Chính sách nổi bật về tài chính có hiệu lực từ tháng 11/2020
Đăng ngày 25-11-2020 01:14, Lượt xem: 185

Phạt nặng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; Quy trình liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và BHXH; Mức tiền ăn thường xuyên của ngựa nghiệp vụ thuộc Bộ Quốc phòng; Tiền lương của viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim… là những chính sách nổi bật về tài chính, doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 11/2020

Phạt nặng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về dân số là 30 triệu đồng đối với cá nhân; Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS là 50 triệu đồng đối với cá nhân; Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về bảo hiểm y tế là 75 triệu đồng đối với cá nhân; Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi VPHC về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 100 triệu đồng đối với cá nhân. Các mức phạt trên sẽ tăng gấp đôi đối với tổ chức.

Cũng theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.
Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.

Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập

Có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ  quy định vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. 

Theo đó, nguyên tắc để xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc được Chính phủ yêu cầu phải thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và pháp luật về vị trí việc làm, số lượng người làm việc và tinh giản biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập; phù hợp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập; Bảo đảm một người làm việc phải được giao đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian lao động quy định. Những vị trí việc làm không có đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì phải bố trí kiêm nhiệm.

Đồng thời, phải bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính phủ yêu cầu chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Nghị định số 106/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và thay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012.

Quy trình liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và BHXH

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn doanh nghiệp.

Theo đó, quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan BHXH được quy định như sau:

- Sau khi được cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ cho cơ quan BHXH các thông tin sau:

+ Thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.

+ Thông tin về tổng số lao động dự kiến, ngành, nghề kinh doanh, phương thức đóng BHXH của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

- Khi có sự thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, VPĐD cho cơ quan BHXH.

- Mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia BHXH.

- Khi doanh nghiệp, chi nhánh, đóng BHXH, cơ quan BHXH chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng BHXH cho văn phòng đại diện cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Mức tiền ăn thường xuyên của ngựa nghiệp vụ thuộc Bộ Quốc phòng

Có hiệu lực từ 01/11/2020,  Thông tư số 115/2020/TT-BQP ngày 18/9/2020 quy định tiêu chuẩn, định lượng ăn và mức tiền ăn của chó, ngựa nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. 

Theo đó, mức tiền ăn thường xuyên của ngựa nghiệp vụ như sau:

- Mức 1: 45.000 đồng/con/ngày đối với ngựa thồ, kéo.
- Mức 2: 35.000 đồng/con/ngày đối với ngựa cưỡi.
- Mức 3: 17.000 đồng/con/ngày đối với ngựa con.

Thông tư số 115/2020/TT-BQP bãi bỏ Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 87/2018/TT-BQP ngày 26/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Tiền lương của viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim

Ngày 28/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BTTTT hướng dẫn bổ nhiệm, xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim.

Theo đó, chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng I (mã số V11.09.23), phát thanh viên hạng I (mã số V11.10.27), kỹ thuật dựng phim hạng I (mã số V11.11.31), quay phim hạng I (mã số V11.12.35) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2) có 6 bậc, từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.

Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng II (mã số V11.09.24), phát thanh viên hạng II (mã số V11.10.28), kỹ thuật dựng phim hạng II (mã số V11.11.32), quay phim hạng II (mã số V11.12.36) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng III (mã số V11.09.25), phát thanh viên hạng III (mã số V11.10.29), kỹ thuật dựng phim hạng III (mã số V11.11.33), quay phim hạng III (mã số V11.12.37) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng IV (mã số V11.09.26), phát thanh viên hạng IV (mã số V11.10.30), kỹ thuật dựng phim hạng IV (mã số V11.11.34), quay phim hạng IV (mã số V11.12.38) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác