Nghiên cứu chính sách giải tỏa, đền bù vì lợi ích của người dân
Sau gần 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có sự thay đổi ngoạn mục về diện mạo đô thị. Kinh nghiệm và những bài học về giải tỏa đền bù của thành phố đã được Trung ương đánh giá cao, nhiều địa phương đến trao đổi, học tập. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ấy đã xuất hiện nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế đòi hỏi thành phố phải có sự thay đổi, điều chỉnh tích cực để đáp ứng xu thế phát triển bền vững của thành phố. Ngày 11-3, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm đưa ra những giải pháp để triển khai công tác này tốt hơn trong thời gian đến. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.

 Chính sách cần phù hợp với thực tế
 
 Ngay trong thời gian đầu khi vừa chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào ngày 1-1-1997, Đà Nẵng đã đẩy mạnh đô thị hóa trên tất cả các phường, xã của 7 quận, huyện. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, được lựa chọn là chủ đề của nhiều năm liên tiếp “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư”. Tính đến nay, thành phố đã triển khai 536 dự án, gần 120 nghìn hộ giải tỏa, đã giải quyết bố trí tái định cư hơn 30 nghìn lô đất và chung cư, tổng giá trị đền bù được phê duyệt là 13.740 tỷ đồng.
 
 Để đạt được con số khổng lồ trên là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo với nhiều cách làm hay, mạnh dạn đột phá tạo cơ chế chính sách phù hợp, đáp ứng được tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị; và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động thuyết phục, tạo được lòng tin và được sự ủng hộ của nhân dân thành phố.
 
 Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn xuất phát từ thực tế triển khai các dự án, những kiến nghị được người dân đặt ra, yêu cầu thành phố phải có những thay đổi phù hợp. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có những vướng mắc do một số văn bản quy định chưa phù hợp, chính sách về các vấn đề này cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, không nên tập trung hỗ trợ tiền mà cần có các cơ chế, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cụ thể để giúp các hộ nghèo vượt được nghèo, người lao động nông nghiệp có điều kiện chuyển nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
 
 Ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đề nghị cần xem xét chính sách bồi thường đất trồng rừng. Tại Hòa Vang có rất nhiều hộ gia đình tham gia trồng rừng nhưng khi thu hồi lại chỉ được hỗ trợ chứ không bồi thường, điều này gây thiệt thòi cho người dân. Ông Thương cũng đề nghị xem xét việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho từng loại đất nông nghiệp khác nhau, ví dụ đất rừng sản xuất, cây trồng lâu năm là 1,5 lần đơn giá đền bù, đất nuôi trồng thủy sản là 2,5 lần, đất trồng lúa là 3 lần. Hiện Đà Nẵng mới chỉ áp dụng hệ số 1,5 lần cho tất cả các loại đất. Chính sách đền bù mồ mả cũng chưa hợp lý khi người dân xây một ngôi mộ hết từ 15-20 triệu đồng, nhưng khi bồi thường di dời thì chưa đến 5 triệu đồng. Đối với đất công ích của xã, phường, ông Thương cho rằng thành phố chưa xem xét quyền lợi của chính quyền sở tại. Ông đề xuất đất nông nghiệp do xã, phường quản lý chưa giao hộ gia đình, cá nhân sử dụng thì được hỗ trợ 100% (bằng mức đền ù), tiền hỗ trợ này sẽ được nộp vào ngân sách xã và được sử dụng vào mục đích đầu tư theo quy định. Đối với đất do xã, phường quản lý đã giao cho hộ gia đình, cá nhân canh tác thì được hỗ trợ 100%, trong đó hộ gia đình, các nhân sử dụng trực tiếp được hỗ trợ 60% và 40% nộp vào ngân sách xã.
 
 Giảm phiền hà cho người dân
 
 Đối với công tác bố trí đất tái định cư, lãnh đạo các địa phương đề nghị UBND TP chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xác định quỹ đất và công khai sơ đồ, danh sách tại địa phương để tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến bốc thăm. Theo phản ánh của nhiều người dân, việc bốc thăm lô hiện nay chưa được đồng tình vì cho rằng người chấp hành tốt cũng như người chây ì, tính minh bạch về số lô được đưa ra để bốc thăm không giám sát được, quy trình nhiêu khê, thời gian chờ đợi, đi lại rất nhiều.
 
 Về việc này, đại diện lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang kiến nghị thành phố cần có chính sách ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, hộ gia đình chính sách. Bên cạnh đó, đại diện các địa phương cũng đề nghị cần giảm bớt các thủ tục hành chính, có sự tư vấn, thông báo rõ các loại giấy tờ để nhận tiền đền bù, bố trí tái định cư để người dân không phải đi lại nhiều lần.
 
 Đề xuất giải pháp khắc phục các hạn chế trên, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, phụ trách đền bù giải tỏa, cho rằng các dự án mới triển khai cần tiến hành phối hợp với chính quyền xã, phường tổ chức chi trả tại địa phương để nhân dân giảm đi lại; các dự án chi hết tiền đền bù, còn lại phần bổ sung, hỗ trợ, hàng tuần chi tại xã, phường 1 lần. Nếu hộ khó khăn đi lại thì phối hợp với xã, phường đem đến tận nhà chi trả cho người dân. Đối với nhân viên chi trả, làm thủ tục trình cấp GCN QSDĐ phải có phiếu hướng dẫn ghi rõ nội dung còn thiếu, không nói miệng lúc thiếu thủ tục này, lúc thiếu thủ tục kia gây bức xúc cho người dân; không bắt người dân đi sao lục, chứng thực nhiều lần; làm xong giấy GCN QSDĐ thì chuyển đến nhà cho người dân.
 
 Bên cạnh đó, trong thực tế nhiều dự án triển khai yêu cầu dân sớm bàn giao mặt bằng nhưng quỹ đất tái định cư lại chưa bảo đảm, việc bố trí tái định cư còn chậm; một số dự án thi công cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, nước thiếu đồng bộ gây khó khăn cho đời sống người dân.
 
 Bên cạnh những vướng mắc, bất cập về chính sách, thủ tục thì con người cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết công việc, tạo sự hài lòng, đồng thuận của người dân. Ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị thành phố từng bước sắp xếp lại đội ngũ làm công tác đền bù, giải tỏa chuyên nghiệp, chính quy, có trách nhiệm, đạo đức; kiên quyết loại trừ những cá nhân, phần tử có biểu hiện không tốt đối với nhân dân. “Trong thời gian qua không ít cán bộ của các đơn vị giải tỏa đền bù đã làm phiền lòng nhân dân như sách nhiễu, nhiêu khê, thái độ phục vụ thiếu lễ phép, có những biểu hiện tiêu cực. Tôi xin thành thật xin lỗi nhân dân.” – ông Tiến nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị.

 Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Văn phòng UBND TP ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Sở Tài nguyên môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất và các đơn vị, địa phương, đồng thời phối hợp với các đơn vị này tham mưu các giải pháp chính sách giải tỏa, đền bù vì lợi ích của người dân, trình UBND TP phê duyệt. Đối với việc chi trả tiền đền bù, giao Sở Tài chính chủ trì, xây dựng quy trình minh bạch, rút gọn nhằm giải quyết nhanh cho người dân.
 
 Nhấn mạnh vấn đề phối hợp trong công tác giải tỏa, đền bù, Phó Chủ tịch yêu cầu cán bộ các đơn vị phải đi thực tế thường xuyên, làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, người dân để kịp thời xử lý các vướng mắc, đề xuất phát sinh; phân công cán bộ phụ trách xuyên xuốt, tránh tình trạng giao nhiều người thay nhau tham dự các cuộc họp dẫn đến không nắm được vấn đề cụ thể. Các đơn vị phải tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để giải quyết các vướng mắc ngay tại cơ sở, giải quyết tốt, kịp thời các phát sinh, hạn chế tình trạng khiếu kiện. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch cũng thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng về phương án điều chỉnh hệ số đơn giá nhà ở, công trình là 126,43%, vật kiến trúc là 182,79%. Riêng đối với bồi thường hoa màu, vật nuôi, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra đề xuất cụ thể, giao Sở Tài chính thẩm định, trình UBND TP sớm phê duyệt.

 NGỌC THỦY

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác