“Giải cứu” để phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải
Đăng ngày 26-03-2018 06:18, Lượt xem: 246

NSƯT Huỳnh Văn Hùng

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng

          Thành Điện Hải là di tích hiếm hoi còn lại từ buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta giữa thế kỉ XIX, là biểu tượng về lòng yêu nước, đức hy sinh của người dân Đà Nẵng. Tiếc rằng, một thời gian dài, di tích này bị xâm hại nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, thành phố chủ trương khắc phục sai lầm trước đây, từng bước khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị di tích của nó.

          Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (1813) gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền vào ra và trấn giữ Đà Nẵng. Nhưng lúc bấy giờ, đồn xây dựng với vật liệu kém, lại gần cửa biển nên dễ bị hư hại, vì thế đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đồn được dời vào trong (chỗ di tích hiện nay) để đảm bảo an toàn và phân công Thái Tương Nguyễn Văn Thành phụ trách việc xây dựng. Đồn Điện Hải lần này được xây dựng kiên cố hơn, theo đồ án thiết kế kiểu thành Vauban Châu Âu và được xây hoàn toàn bằng gạch, có chu vi 139 trượng (556m), chung quanh có hào sâu 7 thước, cao 1 trượng 2 thước (gần 5m), có 2 cửa: một cửa hướng về phía đông, nhìn xuống sông Hàn, một cửa hướng về phía nam (cửa chính). Trong thành có hành cung, kỳ đài, có các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng. Thành hình vuông có 4 góc lồi, được trang bị 30 súng đại bác cỡ lớn. Trong thời kỳ này, Thành Điện Hải là một trong những công trình phòng thủ quan trọng nhất ở Đà Nẵng cùng với đồn An Hải bên kia tả ngạn sông Hàn, kiểm soát tàu thuyền vào ra ở cửa biển Đà Nẵng.

          Đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) lần đầu tiên thực dân Pháp phái hai chiến thuyền vào Đà Nẵng, do đại tá De La Pierve chỉ huy, để xin bỏ những chỉ thị cấm đạo (nhưng thực ra có ý dòm ngó xâm lược). Sau sự kiện hai chiếc thuyền Pháp bắn đắm chiến thuyền của ta rồi bỏ đi, triều đình nhà Nguyễn càng tăng cường việc bố phòng. Bấy giờ, triều đình phái Nguyễn Công Trứ làm Tham tri bộ công đến Quảng Nam để xem xét tình thế, lựa nơi xung yếu để phòng thủ. Nguyễn Công Trứ đã đề nghị triều đình cho thêm tàu và bố trí thêm súng cho hai thành An Hải và Điện Hải, sai lãnh binh Nguyễn Thước, Giáp Văn Tân và Mai Điền lo tu sửa đồn Điện Hải cho kiên cố.

          Ngày 31/8/1858 Liên quân Pháp và Tây Ban Nha do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy tiến đánh cửa biển Đà Nẵng. Kế hoạch của địch là nhanh chóng đánh chiếm Đà Nẵng, từ đó làm bàn đạp mở rộng xâm lược ra hai miền Nam Bắc của đất nước, nhưng trước hết là tiến thẳng ra Huế để bắt triều đình Huế đầu hàng. Nhưng ngay từ đầu, chúng đã bị quân và dân ta kháng cự một cách mãnh liệt. Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng với các thành lũy khác dọc hai bờ sông Hàn đã tỏ ra là những căn cứ đồn lũy quan trọng, góp phần đánh lui những cuộc tấn công của địch, nhưng về sau, do lực lượng của địch quá mạnh, Thành An Hải, Điện Hải và các thành lũy khác đều rơi vào tay giặc. Quân ta bấy giờ do Nguyễn Tri Phương chỉ huy lui về lập phòng tuyến trước huyện Hòa Vang để ngăn không cho địch vào sâu nội địa, đồng thời vây hãm địch, triệt hạ các con đường tiếp tế lương thực. Địch lâm vào thế bị động, lại thêm phong thổ khí hậu khắc nghiệt, phần lớn quân địch đã chết vì đói, vì bệnh tật, nên cuối cùng thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng vào ngày 23/3/1860, để lại dưới chân núi Sơn Trà một nghĩa địa chôn cất nhiều sĩ quan và binh lính Pháp - Tây Ban Nha.

          Thành Điện Hải đã trải qua nhiều thăng trầm, nhất là sau khi Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp. Thực dân Pháp đã lấy thành để xây dựng bệnh viên quân y vào năm 1895, nhằm chữa bệnh cho sĩ quan và binh lính. Họ vẫn giữ nguyên các bức tường và hào bao quanh, nhưng làm lại cầu rộng hơn bằng bêtông cốt sắt để xe cứu thương có thể ra vào được. Họ đã phá các nhà gỗ lợp ngói cũ trong thành và dựng hai dãy nhà bằng khung sắt và mái tôn ở hai bên. Ở giữa, họ dựng hai dãy nhà lầu theo kiểu kiến trúc Pháp với tường dày 40cm, các cột vuông 60cm và lợp ngói. Phía trước mặt ngôi nhà này là sân bằng bêtông và cột cờ. Khu nhà lầu và hai dãy nhà lợp tôn là khu hành chánh và các ban chuyên khoa, phòng cấp cứu, phòng điều trị, phòng phẫu thuật, khu hậu cần, kho thuốc, nhà chứa xe… Trong quá trình xây dựng Bệnh viên Quân y, người Pháp đã phá hủy hoàn toàn các kiến trúc cổ bên trong của thành.

Năm 1900, tướng Pháp là Borgnis Desdordes (Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương)  đã cho bệnh viên xây dựng một nhà Nguyện với chiếc tháp nhọn và cao ở góc trái, phía trước của bệnh viên. Nhà Nguyện này nằm trên góc lồi phía đông bắc của thành, nhưng đến năm 1998 đã bị phá bỏ.

Sau năm 1975, Xí nghiệp Dược Trung ương 5 đã sử dụng thành làm nhà xưởng chế biến thuốc tân dược. Năm 1988, thành Điện Hải được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng di tích vẫn chưa nhận được sự quan tâm bảo tồn, gìn giữ, nên nhiều đoạn tường và hào rãnh phía Bắc và phía Tây Nam đã bị đập phá để mở đường vận chuyển thuốc và xây nhà kho…Năm 2004, chính quyền thành phố Đà Nẵng quyết định chuyển Xí nghiệp Dược Trung ương 5 đi nơi khác, rồi cho trùng tu, tôn tạo bước đầu. Đến năm 2007, UBND thành phố đã cho xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên thành Điện Hải, đập bỏ các dãy nhà kho của Xí nghiệp Dược Trung ương 5. Từ một di tích quan trọng, thành Điện Hải có nguy cơ trở thành một phế tích…

          Từ năm 2016, nhằm để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của thành Điện Hải, nhằm bảo vệ nguyên trạng di tích có một không hai này. Đầu năm 2017, lãnh đạo thành phố chủ trương giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ tường phía Tây và phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải gồm 2 giai đoạn:

         + Giai đoạn 1: 2017 - 2019: Giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi Thành Điện Hải, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng, xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe…tạo không gian đệm cho di tích.

        + Giai đoạn 2: 2019 - 2021 : Di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi Thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành gồm những công trình đã có ở thành trong lịch sử như nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu…và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh, xây dựng các khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích.

         Có thể nói, chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải là chủ trương đúng, hợp lòng dân, bởi đây là biểu tượng cho ý chí quật cường, tinh thần yêu nước mãnh liệt của nhân dân Đà Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong buổi đầu kháng Pháp. Đây là một di tích thành lũy quân sự cổ duy nhất còn lại ở Đà Nẵng, cuộc “va đập” lịch sử là chứng nhân cho sự chuyển tiếp từ thời kỳ Trung đại sang Cận đại ở Việt Nam... Sau khi trùng tu và phục hồi lại nguyên trạng, chắc chắn Thành Điện Hải sẽ là một địa chỉ đỏ trên mạng lưới các di tích văn hóa - lịch sử thành phố, là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa khi đến thành phố bên sông Hàn này./.

Tháng 8/2017

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT