Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 02/2023
Đăng ngày 07-02-2023 16:21, Lượt xem: 128

Sửa thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu làm trang sức; Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài; Tiêu chí xác định linh kiện được miễn thuế nhập khẩu sản xuất sản phẩm CNTT; Phạt đến 50 triệu đồng đối với trường hợp tiết lộ bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác trong hoạt động điện ảnh… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 02/2023.

Sửa thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu làm trang sức

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 24/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 sửa đổi các thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối.

Theo đó, Thông tư số 24/2022/TT-NHNN sửa đổi quy định về thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-NHNN.

Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 10 Thông tư số 16/2012/TT-NHNN để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo quy định hiện hành, tại Thông tư số 16/2012/TT-NHNN yêu cầu nộp trực tiếp tại Bộ phận một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính 02 (hai) bộ hồ sơ).

Cũng theo Thông tư số 24/2022/TT-NHNN, đối với các hồ sơ NHNN Việt Nam nhận được trước thời điểm Thông tư số 24/2022/TT-NHNN có hiệu lực mà chưa được xem xét, xử lý thì tiếp tục xử lý theo phương thức quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-NHNN, Thông tư số 34/2015/TT-NHNN, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN .

Thông tư 24/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2023.

Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài

Từ ngày 15/2/2023, quy định về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài  được thực hiện theo Thông tư số 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.

Thông tư số 20/2022/TT-NHNN quy định các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm:

- Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

- Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;

- Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.

Bên cạnh đó, Thông tư số 20/2022/TT-NHNN cũng nêu rõ các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác như: Trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật có liên quan; Phân bổ tiền tài trợ cho các thành viên ở nước ngoài tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và nước ngoài; Hoàn trả tiền tài trợ thực hiện các dự án ở Việt Nam theo các cam kết, thỏa thuận với bên nước ngoài…..

Tiêu chí xác định linh kiện được miễn thuế nhập khẩu sản xuất sản phẩm CNTT

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT quy định việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT), nội dung số, phần mềm.

Theo Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT, nguyên liệu, vật tư, linh kiện được miễn thuế nhập khẩu cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/4/2013 ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử và Thông tư số 20/2021/TT-BTTTT ngày 03/12/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/4/2013 ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử; hoặc thuộc danh mục sản phẩm nội dung số theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Căn cứ vào tình hình phát triển và chính sách quản lý trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cập nhật, điều chỉnh các danh mục cho phù hợp;

- Không thuộc Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông - CNTT, nội dung số, phần mềm trong nước đã sản xuất được tại phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT ngày 17/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

Cũng theo Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT, hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.

Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.

Phạt đến 50 triệu đồng đối với trường hợp tiết lộ bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác trong hoạt động điện ảnh

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.

Cụ thể, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi hoạt động điện ảnh có một trong các nội dung sau đây, trừ hành vi sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài có giấy phép cung cấp dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bị thu hồi theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 13 Luật Điện ảnh:

+ Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

+ Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

+ Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa.

+ Gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; truyền bá tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội.

+ Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân.

+ Kích động, chống đối việc thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Nghị định số 128/2022/NĐ-CP cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định nêu trên.

KHÁNH VÂN

 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác