Trận đánh Pháp đầu tiên trên đèo Hải Vân (28-2-1886)
Theo lệnh của De Courcy, Tổng tư lệnh binh đoàn viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tướng Prud’homme đóng tại Huế đã cấp tốc điều động đội công binh mở nhanh con đường chiến lược Huế – Đà Nẵng, mà đặc biệt là đoạn đường qua đèo Hải Vân.

Từ con đường xuyên sơn nhỏ hẹp đủ cho người khiêng cáng và cho ngựa đi (route muletière) phải phát quang, bạt đá làm thành con đường xe ôtô có thể đi được (route carrossable), ngoài phương tiện và kỹ thuật của công binh còn phải huy động hàng 500-600 dân phu của phủ Thừa Thiên và hai huyện Diên Phước, Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam.
 
 Đội công binh làm nhiệm vụ khảo sát gồm cả thảy 10 người, do đại úy Besson cầm đầu, trong đó có một thông ngôn người Việt, đến đóng tại làng Nam Chơn (cũng gọi là Chơn Sảng) nằm ở phía nam chân đèo Hải Vân, thuộc huyện Hòa Vang.
 
 Vào lúc nửa đêm 28-2 rạng ngày 1-3-1886, lực lượng nghĩa quân đã bất ngờ bao vây và tấn công vào hai căn nhà có đội công binh trú đóng, dùng giáo mác tiêu diệt toàn bộ, cắt lấy thủ cấp của đại úy Besson, phóng hỏa thiêu rụi, rồi rút lui an toàn. Do nằm giữa nơi rừng hoang vắng, cho nên đến ngày hôm sau (2-3-1886) quân Pháp mới đến được hiện trường để thu nhặt các xác chết dưới sự yểm trợ của pháo hạm Pluvier đậu ở Vũng Thùng, đồng thời một tàu chiến khác chở một đơn vị lính tập đến mở cuộc truy lùng nghĩa quân. Nhưng tất cả chỉ hoài công vô ích.
 
 Ngày 8-3-1886, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp đóng ở Trung Kỳ phải nuốt hận ra bản “nhật lệnh” gọi là để báo tang.
 
 Báo chí Pháp xuất bản ở Việt Nam thời ấy gọi chiến thắng này của nghĩa quân là “Thảm kịch Nam Chơn” (Le drame de Namchon). Đây là trận đánh giao thông đầu tiên mà quân viễn chinh Pháp đã gặp phải trên đèo Hải Vân vào cuối thế kỷ XIX.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT