Thái Phiên (1882 - 1916)
Thái Phiên quê làng Nghi An, nay thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ông nội tổ vốn người Bình Định. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán, sau học ở trường Tây, ra làm tư chức cho một hãng thầu của một người Pháp ở Đà Nẵng tên là Le Roy. Chịu ảnh hưởng các phong trào yêu nước Cần vương, ông đã sớm tham gia hoạt động chống Pháp, liên lạc với Phan Bội Châu để đưa thanh niên xuất dương du học.

Ông đã từng giữ nhiệm vụ kinh tài trong phong trào Đông du. Sau này, khi Tiểu La (Nguyễn Thành) bị bắt đày ra Côn Đảo, ông đã thay thế Tiểu La tiếp tục đảm đương nhiệm vụ này. Khi phong trào bị đàn áp, Thái Phiên bị Công sứ Quảng Nam là Charles bắt giam ở Hội An vì tội gửi tiền cho Phan Bội Châu ở hải ngoại (thông qua một Hoa kiều là Lý Bình Quân), về sau nhờ sự can thiệp của Le Roy, ông mới được tha.
Ông đã đứng ra hướng dẫn dân làng Nghi An đấu tranh chống lại việc chiếm đất lập đồn điền cà phê của tên Tây Gravelle, chủ kho bạc Đà Nẵng, thảo giúp đơn kiện bằng tiếng Pháp gửi ra khiếu nại đến phủ Toàn quyền Đông Dương. Kết quả cuối cùng, tên chủ Tây buộc phải rút lui, bỏ dở kế hoạch chiếm đất, lập đồn điền.

Năm 1914, lớp chí sĩ bị giam ở các nhà tù đế quốc được trở về, trong đó có Trần Cao Vân, Lê Ngung, Trương Bá Huy, Lê Bá Trinh… Thái Phiên đã liên lạc với họ và chuẩn bị bước phát triển mới của con đường cứu nước.

Năm 1915, khi Việt Nam Quang phục hội được thành lập, Trần Cao Vân và Thái Phiên được cử vào ban lãnh đạo. Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ lấy danh nghĩa vua Duy Tân – một ông vua yêu nước có tinh thần chống Pháp. Hai ông đã tìm cách tiếp xúc với vua Duy Tân, mời nhà vua tham gia tổ chức cứu nước và được nhà vua tán thành.

Cuộc khởi nghĩa dự định nổ ra tại Huế vào giữa đêm 3-5-1916, nhưng kế hoạch bị bại lộ từ Quảng Ngãi, do đó thực dân Pháp đã có lệnh đề phòng, chuẩn bị đối phó. Lại thêm vào giờ chót, lực lượng khởi nghĩa bị một thành viên phản bội, mật báo cho Khâm sứ Pháp. Thế là cuộc mưu khởi bị dập tắt từ trong trứng nước. Cả nhà vua và Trần Cao Vân, Thái Phiên đều bị bắt trên đường đào thoát ở ngoại ô Huế. Vua Duy Tân sau đó bị đày sang đảo Réunion. Trần Cao Vân, Thái Phiên và Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị chém ở pháp trường An Hòa (gần Huế) vào ngày 17-5-1916.

Sau Cách mạng Tháng 8-1945, thành phố Đà Nẵng vào thời gian đầu được đặt tên là thành Thái Phiên, tỉnh Quảng Nam được đặt tên là Trần Cao Vân, nhưng sau đó theo một nghị định của Chính phủ (ngày 9-10-1945) đều lấy lại tên tỉnh, thành phố như cũ.

Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Thái Phiên dài 50m, rộng 7,5m nối đường Bạch Đằng đến đường Hoàng Diệu thuộc quận Hải Châu.

Cổng TTĐT thành phố
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT