Dân chài Thọ Quang sắt son với biển
Đà Nẵng được thiên nhiên ưu ái ban tặng những bãi tắm liên hoàn đẹp như tranh vẽ và đường bờ biển dài ôm lấy dãy núi Sơn Trà tạo nên một vùng trời nước bao la, quyền rũ lòng người. Những ai từng hòa mình trong làn nước trong xanh và tận hưởng không gian yên bình giữa một thành phố năng động sẽ bị lôi cuốn bởi một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Đối với người dân thành phố cũng vậy, biển như người mẹ hiền sẵn sàng dang tay che chở và nuôi lớn những người con thân yêu. Và có lẽ hơn ai hết những người con của ngôi làng ven biển Thọ Quang là những người luôn gắn bó với biển và cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn của biển cả bao la.

Người dân miền biển chất phác lắm, họ gắn cuộc sống của mình với biển, quen “ăn sóng nói gió” nhưng lại có tấm lòng chân thật, sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên và con người. Sản phẩm của họ là những khoang cá đầy, những sản vật từ biển giúp họ trang trải cuộc sống gia đình. 
 
Những ngôi nhà liền kề lúc nào cũng thoảng vị mặn nồng của biển thường vắng bóng những người đàn ông. Bởi lẽ đa phần họ đều đang bôn ba nơi đầu sóng ngọn gió, rẽ sóng vươn khơi với mong muốn thu hoạch những mẻ cá đầy để chi trả những khoản chi phí như tiền dầu, sửa sang ghe thuyền, phân chia cho bạn thuyền và lo cho đàn con đi học, gia đình có thêm ít của để dành phòng khi cần thiết. Những người phụ nữ cũng đảm đang không kém, mỗi sáng họ tụ hội nơi bến thuyền để chia nhau những thúng cá, rổ tôm và tất tả mang ra chợ bán hoặc chuyển những thực phẩm đặc biệt tươi ngon, những con cá lớn còn ánh màu đến những nhà hàng lớn. Những đôi tay nhanh nhẹn, đôi chân thoăn thoắt cùng tiếng cười nói rộn ràng luôn diễn ra mỗi sáng sớm, khi những chiếc thuyền cập bến, những mẻ lưới mới được kéo lên, mở đầu cho một ngày mới đầy năng lượng ở nơi đón ánh bình minh của thành phố.
Ngư dân làng chài Thọ Quang cùng nhau đưa thuyền xuyến bến
 
Đối với những làng nghề khác, người nghệ nhân sử dụng đôi bàn tay khéo léo cùng những kỹ thuật gia công tinh xảo và tỉ mỉ chế tạo nên những sản phẩm hữu dụng cho con người. Cũng phục vụ cuộc sống con người, người dân làng chài sử dụng sự khéo léo để tạo nên những dụng cụ đánh bắt cùng kinh nghiệm đương đầu với sóng gió để thu hoạch những mẻ lưới đầy ắp. Tùy theo thời tiết và ngư trường, người làm nghề này có thể linh động trong cách đánh bắt như giả cào, rê cản, câu mực khơi, lưới vây, lưới kéo, mành chà, rớ giả ruốc. Đa phần thuyền đánh bắt là các loại thuyền nhỏ sử dụng các trang thiết bị đơn giản để đánh bắt các loại cá, từ các loại cá nổi như cá nục, cá cơm, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá chim, cá trích… đến các loại cá ở tầng đáy và gần đáy như cá hố, cá mú, cá phèn, cá trác, cá liệt, tôm sú, tôm chì, mực nang, mực ống. Trước mỗi chuyến đi, chủ thuyền và bạn thuyền chuẩn bị các vật dụng cần thiết để sinh hoạt trong ngày đồng thời không quên cầu nguyện cho một chuyến đi thuận hòa và bội thu. 
…và cùng nhau ra khơi
 
Giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống, những người dân làng chài vẫn giữ vững tình làng nghĩa xóm, tương trợ lẫn nhau không chỉ trong những lúc vươn khơi mà cả trong cuộc sống thường ngày. Mỗi ngày, vào mỗi buổi chiều những thanh niên khỏe mạnh, những người đàn ông với nước da rám nắng cùng nhau đưa thuyền xuống bến trong tiếng “dô hò” như thể hiện sức mạnh và tình đoàn kết của con người trước thiên nhiên. Mỗi chuyến đi là niềm tin, niềm hy vọng của con người vào tương lai, chỉ mong sao trời yên biển lặng để đoàn người lại trở về với mẻ cá đầy khoang. Cũng chỉ khi đó, những người mẹ, người vợ mới thở phào nhẹ nhõm sau một đêm lo lắng cho những người đàn ông trong gia đình trước những khó khăn, nhọc nhằn và đôi khi có cả nguy hiểm nơi biển khơi. 
 
Có tiếp xúc với ngư dân mới thấu hiểu phần nào những gian khó mà họ phải vượt qua. Mấy con người trên một chiếc thuyền trở nên bé nhỏ và chênh vênh vô cùng giữa biển khơi bao la. Gặp con sóng lớn hay mưa gió thất thường, xung quanh không một chỗ bám víu, họ chỉ có thể cùng nhau giữ vững tay lái cùng sự hỗ trợ của những thuyền bạn đưa nhau về nơi trú ngụ an toàn. Hay những lúc bạn thuyền lên cơn đau đột ngột, giữa đêm tối mịt mù, không có thuốc men mà thuyền còn quá xa bờ, họ phải nương tựa lẫn nhau vượt qua hoạn nạn. Và còn rất nhiều khó khăn khác mà chỉ những người đi biển, những người trực tiếp đối mặt mới thấu hiểu được. Bấp bênh, khó khăn là vậy nhưng những ai đã gắn bó với biển sẽ không thể nào rời xa vì đối với họ, biển là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình. Những lúc mưa bão ập đến, thuyền phải nằm bờ mấy ngày, những ngư dân lúc nào cũng bồn chồn và nhớ da diết những chuyến lênh đênh trên biển, chỉ mong sao sớm có thể tiếp tục những chuyến đi gian nan nhưng thấm đậm nghĩa tình.
Ngư dân chung sức đưa thuyền lên bờ trú bão
 
Tính tình người dân chài bao đời nay vẫn vậy, họ hiền hòa, chất phác, cần cù chịu khó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Nếu lần đầu nói chuyện với một ngư dân, nhiều người có thể giật mình với giọng nói sang sảng đậm chất miền Trung của họ. Nhưng có tiếp xúc mới biết, dù “ăn to nói lớn” nhưng họ rất dễ gần và nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau, kể cả những người chỉ mới gặp lần đầu. 
 
Có lẽ những khó khăn, vất vả và có lúc đơn độc giữa biển khơi đã khiến họ thấy quý hơn tình người, tình đoàn kết, tương trợ nhau trong lúc hoạn nạn. Tuy nhiên, do đặc thù công việc phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên trong đời sống ngư dân có khá nhiều tập tục và kiêng cử, đặc biệt là trước mỗi chuyến đi. Cũng như những làng chài khác, ngư dân Thọ Quang lập đền thờ Ông Nam Hải (cá Ông) và hàng năm tổ chức Lễ Cầu Ngư, kỵ Ông để cầu một năm mưa thuận gió hòa hay tạ ơn trời biển đã cho họ một năm “biển no”. Lễ Cầu ngư diễn ra trong hai ngày với những bàn thiết lễ chu đáo, trang nghiêm, thể hiện sự thành kính của người đi biển. Mỗi chiếc thuyền được người dân ví như con rồng đất có linh hồn đưa con người đạp sóng, rẽ nước, thuận gió xuôi buồm lướt trên mặt biển. 
 
Chính vì lẽ đó, chiếc thuyền nào cũng được vẽ mắt thuyền với quan niệm thuyền sẽ đi đúng hướng, tránh được những vùng nước xoáy nguy hiểm như “mũi nghê”, “gành dang” và tìm đến những khu nhiều cá. Trên thuyền, bữa ăn của ngư dân là những con cá tươi vừa đánh bắt, được cho vào nồi nước sôi với chút muối, chút ớt, chỉ vậy thôi cũng đủ ấm lòng người đi biển.

Vá lại mảnh lưới chuẩn bị cho chuyến đi sắp đến
 
Không chỉ đánh bắt hải sản, người dân Thọ Quang còn gắn bó với nghề đan mây, đan thúng và nghề làm mắm. Trước đây, những công việc này giúp giải quyết việc làm của phần đông lao động Thọ Quang, đặc biệt là phụ nữ và những thanh niên không đủ sức khỏe ra khơi. Tuy nghề đan mây hiện nay không còn, nhưng nghề làm mắm lại rất phát triển và gần như đã trở thành một thương hiệu. Cũng từ nguyên liệu chính là cá và ruốc, những người dân nơi đây đã tạo nên các loại mắm thơm ngon như mắm nêm, mắm ruốc, mắm cá nục – những loại nước chấm không thể thiếu trong bữa ăn của người dân miền Trung. Đặc biệt, mắm ruốc nơi đây rất ngon, mắm có màu sáng được chế biến sạch sẽ và sàng lọc kỹ càng nên rất mịn và đậm đà hương vị. 

Làng chài nhộn nhịp mỗi lúc thuyền về đầy khoang
 
Đến với làng chài Thọ Quang hôm nay sẽ không còn những ngôi nhà lụp xụp, thiếu vững chắc và những con đường đất gồ ghề; thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang hơn cùng những con đường đổ bê tông bằng phẳng giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Đời sống người dân cũng ổn định hơn, những đứa trẻ được cắp sách đến trường và tạo điều kiện học tập thuận lợi, những chiếc thuyền được trang bị đầy đủ hơn đồng thời ý thức của người dân cũng được nâng cao hơn trong việc trang bị tàu thuyền và chăm lo sức khỏe ngư dân trên biển. 
 
Đối với người dân Thọ Quang, có được những đổi thay như hôm nay phần lớn là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền thành phố đối với người dân nghèo miền biển. Nhờ đó, vùng đất ven biển được hồi sinh và rộn tiếng cười của những con người luôn sắt son với biển.
HƯƠNG XUÂN
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT