Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2022
Đăng ngày 22-10-2022 17:23, Lượt xem: 102

​Cắt giảm thủ tục hành chính liên quan kinh doanh lĩnh vực hàng hải; Quy định mới về lưu trữ dữ liệu trên không gian mạng; Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu thông qua tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu; Bổ sung quy định thay đổi hồ sơ trong hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 10/2022.

Cắt giảm thủ tục hành chính liên quan kinh doanh lĩnh vực hàng hải

Nội dung nổi bật trên được quy định tại Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.

Theo đó, Nghị định 69/2022/NĐ-CP sửa đổi một số thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quy định tại 5 Nghị định trên, gồm:

- Thủ tục giao tuyến dẫn tàu;

- Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển;

- Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển;

- Thủ tục cấp Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên;

- Thủ tục cấp lại Giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên;

- Thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết cảng biển, bến cảng, cầu cảng, luồng hàng hải;

- Cho ý kiến đối với dự án xây dựng công trình trong vùng nước cảng biển và các công trình khác xây dựng trong vùng nước cảng biển;

- Thủ tục công bố đưa luồng hàng hải vào sử dụng đối với trường hợp luồng hàng hải công bố sau thời điểm công bố mở cảng biển hoặc luồng hàng hải được đầu tư mới, công bố lại do điều chỉnh, mở rộng, nâng cấp;

- Thủ tục công bố mở bến cảng, cầu cảng, bến phao và các khu nước, vùng nước;

- Công bố đóng bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước;

- Thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải;

- Thủ tục đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng;

- Thủ tục phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm…..

Đặc biệt, Nghị định 69/2022/NĐ-CP bổ sung thêm hình thức gửi hồ sơ thực hiện thủ tục giao tuyến dẫn tàu như sau: “Công ty hoa tiêu gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam”.

Như vậy, so với hiện hành, Nghị định 69/2022/NĐ-CP bổ sung hình thức gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và giảm bớt chi phí tuân thủ khi thực hiện thủ tục hành chính.

Quy định mới về lưu trữ dữ liệu trên không gian mạng

Từ ngày 1/10/2022, Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó có quy định các loại dữ liệu Internet phải được lưu trữ tại Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành.

Theo đó, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu sau đây tại Việt Nam (hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định):

- Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.

- Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu.

- Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.

Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu; thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.

Nghị định 53/2022/NĐ-CP cũng quy định rõ, trong trường hợp bất khả kháng mà việc chấp hành yêu cầu của pháp luật về an ninh mạng của doanh nghiệp nước ngoài không thể thực hiện, doanh nghiệp nước ngoài cần thông báo cho A05 trong vòng 3 ngày làm việc để kiểm tra tính xác thực của việc bất khả kháng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thời gian 30 ngày làm việc để tìm phương án khắc phục.

Trường hợp dữ liệu do doanh nghiệp thu thập, khai thác, phân tích, xử lý không đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Nghị định 53, doanh nghiệp phối hợp với A05 để xác nhận và tiến hành lưu trữ các loại dữ liệu hiện đang thu thập, khai thác, phân tích, xử lý. Còn với trường hợp doanh nghiệp tiến hành thu thập, khai thác, phân tích, xử lý bổ sung các loại dữ liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Nghị định 53, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với A05 để bổ sung vào danh sách dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam.

Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu thông qua tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu

Bộ Giao thông vận tải ban hành vừa ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BGTVT hướng dẫn nội dung về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư và mẫu loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao thuộc ngành giao thông vận tải.

Theo đó, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) thông qua tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu (HSMT) bao gồm:

- Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật (HSĐXKT) đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

+ Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của HSĐXKT: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 Nghị định 35/2021/NĐ-CP

+ Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:

- Đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi đã sơ tuyển: Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 56 Nghị định 35/2021/NĐ-CP;

- Đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi không sơ tuyển, đàm phán cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật PPP, việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 19/2022/TT-BKHĐT;

Nhà đầu tư có HSĐXKT được đánh giá hợp lệ và đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm được xem xét, đánh giá chi tiết về kỹ thuật.

+ Đánh giá chi tiết về kỹ thuật: Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 19/2022/TT-BKHĐT.

Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì được xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại.

Thông tư số 09/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.

Bổ sung quy định thay đổi hồ sơ trong hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trong đó, bổ sung quy định thay đổi hồ sơ trong hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Theo đó, thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc là 05 năm kể từ ngày cấp hoặc gia hạn, trừ các trường hợp sau đây thì thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành là 03 năm:

- Thuốc mới, vắc xin lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự lần đầu cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam;

- Thuốc cùng dược chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế với thuốc mới mà thuốc mới đó chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành với thời hạn 05 năm;

- Các trường hợp tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả theo ý kiến tư vấn của Hội đồng;

- Thuốc thuộc trường hợp quy định nêu trên nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành mà chưa có báo cáo an toàn, hiệu quả vì lý do chưa lưu hành hoặc có báo cáo an toàn, hiệu quả nhưng số lượng thuốc sử dụng, số lượng bệnh nhân, thời gian sử dụng còn hạn chế theo ý kiến của Hội đồng hoặc có khuyến nghị của cơ sở khám chữa bệnh về việc cần tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả.

Cũng theo Thông tư số 08/2022/TT-BYT, thời hạn nộp hồ sơ đăng ký gia hạn trong vòng 12 tháng trước khi giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực, cơ sở đăng ký phải nộp hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành. Trường hợp có thay đổi hồ sơ hành chính trong hồ sơ gia hạn, sau 12 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành, cơ sở phải thực hiện các nội dung thay đổi đã được phê duyệt trong hồ sơ gia hạn.

Thông tư số 08/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 20/10/2022 và thay thế Thông tư số 32/2018/TT-BYT.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác