Chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 12/2020
Đăng ngày 15-12-2020 08:17, Lượt xem: 156

Có thể buộc thôi việc đối với công chức kê khai tài sản không trung thực; Quy định mới về cách xếp lương viên chức ngành công nghệ thông tin; Những điểm mới trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Quy định về xếp lương viên chức là phát thanh viên; Viên chức là giảng viên đại học hạng III phải có bằng thạc sĩ trở lên… là những chính sách nổi bật về công dân có hiệu lực từ tháng 12/2020.

Có thể buộc thôi việc đối với công chức kê khai tài sản không trung thực

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo đó, từ ngày 20/12/2020, người có nghĩa vụ kê khai tài sảnmà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 Luật Phòng chống tham nhũng 2018. Một trong những hình thức kỷ luật áp dụng trong trường hợp này là buộc thôi việc. Việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm là việc người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó.

Trên cơ sở công khai, hằng năm cơ quan đơn vị xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập do thanh tra hoặc đơn vị phụ trách tổ chức cán bộ thực hiện. Việc thực hiện xác minh sẽ trên cơ sở lựa chọn ngẫu nhiên, đảm bảo tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm, trong đó có ít nhất 1 người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.

Cũng theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, người có nghĩa vụ kê khai tài sản mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.

Quy định mới về cách xếp lương viên chức ngành công nghệ thông tin

Có hiệu lực từ ngày 12/12/2020, Thông tư số 29/2020/TT-BTTTT hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin. 

Theo đó, chức danh an toàn thông tin hạng I, quản trị viên hệ thống hạng I, kiểm định viên công nghệ thông tin hạng I, phát triển phần mềm hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

Chức danh an toàn thông tin hạng II, quản trị viên hệ thống hạng II, kiểm định viên công nghệ thông tin hạng II, phát triển phần mềm hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Chức danh an toàn thông tin hạng III, quản trị viên hệ thống hạng III, kiểm định viên công nghệ thông tin hạng III, phát triển phần mềm hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Chức danh quản trị viên hệ thống hạng IV, phát triển phần mềm hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau: Trường hợp khi được tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, bảng lương viên chức loại A1; Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, bảng lương viên chức loại A1; Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, bảng lương viên chức loại A1;

Những điểm mới trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. 

Theo đó, từ ngày 01/12/2020, 03 nhóm đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức: 

- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

- Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

Cũng theo Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, miễn thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau:

+ Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển. Nếu vị trí thi tuyển yêu cầu công chức trình độ chuyên môn là trung cấp thì người có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ có trình độ từ trung cấp trở lên sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Đây là điểm mới so với Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP quy định phải có “bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ” mới được miễn thi.

+ Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.

Nghị định số 138/2020/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về việc người tập sự, nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.

Quy định về xếp lương viên chức là phát thanh viên

Theo Thông tư số 30/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền về hướng dẫn bổ nhiệm, xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim, từ 12/12/2020, các chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim được xếp lương theo 4 hạng như sau:

- Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng I, phát thanh viên hạng I, kỹ thuật dựng phim hạng I, quay phim hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2) có 6 bậc, từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.

- Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng II, phát thanh viên hạng II, kỹ thuật dựng phim hạng II, quay phim hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

- Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng III, phát thanh viên hạng III, kỹ thuật dựng phim hạng III, quay phim hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

- Chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng IV, phát thanh viên hạng IV, kỹ thuật dựng phim hạng IV, quay phim hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Sau khi tuyển dụng, hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:  Trường hợp khi được tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 bảng lương viên chức loại A1;  Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, bảng lương viên chức loại A1; Trường hợp khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, bảng lương viên chức loại A1; Trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp âm thanh viên hạng IV, phát thanh viên hạng IV, kỹ thuật dựng phim hạng IV, quay phim hạng IV: Khi được tuyển dụng có trình độ đào tạo cao đẳng chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06; có trình độ đào tạo trung cấp chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, bảng lương viên chức loại B.

Viên chức là giảng viên đại học hạng III phải có bằng thạc sĩ trở lên

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Theo đó, từ ngày 12/12/2020, giảng viên hạng III các trường đại học công lập phải có tiêu chuẩn, trình độ như sau:

- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

+ Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy. Theo quy định cũ tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV quy định có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy.

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày ngày 12/12/2020. Tại Thông tư liên tịch 36/2014 TTLT-BGDĐT-BNV chỉ quy định có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên.

- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

+ Nắm vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công giảng dạy; có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;

+ Hiểu và thực hiện đúng mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc chuyên ngành đào tạo. Xác định được thực tiễn và xu thế phát triển đào tạo, nghiên cứu của chuyên ngành ở trong và ngoài nước;

+ Sử dụng có hiệu quả và an toàn các phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy học. Có phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với nội dung môn học; giảng dạy đạt yêu cầu trở lên;

+ Có khả năng nghiên cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào giảng dạy và các công việc được giao;

+ Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ trong thực hiện các nhiệm vụ của chức danh giảng viên (hạng III).

Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT cũng quy định về cách xếp lương đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy. Theo đó, giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 - 8,00; Giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 - 6,78; Giảng viên (hạng III), trợ giảng (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 -4,98.

MINH ANH
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác