Chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2020
Đăng ngày 15-12-2020 08:17, Lượt xem: 342

Phạt nặng các hành vi trốn thuế; Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; Quy định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Phạt đến 10 triệu đồng các trường hợp làm mất hóa đơn; Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản… là những chính sách nổi bật về doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 12/2020.

Phạt nặng các hành vi trốn thuế

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn.

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 đến 3 lần số thuế trốn đối với hành vi trốn thuế khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.

- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

- Không lập hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ, sử dụng hoá đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hoá đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.

- Sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.

- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định này.

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền lên đến 25 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế. 

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2020, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Theo đó, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất, tái nhập dưới 30 ngày; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất, tái nhập từ 30 ngày trở lên.

Đối với hành vi không tái xuất phương tiện vận tải tạm nhập là ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi (được xác định căn cứ giấy đăng ký lưu hành phương tiện hoặc thực tế kiểm tra phương tiện) đúng thời hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất dưới 30 ngày; phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng trong trường hợp quá thời hạn tái xuất từ 30 ngày trở lên.

Đối với vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan. Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan; không cung cấp hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 40 – 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo; sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng bất hợp pháp tài khoản đăng nhập, chữ ký số được cấp cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện thủ tục hải quan; truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan; bán tại cửa hàng miễn thuế loại hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa chưa được phép phổ biến, lưu hành tại Việt Nam theo quy định.

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2020 và thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Quy định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó nêu rõ tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau:

a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;

b) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;

c) Quy định tại điểm a không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);

Nghị định số 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Nghị định số 68/2020/NĐ-CP và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. 

Phạt đến 10 triệu đồng các trường hợp làm mất hóa đơn

Theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn, trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ sẽ bị phạt từ 3 triệu - 5 triệu đồng.

Phạt từ 4 triệu - 8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP cũng quy định mức phạt từ 5 triệu - 10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên…

Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản 

Từ ngày 01/12/2020, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực. Theo đó, có nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh.

Đặc biệt, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng, bao gồm: Giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm, phụ trương, giấy phép xuất bản chuyên trang, giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền….; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

Ngoài các hình thức xử phạt quy định trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

– Buộc cải chính, xin lỗi;

– Buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật;

– Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; buộc gỡ bỏ chương trình phát thanh, chương trình truyền hình…

– Buộc thu hồi tên miền, địa chỉ Internet (IP).

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về trường hợp cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng nếu không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; không thông báo cho các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi hoặc cải chính,…

Trường hợp không cải chính, xin lỗi theo quy định; không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trên báo chí thì cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền 10 – 20 triệu đồng.

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020 và thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP  ngày 12/11/2013 của Chính phủ. 

KHÁNH VÂN

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác