Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2022
Đăng ngày 07-02-2023 16:21, Lượt xem: 53

Thống nhất mức thu phí đăng ký cư trú trên cả nước; Quy định mới về các trường hợp mắc bệnh được lãnh BHXH 1 lần; Sửa đổi các quy định liên quan đến kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; Quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2022.

Thống nhất mức thu phí đăng ký cư trú trên cả nước

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 75/2022/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú.

Theo đó, từ ngày 05/02/2023, việc thu lệ phí đăng ký cư trú trên toàn quốc sẽ được áp dụng chung theo mức sau đây mà không có sự phân biệt giữa các tỉnh, thành, cụ thể như sau:

- Đăng ký thường trú: Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có mức thu 20.000 đồng/lần đăng ký; trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến 1 có mức thu 10.000 đồng/lần đăng ký.

- Đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú (cá nhân, hộ gia đình): Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có mức thu 15.000 đồng/lần đăng ký; trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến 1 có mức thu 7.000 đồng/lần đăng ký.

- Đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách: Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có mức thu 10.000 đồng/lần đăng ký; trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến 1 có mức thu 5.000 đồng/lần đăng ký.

- Tách hộ: Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp có mức thu 10.000 đồng/lần đăng ký; trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến 1 có mức thu 5.000 đồng/lần đăng ký.

Trước đó, mức thu lệ phí đăng ký cư trú do HĐND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương với nguyên tắc mức đăng ký cư trú tại thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn mức thu đối với các khu vực khác.

Quy định mới về các trường hợp mắc bệnh được lãnh BHXH 1 lần

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Theo đó, Thông tư số 18/2022/TT-BYT đã sửa quy định về các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH 1 lần trong Thông tư 56/2017/TT-BYT. Cụ thể, người lao động gặp vấn đề về sức khỏe sẽ được lãnh BHXH nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Trước đó, Thông tư số 56/2017/TT-BYT yêu cầu người lao động đang bị mắc ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng,… phải đồng thời đáp ứng thêm điều kiện là không tự sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn thì mới được giải quyết hưởng BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc.

- Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Như vậy, người lao động nếu không may mắc ung thư có thể lãnh BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc mà không chờ 01 năm như quy định trước đây.

Thông tư số 18/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.

Sửa đổi các quy định liên quan đến kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 11 năm 2011 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 11 năm 2012 và Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT quy định, đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và mỗi đại học, học viện, trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên được đăng ký là một đơn vị dự thi. Thí sinh là học sinh đang học ở cấp trung học phổ thông, có xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) từ khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi và mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi.

Về số lượng thí sinh dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT quy định như sau: đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 06 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 10 thí sinh. Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh; đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai (02) kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.

Cũng theo Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT, hồ sơ thí sinh dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bao gồm: Quyết định của Thủ trưởng đơn vị dự thi về việc thành lập các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; bảng danh sách thí sinh dự thi; học bạ chính của cấp học của học kỳ liền kề với kỳ thi của từng thí sinh, có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường; giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh hợp lệ; thẻ dự thi.

Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 21/02/2023.

Quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 18/2022/TT-NHNN sửa đổi Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước.

Theo đó, từ ngày 09/02/2023, trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ gồm:

 - TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 146a Luật Các tổ chức tín dụng;

 - TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 148b Luật Các tổ chức tín dụng;

 - Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

 - Các trường hợp mua nợ quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản 6 Điều 5 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư số 18/2022/TT-NHNN ), cụ thể:

 + TCTD hỗ trợ mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 6 Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng;

 + TCTD nhận chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều 5 Thông tư số 09/2015/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư số 18/2022/TT-NHNN).

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác