Đề nghị HĐND thành phố thông qua các chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản
Đăng ngày 10-05-2019 09:28, Lượt xem: 656

UBND thành phố vừa qua đã có văn bản đề nghị Thường trực HĐND cho chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ giai đoạn 2019-2025. Dự kiến, Kỳ họp HĐND thành phố vào giữa năm 2019 sẽ xem xét thông qua các chính sách này. Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu những nội dung chủ yếu của các chính sách nêu trên. 

Tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2019, tại thành phố Đà Nẵng có 1246 tàu cá (không kể thúng chai gắn máy) có tổng công suất 389.229,9 cv, công suất bình quân 312,3 cv/tàu. Trong đó có 670 tàu cá có công suất từ 90cv trở lên. Đây là kết quả của  chính sách phát triển thủy sản do UBND thành phố ban hành từ năm 2012 đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần lớn trong chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố.     

Năm 2012, cơ cấu tàu thuyền tại thành phố Đà Nẵng chủ yếu là các tàu cá công suất nhỏ, khai thác ở vùng biển ven bờ, vùng lộng và đa số là các tàu cũ đã sử dụng nhiều năm nên năng lực khai thác hải sản còn nhiều hạn chế. Nhờ cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác của chính quyền thành phố, sau 07 năm triển khai thực hiện, đã có 142 tàu cá xa bờ được đóng mới góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền của thành phố theo hướng bền vững, giảm số lượng tàu công suất dưới 90cv khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng mạnh số lượng tàu từ 90cv trở lên khai thác ở vùng khơi, đồng thời giảm mạnh các nghề khai thác cấm, hủy diệt nguồn lợi thuỷ sản (lưới kéo đôi, kéo đơn), tăng các nghề khai thác vùng khơi có hiệu quả kinh tế và không gây cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản (lưới rê cước, rê chuồn, lưới vây) phù hợp với định hướng phát triển thủy sản của Chính phủ và thành phố Đà Nẵng.

 Tuy vậy, đến nay, một số chính sách theo quy định của Luật Thủy sản và Nghị định của Chính phủ đã có sự điều chỉnh như chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu đã giảm từ 70%  hoặc 90% (theo Nghị định 67/2014/NĐCP) còn 50% (theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP  Mặt khác theo quy định của Luật Thủy sản 2017 thì tàu cá được cấp giấy phép khai thác hải sản là phải có thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên đến nay toàn bộ tàu cá của Đà Nẵng chưa trang bị thiết bị giám sát hành trình, ngư dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí lắp đặt. Việc tìm kiếm lao động đi biển đối với các tàu cá Đà Nẵng ngày càng khó khăn do thu nhập của nghề biển không ổn định và thấp hơn các công việc khác trên bờ, môi trường làm việc có tính rủi ro cao nên lao động bỏ nghề nhiều. Sản lượng đánh bắt của tàu cá không ổn định, giá trị khai thác hải sản còn thấp do chất lượng bảo quản sản phẩm không đồng đều, tỷ lệ hao hụt của sản phẩm sau thu hoạch cao (từ 20-30%), việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm, tránh đâm va cho tàu cá hoạt động trên biển và giảm chi phí vận hành, giảm sức lao động trực tiếp của ngư dân,… còn hạn chế do ngư dân thiếu vốn để trang bị đồng bộ.

 Trên cơ sở rà soát quy định trong chính sách của Trung ương và thành phố về khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, nhất là các giải pháp hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, gia tăng sản lượng, chất lượng, giá trị khai thác, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; căn cứ tình hình thực tế của địa phương về phát triển kinh tế thủy sản bền vững…UBND thành phố đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng thông qua ban hành chính sách mới hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phù hợp với giai đoạn phát triển thủy sản trong những năm tiếp theo. Các chính sách được đề xuất bao gồm:

- Chính sách 1: Hỗ trợ thêm 40% phí mua bảo hiểm thân tàu cho tàu cá khai thác hải sản xa bờ hoặc làm dịch vụ khai thác hải sản xa bờ ngoài mức hỗ trợ 50% của Trung ương theo quy định. 

- Chính sách 2: Hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và kinh phí thuê bao năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi, chủ tàu phải tự trả kinh phí thuê bao.

- Chính sách 3: Hỗ trợ 50% chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch như: hầm bảo quản, hầm lạnh, hệ thống lạnh.

 Cụ thể nội dung chính sách chủ yếu trong dự thảo như sau

Chính sách Hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu

Chính sách này được thực hiện từ  vốn ngân sách thành phố nhằm khuyến khích các chủ tàu tham gia mua bảo hiểm thân tàu; tạo sự an tâm cho ngư dân bám biển sản xuất, đảm bảo an toàn cho phương tiện và giúp chủ tàu có điều kiện khôi phục sản xuất trong trường hợp bị tai nạn, rủi ro.

- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản hoặc dịch vụ khai thác hải sản ngoài mức hỗ trợ 50% theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

- Điều kiện nhận hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là chủ tàu) được hỗ trợ có tàu cá phải có công suất từ 90cv trở lên, phải là thành viên của Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, hoặc thành viên Tổ hợp tác, hoặc thành viên Hợp tác xã, hoặc thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập theo quy định hiện hành hoạt động khai thác hải sản hoặc dịch vụ khai thác hải sản; Chủ tàu đã ký hợp đồng mua bảo hiểm và được doanh nghiệp bảo hiểm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm thân tàu.

 Hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình

Việc thực hiện chính sách này sẽ tạo điều kiện cho ngư dân chủ động trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ tàu cá hoạt động ở vùng biển xa bờ trước ngày 01 tháng 4 năm 2020 đúng theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và hỗ trợ cho cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương chủ động giám sát hành trình tàu cá.  Đảm bảo việc kết nối, truyền dẫn thông tin đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá của Trung ương và địa phương.

Việc thực hiện chính sách này cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương chủ động giám sát hành trình tàu cá làm căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý các tranh chấp nghề cá trên biển, xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhiên liệu chuyến biển; khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định.

Nội dung chính sách

- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100%  kinh phí để mua thiết bị giám sát hành trình và kinh phí thuê bao năm đầu tiên tính từ thời điểm kết nối thiết bị phục vụ trong khai thác hải sản, dịch vụ khai thác hải sản.

- Điều kiện nhận hỗ trợ:

+ Các chủ tàu) được hỗ trợ có tàu cá phải có công suất từ 90cv trở lên và chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, phải là thành viên của tổ đoàn kết sản xuất trên biển, hoặc thành viên Tổ hợp tác, hoặc thành viên Hợp tác xã, hoặc thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập theo quy định hiện hành hoạt động khai thác hải sản hoặc dịch vụ khai thác hải sản;

+ Trước khi thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chủ tàu phải báo cho Chi cục Thủy sản biết để theo dõi, đồng thời cử đại diện của đơn vị giám sát trong quá trình triển khai thực hiện;

+ Thiết bị giám sát hành trình chủ tàu đề nghị hỗ trợ phải thiết bị mới, có chức năng phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nằm trong danh mục các thiết bị giám sát hành trình được UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ;

+ Chủ tàu phải cam kết bật thiết bị giám sát hành trình theo quy định, sử dụng trong thời gian tối thiểu là 05 năm (60 tháng) kể từ ngày nhận được chính sách hỗ trợ của thành phố, trường hợp bán tàu ra ngoài thành phố Đà Nẵng hoặc không bật thiết bị giám sát hành trình thì phải trả lại thiết bị đã nhận hỗ trợ cho thành phố.

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần sau đầu tư, sau khi đã hoàn thành các thủ tục theo quy định.

 Hỗ trợ máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản

Chính sách này tập trung hỗ trợ tàu cá khai thác hải sản và dịch vụ khai thác hải sản đầu tư trang bị máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm chi phí chuyến biển, giảm thiểu sức lao động trên tàu cá.

Nội dung chính sách

- Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% kinh phí để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản.

Tàu cá có thể đăng ký hỗ trợ nhiều thiết bị trong một lần hoặc nhiều lần trong  giai đoạn từ 2019 đến 2025 nhưng tổng mức hỗ trợ tối đa một lần hoặc cộng dồn không quá 500 triệu đồng/01 tàu.

- Điều kiện nhận hỗ trợ:

+ Tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là chủ tàu) được hỗ trợ có tàu cá phải có công suất từ 90cv trở lên, phải là thành viên của tổ đoàn kết sản xuất trên biển, hoặc thành viên Tổ hợp tác, hoặc thành viên Hợp tác xã, hoặc thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập theo quy định hiện hành hoạt động khai thác hải sản hoặc dịch vụ khai thác hải sản (trừ tàu cá hoạt động nghề lưới kéo);

+ Trước khi thực hiện lắp đặt máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản; máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm chủ tàu phải báo cho Chi cục Thủy sản biết để theo dõi, đồng thời cử đại diện của đơn vị giám sát trong quá trình triển khai thực hiện;

+ Chiều dày Polyurethane phun hầm bảo quản sản phẩm lớn hơn hay bằng 12cm;

+  Các loại máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản chủ tàu đề nghị hỗ trợ phải là máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

+ Chủ tàu phải cam kết sử dụng, bảo quản máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản được lắp đặt trên tàu trong thời gian tối thiểu là 05 năm (60 tháng) kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của thành phố.

- Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần sau đầu tư, sau khi đã hoàn thành các thủ tục theo quy định.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục được hưởng chính sách hỗ trợ

a) Đơn đề nghị hỗ trợ chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ có xác nhận của UBND phường/xã nơi chủ tàu có hộ khẩu thường trú về các nội dung đề nghị hỗ trợ trong Đơn của chủ tàu (Mẫu đơn đề nghị hỗ trợ theo Phụ lục 1);

b) Bản sao đính kèm bản chính để được đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân của chủ tàu (đối với cá nhân); Bản sao đính kèm bản chính để được đối chiếu của việc thành lập tổ chức và giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân của người đại diện tổ chức (đối với tổ chức).

c) Bản sao đính kèm bản chính để được đối chiếu các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản (đối với tàu khai thác hải sản); Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với tàu Dịch vụ khai thác thủy sản).

d) Ngoài các thành phần hồ sơ tại Điểm a,b,c khoản này, chủ tàu đề nghị hỗ trợ theo nội dung hỗ trợ nào phải nộp các giấy tờ tương ứng với nội dung hỗ trợ đó, cụ thể: 

- Đối với máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản: Hợp đồng, bảng quyết toán về tổng mức đầu tư của đơn vị thi công cung cấp và các hóa đơn, chứng từ thanh toán tiền mua mới máy móc, trang thiết bị, lắp đặt.

- Đối với thiết bị giám sát hành trình: Hợp đồng, kèm theo các hóa đơn, chứng từ thanh toán tiền mua mới thiết bị giám sát hành trình, tiền thuê bao năm đầu tiên, trang thiết bị, lắp đặt.

- Đối với hỗ trợ phí bảo hiểm thân tàu: Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cấp cho chủ tàu.

đ) Biên bản nghiệm thu sản phẩm được lắp đặt (thành phần nghiệm thu bao gồm: chủ tàu; đơn vị thi công lắp đặt; đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Sở Tài chính; Chi cục Thủy sản; Trung tâm Khuyến ngư Nông Lâm; đại diện UBND phường và phòng Kinh tế (hoặc phòng kinh tế hạ tầng) của quận/huyện nơi chủ tàu thường trú hoặc đặt trụ sở chính)).

Trình tự và thủ tục hỗ trợ

a) Chủ tàu gửi hồ sơ (01 bộ) đề nghị hỗ trợ đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy sản nơi đăng ký tàu cá).

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ của chủ tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt số tiền hỗ trợ cho chủ tàu.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định phê duyệt số tiền hỗ trợ cho chủ tàu.

d) Sau khi có Quyết định hỗ trợ kinh phí của UBND thành phố, Chi cục Thủy sản thông báo và hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân việc nhận kinh phí hỗ trợ tại Kho bạc nhà nước Đà Nẵng.

 Dự kiến nguồn lực kinh phí thực hiện các chính sách nêu trên trong giai đoạn 2019 - 2025: 165.480.000.000 đồng (một trăm sáu mươi lăm tỷ bốn trăm tám mươi triệu đồng) từ ngân sách của thành phố Đà Nẵng. Trong đó:  

Chính sách bảo hiểm thân tàu cho 700 tàu là 64.680.000.000 đồng.

Chính sách hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình cho 550 tàu là 30.800.000.000 đồng. Theo dự kiến toàn bộ 550 tàu sẽ được hoàn thành lắp đặt trước ngày 01/01/2020.

Chính sách về hỗ trợ máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm; máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản cho 140 tàu cá trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm và máy, thiết bị dùng trong khai thác hải sản là 70.000.000.000 đồng.

CỔNG TTĐT

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác