Vốn của khởi nghiệp
Đăng ngày 30-06-2018 00:52, Lượt xem: 535

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, thu hút những khoản đầu tư là điều kiện tiên quyết để phát triển ý tưởng và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp quốc tế Đà Nẵng lần 3 - SURF 2018 lấy chủ đề “Vốn của khởi nghiệp – Startup Capitals” nhằm đem đến cách nhìn mới về nguồn lực để khởi nghiệp bền vững.

Năm nguồn vốn quan trọng của khởi nghiệp

Chủ đề SURF 2018 đặt ra xoay quanh năm trụ cột chính để làm nền tảng để khởi nghiệp thành công, bao gồm: vốn tài chính, vốn nhân sự, vốn công nghệ, vốn bản địa và vốn xã hội. Cụ thể, vốn tài chính là những khoản tiền nhà đầu tư cung cấp cho một công ty khởi nghiệp. Ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, cho biết, sau nhiều nỗ lực, Đà Nẵng đã hình thành một quỹ đầu tư thiên thần nhỏ là Quỹ Cá Chuồn – Flying Fish Investment; cùng với đó, những nhóm đầu tư khởi nghiệp thuộc các công ty hay các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu có xu hướng ngày càng nhiều hơn. Và điều các nhà đầu tư quan tâm là “làm thế nào để đầu tư tiền cho khởi nghiệp một cách hiệu quả”; điều đó có nghĩa là tiền vẫn có, mong muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư cũng có, quan trọng là làm sao để định giá một công ty khởi nghiệp và đo lường được những rủi ro trong việc đầu tư. Vậy vấn đề quan trọng nhất là chuẩn bị, sẵn sàng và biết cách làm việc với nhà đầu tư, bởi việc tiếp cận và gọi vốn thành công là điều không đơn giản, đòi hỏi sự chuẩn bị đầy đủ, chuyên nghiệp và phải đầu tư cho bản thân một cách bài bản.

Các startup cần có sự chuẩn bị bài bản để tiếp cận vốn tài chính từ nhà đầu tư

Vốn nhân sự là đội ngũ, là con người có đủ khả năng hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp. Gần ba năm tham gia với cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, điều quan trọng mà Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) rút ra được đó là chuyện “con người” phải là yếu tố mang quyết định sống còn đối với một dự án khởi nghiệp. Ngay từ đầu, DNES chủ trương lựa chọn các dự án ươm tạo dựa vào mức độ cam kết của đội ngũ sáng lập dự án. Bài học quan trọng từ Quốc gia Khởi nghiệp Israel là không ai khởi nghiệp một mình, phải luôn có đội ngũ, và khởi nghiệp không phải là một cuộc dạo chơi mà nó phải là một cuộc dấn thân, cam kết và dành trọn thời gian, tâm huyết.

Công nghệ chính là thứ tạo ra sự khác biệt, sự đột phá cho các dự án khởi nghiệp. Nếu không có công nghệ thì dự án khởi nghiệp sẽ đi theo một mô hình kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, không phải chỉ công nghệ thông tin hoặc kỹ thuật cao mới là công nghệ. Vốn công nghệ, chính là “năng lực chuyên môn” mà một nhà sáng lập khởi nghiệp nắm giữ, hoặc tập thể này nắm giữ để có thể biến thành năng lực cạnh tranh của mình. Nền tảng mà khởi nghiệp Israel dựa vào chính là sự kết hợp giữa sức mạnh công nghệ, lực lượng nhân tài dồi dào và một yếu tố quan trọng: vốn công nghệ được tích lũy từ nhiều năm dài đem các trung tâm nghiên cứu phát triển R&D của các tập đoàn toàn cầu về dựng trụ sở tại Tel Aviv, thủ đô của Israel. Tại Đà Nẵng, mô hình mà SURF mong muốn hướng tới gọi là “deep tech”, tức là sự kết hợp của nhiều nền tảng công nghệ khác nhau để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ sự phát triển của xã hội.

Vốn bản địa chính là những gì mà vùng đất nơi khai sinh của dự án khởi nghiệp có thể giúp nâng đỡ cho sự phát triển bền vững của dự án đó; vốn bản địa, còn là những sản vật địa phương, những nền tảng của văn hóa ngàn xưa tích tụ lại để có thể phát huy thành lợi thế cạnh tranh của vùng đất. Đà Nẵng sở hữu một nguồn vốn bản địa phong phú với lễ hội pháo hoa, lễ hội thể thao biển châu Á, chương trình thách thức ba môn thể thao bơi biển, đạp xe và chạy marathon lớn nhất khu vực hay hàng loạt các lễ hội thể thao khác diễn ra quanh năm. Mô hình “trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển” – innovation hub by the sea mà cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng đang từng bước xây dựng là cách để sử dụng và mở rộng vốn bản địa của biển miền Trung.

Vốn xã hội được định nghĩa bằng sự tin cẩn giữa những người cùng một cộng đồng, sự tuân thủ lề thói, phong tục của cộng đồng ấy mà không cần pháp luật cưỡng chế hoặc vì hấp lực của vật chất. Nói chung, đó là mạng lưới xã hội có những ảnh hưởng tốt đối với sự hình thành và phát triển của một cá nhân, một tổ chức. Khởi nghiệp cần có cộng đồng để chia sẻ và lớn lên cùng nhau, và cần theo kịp trào lưu, xu hướng phát triển của ngành thì mới tạo ra tác động lớn và có nhà đầu tư. Do vậy, SURF là một trong những nỗ lực để xây dựng và củng cố cho nền tảng vốn xã hội của cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng.

Các hình thức huy động vốn tài chính của các startup

Hiện nay, có nhiều phương thức để các doanh nghiệp khởi nghiệp thu hút vốn. Kênh dễ dàng nhất mà các công ty hay tận dụng là kêu gọi vốn từ người thân và gia đình; tuy nhiên, thành công hay không còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình và phương thức này cũng còn mang tính chất nhỏ lẻ tự phát. Một cách gọi vốn khác là vay ngân hàng, nhưng hình thức này cũng gặp nhiều bất cập, vì các ngân hàng thường dựa trên các tiêu chí trong bản báo cáo tài chính để đánh giá khả năng hoàn vốn vay của các doanh nghiệp; chưa kể, các doanh nghiệp phải đặt cọc bằng tài sản thế chấp và phải trả lãi suất theo định kì, điều rất khó khăn hoặc có thể nói là không thể đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các quỹ đầu tư hiện nay thường chỉ góp vốn khi các dự án đã đạt được một số thành quả nhất định, có thể là sản phẩm mẫu hoặc mô hình kinh doanh rõ ràng. Ngoài các quỹ đầu tư tài chính còn có thể kể đến việc huy động vốn thông qua các quỹ nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Tuy vậy, có thể thấy rằng, những nguồn này chưa được phổ biến rộng rãi với cộng đồng startup vì quy định và thủ tục chính sách rườm rà, chỉ nhắm tới những đối tượng nhất định như các dự án vì cộng đồng. Điểm lại các phương thức huy động vốn truyền thống ở trên có thể thấy, việc tiếp cận nguồn vốn là điều khá khó khăn cho những người sáng lập của các công ty khởi nghiệp, khi mà ý tưởng của họ chỉ mới hình thành trên giấy.

Kêu gọi vốn tài chính luôn là bài toán khó của các startup

Bên cạnh những phương pháp gọi vốn truyền thống, trên thế giới từ đầu những năm 2000 đã xuất hiện một hình thức gọi vốn không bị giới hạn bởi vị trí địa lý, có thể hướng tới số lượng nhà đầu tư nhiều hơn bất cứ hình thức nào kể trên. Đó chính là phương thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding), đây là hình thức kêu gọi sự góp vốn của cộng đồng để giúp một doanh nghiệp khởi nghiệp biến ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ hay dự án thực tiễn. Đổi lại với việc góp vốn, những nhà đầu tư sẽ được hưởng một vài quyền lợi nhất định, tuỳ thuộc vào từng loại hình gọi vốn khác nhau, có thể là quà tặng, sản phẩm thực tế khi ý tưởng được hoàn thành (hình thức nhận quà tri ân - Rewards Based); cổ phần của công ty (hình thức góp cổ phần - Equity based); lãi suất trên số tiền đóng góp (hình thức góp vốn cho vay - Debt based) hoặc có thể chỉ là lời cảm ơn, sự ghi danh cho những dự án từ thiện hoặc vì cộng đồng (Donation).

Theo số liệu thống kê của Fundly, một nền tảng gọi vốn cộng đồng cho các dự án xã hội, năm 2017, gọi vốn cộng đồng đã thu về khoảng 34 tỷ USD, đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu 65 tỷ USD. Với con số 2.000 quỹ đang hoạt động trên thế giới, những cái tên đình đám có thể kể đến như KickStarter, Indiegogo, GoFundMe, Patreon. Tính riêng trong năm 2016, số lượng dự án gọi vốn thành công của KickStarter lên đến 22.000 dự án với hơn 3,3 triệu nhà đầu tư.

Tại Đà Nẵng, hình thức gọi vốn cộng đồng chưa xuất hiện, trong khi hoạt động khởi nghiệp đã và đang phát triển khá mạnh mẽ; việc tiếp cận các nguồn vốn của startup khá khó khăn khi hệ sinh thái nơi đây còn rất non trẻ. Các dự án khởi nghiệp tại đây chủ yếu sử dụng nguồn vốn tích lũy tự có hoặc huy động vốn từ người thân, bạn bè. Một số rất ít gọi được đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần là các cá nhân, tổ chức chấp nhận rủi ro, yêu thích công nghệ, muốn khuyến khích khởi nghiệp, thậm chí có thể đầu tư vào các cá nhân/nhóm cá nhân chưa thành lập doanh nghiệp mà mới chỉ đang ở giai đoạn ý tưởng, phát triển sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này thường không lớn, giao động từ 5.000 đến 50.000 USD.

Từ nhu cầu cần sớm có thêm các giải pháp gọi vốn mới và bền vững cho các doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng, việc tiếp cận và phát triển một mô hình gọi vốn cộng đồng thích hợp là điều thiết thực với thực tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng. Nền tảng cộng đồng trực tuyến nếu được xây dựng thành công tại Đà Nẵng sẽ là một kênh truyền thông hiệu quả cho các dự án tiềm năng. Nó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng tốt vượt qua giai đoạn đầu khó khăn và giúp cho những dự án vì cộng đồng, vì xã hội trên địa bàn thành phố được người dân biết đến nhiều hơn. Hiện tại, Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đã bắt tay vào xây dựng đề án thành lập một nền tảng gọi vốn cộng đồng cho các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng và dự kiến sẽ được ra mắt trong thời gian tới. Để ứng dụng mô hình này thành công trong tương lai, Đà Nẵng cần có phương án giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại như: hành lang pháp lý để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan khi gọi vốn tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa rõ ràng; tâm lý lo ngại khi góp vốn và thói quen không sẵn sàng đầu tư cho những điều chưa chắc chắn của cộng đồng Việt.

NGÔ HUYỀN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác