Chính sách nổi bật về tài chính có hiệu lực từ tháng 5/2021
Đăng ngày 07-05-2021 09:39, Lượt xem: 1017

Quy định mới về giao dịch điện tử lĩnh vực thuế; Hướng dẫn mới về giao dịch ngoại tệ; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Thuốc lá và rượu nhập khẩu phải dán tem điện tử ... là những chính sách nổi bật về tài chính có hiệu lực từ tháng 5/2021.

Quy định mới về giao dịch điện tử lĩnh vực thuế

Có hiệu lực từ ngày 3/5/2021, Thông tư số 19/2021/TT-BTC  hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Theo đó, người nộp thuế có thể lựa chọn thêm các phương thức sau đây để thực hiện giao dịch thuế điện tử thông qua: Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế;  Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; Dịch vụ thanh toán điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã kết nối với Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để thực hiện nộp thuế điện tử.

Cụ thể, người nộp thuế (NNT) giao dịch thuế điện tử theo hình thức nào thì phải thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử theo quy định và theo hướng dẫn của từng cơ quan, tổ chức mà mình lựa chọn. 

Về giao dịch điện tử trong nộp thuế điện tử, Thông tư số 19/2021/TT-BTC quy định bỏ điều kiện về thực hiện nộp thuế điện tử của các ngân hàng tham gia thủ tục nộp thuế bằng phương thức điện tử, thay vào đó các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo công khai của Tổng cục Thuế sẽ gửi đề nghị kết nối đến Tổng cục Thuế theo quy định tại Điều 38 Thông tư số 19/2021/TT-BTC.

Về giao dịch điện tử trong hoàn thuế điện tử, Thông tư số 19/2021/TT-BTC sửa đổi về thời gian cơ quan thuế gửi Thông báo tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử là sau khi cơ quan thuế gửi Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử đối với trường hợp người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trên hồ sơ khai thuế.

Về giao dịch điện tử trong miễn giảm thuế điện tử, Thông tư số 19/2021/TT-BTC  bổ sung quy định mới về miễn giảm thuế điện tử, theo đó, người nộp thuế có thể gửi hồ sơ đề nghị miễn giảm thuế đến cơ quan thuế bằng phương thức điện tử (bao gồm trường hợp gửi trực tiếp đến cơ quan thuế và trường hợp người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị miễn giảm thuế điện tử đồng thời với hồ sơ hành chính về quản lý và sử dụng đất đai theo cơ chế một cửa liên thông). 

Hướng dẫn mới về giao dịch ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Thông tư số 02/2021/TT-NHNN quy định, tổ chức tín dụng được phép được thực hiện giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn với tổ chức tín dụng được phép khác.

Về phương thức giao dịch: Giao dịch ngoại tệ được thực hiện thông qua giao dịch trực tiếp hoặc giao dịch qua các phương tiện giao dịch, bao gồm điện thoại và phương tiện điện tử.

Giao dịch ngoại tệ thực hiện qua phương tiện điện tử, điện thoại do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản nếu đáp ứng quy định tại Điều 12 Luật giao dịch điện tử. Giao dịch ngoại tệ thực hiện thông qua phương tiện điện tử phải tuân thủ quy định của Luật giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Trường hợp giao dịch qua điện thoại, tổ chức tín dụng được phép phải quy định và thông báo với đối tác các số điện thoại được phép sử dụng để giao dịch. Điện thoại phải có chức năng ghi âm và đảm bảo truy xuất được nội dung thỏa thuận giao dịch với đối tác để sử dụng cho mục đích lập xác nhận giao dịch, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng và xử lý tranh chấp (nếu có).

Thông tư số 02/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5 tới.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Có hiệu lực từ 17/5/2021, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.

- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

+ Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/03/2020;

+ Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.

- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

- Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

- Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Ngoài ra, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm lãi, phí như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Thuốc lá và rượu nhập khẩu phải dán tem điện tử

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư số 23/2021/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá.

Theo đó, từ ngày 15/5/2021, mỗi bao thuốc lá, chai rượu đều phải dán một con tem điện tử. Tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử được kích hoạt, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước.

Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước phải được dán tem theo quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi bao thuốc lá được dán 1 con tem điện tử. Trường hợp bao thuốc lá có sử dụng màng kính bọc bên ngoài thì tem điện tử phải được dán vào bao thuốc lá trước khi bọc màng bóng kính bên ngoài. Tem được dán tại vị trí đảm bảo nguyên tắc khi mở bao thuốc lá tem sẽ rách.

Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải dán tem theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi chai rượu được dán một con tem điện tử. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.

Đối với thuốc lá sản xuất trong nước: doanh nghiệp có giấy phép sản xuất thuốc lá phải thực hiện dán tem điện tử đúng quy định cho sản phẩm thuốc lá sản xuất tại địa điểm sản xuất sau khi sản phẩm thuốc lá được đóng thành bao thuốc lá và trước khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ trong nước.

Đối với rượu sản xuất trong nước: tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu (bao gồm giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước, phải thực hiện dán tem điện tử đúng quy định cho sản phẩm rượu sản xuất tại địa điểm sản xuất sau khi rượu được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước.

Doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu có trách nhiệm lập, đăng ký kế hoạch sử dụng tem điện tử trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan trước ngày 30/4 của năm liền trước năm kế hoạch phù hợp với nhu cầu sử dụng tem điện tử. 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác