Nẵng. Như thế, từ 1/9/1858 đến tháng 3/1860, sau 18 tháng tấn công vào Đà Nẵng liên quân Pháp chỉ có thể đánh chiếm các thành đồn mà không thể tiến sâu vào nội địa cũng như kế hoạch đánh chiếm Đà Nẵng để mở đường ra Huế đã thất bại. Sau khi kẻ thù rút đi, vua “dụ sai quan quân thứ Quảng Nam tính kỹ để phòng bị; và các địa phương có bờ biển canh phòng, phải phòng giữ cho nghiêm”[27]. Trong suốt thời gian đó, Thành Điện Hải là điểm quyết chiến chiến lược của đôi bên; mặc dù mất thành do sức công phá của tàu to súng lớn song lực lượng Nam quân luôn áp sát thành, không cho quân Pháp mở rộng địa bàn chiếm đóng. Điều này cho thấy, Thành Điện Hải là biểu trưng của buổi đầu chống Pháp của dân tộc ta tại Đà Nẵng. Thiết nghĩ việc phục dựng lại thành này như buổi ban đầu 3 cửa; việc tái hiện cuộc chiến tại đây như trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ, việc công nhận các khẩu đại bác được phát hiện, trưng bày tại đây; việc công nhận vai trò của vua Tự Đức trong cuộc chiến tranh này… là một chủ trương có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy truyền thống, lịch sử và văn hóa của Đà Nẵng hôm nay./.

L.A.R

 


[1] Dương sự thủy mạc”, Bản dịch của Gs Trần Văn Giàu. Tài liệu lưu tại Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng.

[2] Cao Xuân Dục tuyển tập (2002), Tập 1, Quốc triều sử toát yếu, Hoàng Văn Lâu dịch, NXB Văn Học, HN, Tr. 144.

[3] Quốc sử quán. “Đại Nam nhất thống chí”, Nxb Thuận Hóa, Huế năm 1992. Tr.370.

[4] Trần Hy Tăng, Huyện chí Hòa Vang, Nguyễn Đình Thảng dịch, bản đánh máy.

[5] Một kiểu thành rất dễ phòng thủ nhưng rất khó bị công phá.

[6] Quốc sử quán. “Đại Nam nhất thống chí”, Nxb Thuận Hóa, Huế năm 1992. Tr.370.

[7] Cao Xuân Dục tuyển tập (2002), Tập 1, Quốc triều sử toát yếu, Hoàng Văn Lâu dịch, NXB Văn Học, HN. Tr. 378.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, Tập 3, NXB TH, Huế. Tr.237.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB TH, Huế. Tr. 240.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB TH, Huế. Tr. 276.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, NXB TH, Huế. Tr. 275.

[12] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, NXB TH, Huế. Tr. 664.

[13] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, NXB TH, Huế. Tr. 663.

[14] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, NXB TH, Huế. Tr. 663 - 664.

[15] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, NXB TH, Huế. Tr. 665.

[16] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 5, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN. Tr.759-760.

[17] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, NXB TH, Huế. Tr.589.

[18] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, NXB TH, Huế. Tr.590.

[19] Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, NXB TH, Huế. Tr.591.

[20] Lâm Quang Thự, “Quảng Nam: địa lý, nhân vật và lịch sử”, Nxb Thanh Hóa, 1974. Tr.60.

[21] Nguyễn Phan Quang, “Việt Nam thế kỷ XIX” (1802-1884), Nxb thành phố HCM 1999. Tr. 367-368.

[22]Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN. Tr.584.

[23]Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN. Tr.584.

[24] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN. Tr.602.

[25] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN. Tr.606.

[26] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN. Tr.646, 651

[27] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 7, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN. Tr.652.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT