Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản
Đăng ngày 03-10-2023 08:41, Lượt xem: 87

UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 21-9-2023 triển khai thực hiện Quyết định số 643/QĐ-TTg ngày 5-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành thủy sản được rà soát, sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển thủy sản bền vững. Các quy hoạch, chương trình, đề án, dự án thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được phê duyệt, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản của thành phố được kiện toàn, tổ chức, sắp xếp phù hợp với quy định của pháp luật liên quan yêu cầu và nhu cầu quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, địa vị pháp lý và tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại thành phố được xác định, củng cố, tăng cường để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản xuất khẩu; xây dựng và thực thi quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản; kiểm ngư địa phương được thành lập, kiện toàn theo Luật Thủy sản năm 2017 và Luật tổ chức chính quyên địa phương.

Đến năm 2025, phân cấp quản lý nhà nước về thủy sản giữa các cơ quan, đơn vị ở thành phố với cấp quận, huyện được thực hiện triệt để, rõ ràng, minh bạch theo hướng một đơn vị chịu trách nhiệm và thực hiện nhiều nhiệm vụ. Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản được tăng cường về số lượng và chất lượng; có kỹ năng và kiến thức thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm. Cơ quan quản lý thủy sản thuộc UBND quận, huyện ưu tiên bố trí ít nhất 1 biên chế có chuyên môn đào tạo về thủy sản để theo dõi và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Công nghệ thông tin và chuyển đổi số được ứng dụng vào các hoạt động quản lý nhà nước ngành thủy sản để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành được thông suốt, kịp thời, hiệu quả.

Đến năm 2030, quản lý nhà nước về thuỷ sản được tổ chức theo các mô hình tiên tiến phù hợp với nghề cá quy mô lớn, công nghiệp, hiện đại để thúc đẩy phát triển sản xuất bến vũng. Nguồn nhân lực quản lý nhà nước về thủy sản đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; 100% công chức quy hoạch lãnh đạo được cử đi đào tạo lý luận chính trị, ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Công tác luân chuyển, biệt phái công chức quản lý được tăng cường để đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện thực tiễn. Đồng thời, quản lý nhà nước về thủy sản dựa trên công nghệ thông tin và chuyển đổi số để đáp ứng với nhu cầu phát triển nghề cá quy mô lớn, công nghiệp, hiện đại ở tất cả các lĩnh vực trong ngành. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản đã xây dựng được cập nhật thường xuyên và tích hợp để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

Để thực hiện những mục tiêu trên, những nhiệm vụ chính cần thực hiện gồm: hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý - kỹ thuật về thủy sản; kiện toàn, củng cố cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan quảu lý nhà nước về thủy sản; phân cấp quản lý nhà nước về thủy sản; phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về thủy sản; áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản.

Bên cạnh đó, tăng cường và đổi mới hình thức, phương pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành thủy sản phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai hợp tác với các doanh nghiệp, tô chức trong và ngoài nước có liên quan trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, thương mại thủy sản để phục vụ quản lý, sản xuất. Đổi mới hình thức kiểm soát, giám sát các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý, sản xuất.

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này; đề xuất, trình UBND thành phố quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền; bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong từng thời kỳ; đánh giá tình hình thực hiện; định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai thục hiện về UBND thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định,;tham mưu tổ chức sơ kết vào năm 2025 và tổng kết vào năm 2030.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến tại các Trạm kiểm soát Biên phòng. Xử phạt các trường hợp tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện Kế hoạch và phân bổ nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án, đề án đầu tư phát triển ngành thủy sản, bố trí nguồn vốn lồng ghép để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch; triển khai thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khác có liên quan triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuỷ sản theo quy định. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thủy sản, ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số... phục vụ công tác quản lý, sản xuất thủy sản.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện căn cứ các nhiệm vụ được giao xây dựng Kế hoạch tại đơn vị đảm bảo kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành; tổ chức sắp xếp, kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản tại địa phương theo quy định. Thanh tra, kiểm tra, giám sát về thực thi pháp luật và quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương theo phân cấp quản lý. Đồng thời, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác