Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em
Đăng ngày 31-05-2023 15:08, Lượt xem: 519

"Để phát triển toàn diện thể chất và tinh thần của trẻ em, trong thời gian đến, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Trẻ em; các Ban của HĐND thành phố cần phát huy trách nhiệm của người đại biểu, thưởng xuyên theo dõi, giám sát giải quyết kiến nghị liên quan đến trẻ em... Mục tiêu đến năm 2025, 30% trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp, 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em; tỷ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30%," Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn đối thoại của lãnh đạo thành phố với trẻ em năm 2023 do HĐND, UBND thành phố tổ chức ngày 31-5.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi phát biểu

Trẻ em đóng góp ý kiến xây dựng thành phố

Trong những năm qua, thành phố luôn chú trọng đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách chăm lo đời sống, an sinh xã hội thiết thực cho trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi về mặt học tập, vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần. 

Các chính sách về bảo hiểm y tế cho trẻ em; việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng dân tộc thiểu số...đã được thành phố cụ thể hóa qua các chương trình, kế hoạch, như: Kế hoạch triển khai thi hành Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em trên địa bàn thành phố; Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2019-2025; Kế hoạch thực hiện mục tiêu Chương trinh “Không có học sinh bị bạo hành, xâm hại trong nhà trường; học sinh bỏ học, bị đuối nước” trên địa bàn thành phố đến năm 2025; Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”... và một số chương trình, kế hoạch khác có tác động tích cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trên địa bàn thành phố; góp phần tạo điều kiện thuận lợi về mặt học tập, vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho trẻ em.

Các em thiếu nhi bày tỏ quan điểm, nhận định của mình đối với các vấn đề trên địa bàn thành phố

Tại diễn đàn, 21 em học sinh tham gia phát biểu với nhiều ý kiến, các em đã bày tỏ nhiều mong muốn về các vấn đề như: cần có diễn đàn mạng xã hội an toàn cho trẻ em; các hỗ trợ về dinh dưỡng để tăng thể trạng, thể lực ở trẻ em (đặc biệt là trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc, vùng ven của thành phố); các biện pháp phòng, chống vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên; đa dạng hoá các loại sách và hình thức đọc sách nhằm khuyến khích việc đọc sách trong trẻ em; việc tăng cường hoạt động giảng dạy ngoại khoá; tư vấn tuyển sinh vào lớp 10; việc đầu tư thiết chế văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em tại tại cộng đồng và các cơ sở trợ giúp trẻ em.

Nhiều em học sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về vấn đề thông tin truyền thông, an toàn mạng, cụ thể đó là việc sử dụng mạng an toàn, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; các giải pháp quản lý, ngăn ngừa, xử lý việc đăng tải, phát tán, chia sẻ các clip có tính kích động bạo lực.

Theo em Trần Đỗ Phương Anh, học sinh trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà: "Hiện nay, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng với nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng: trộm cắp, sử dụng hung khí cố ý gây thương tích, cướp giật, sử dụng xe gắn máy gây tai nạn giao thông... gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của xã hội." Do đó, thành phố cần có biện pháp răn đe, ngăn chặn để giảm thiểu tình trạng này.

Đồng thời, thành phố cần phát triển các diễn đàn trên nền tảng mạng dành cho thanh thiếu nhi giao lưu, kết nối, chia sẻ, học hỏi và có cơ hội tham gia hoạt động quảng bá về thành phố, xây dựng thành phố. Thông qua đó, góp phần định hướng cho trẻ em có tư tưởng vững vàng, lành mạnh, hành động đúng đắn đối với các trò chơi online, phòng tránh nghiện game, xa rời đời sống thực.

Trả lời câu hỏi của em Nguyễn Thị Quỳnh Ni, học sinh Trường THCS Đức Trí, quận Hải Châu về các chính sách hỗ trợ học sinh bị mắc bệnh hiểm nghèo, đại diện Sở Lao động Thương bình và Xã hội cho biết, thành phố hiện nay có các chính sách trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho trẻ em bị mắc bệnh ung thư, suy thận mãn, chạy thận nhân tạo; hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo cũng như các chi phí khám, phẫu thuật thanh toán phần còn lại của chi phi khám bệnh có liên quan đến phẫu thuật. Trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì chính quyền địa phương vận động nguồn lực xã hội hóa củng tham gia hỗ trợ các em.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao đổi về việc chăm sóc thiếu nhi sống trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, phát triển các hoạt động kỹ năng xã hội cho thiếu nhi

Tại diễn đàn, các em cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc thay đổi tâm lí trước thực trạng bạo lực gia đình, bạo lực tinh thần trong gia đình; đề xuất xây dựng kênh thông tin chia sẻ, tư vấn về bạo lực gia đình, việc chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng, tư vấn tâm lý và giáo dục giới tính.

Em Trương Ngọc, học sinh trường Tiểu học số 2 Hoà Liên bày tỏ: "Em nhận thấy những vụ xâm hại trẻ em hiện nay thường ít khi do người xa lạ mà do những người gần gũi với trẻ em gây ra. Các bạn phòng tránh, cảnh giác rất nhiều với những người xa lạ nhưng lại không có nhiều khả năng tránh những tiếp xúc với người thân. Em mong muốn các cô chú, anh chị, thầy cô giáo quan tâm đến những bạn có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, ba mẹ đơn thân, tái hôn, người lớn có tiền sử sử dụng bạo lực, vi phạm pháp luật, người lớn trong nhà bị bệnh tâm lý... Và những cô chú ở xung quanh các gia đình như vậy có thể thường xuyên quan tâm, chú ý hơn đến các bạn để có thể giúp đỡ các bạn kịp thời. Những người bạn có hoàn cảnh đặc biệt này có thể có được những sự trợ giúp nào trong và ngoài nhà trường để có thể một nơi tin cậy chia sẻ những vấn đề về tâm lý."

Chia sẻ tại diễn đàn, các em cũng mong muốn sự thay đổi về kỹ năng, cách thức của cha mẹ, gia đình trong cách thức quan tâm, chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và giáo dục trẻ em phù hợp với tình hình hiện nay; cũng như trước tình trạng quá tải trong chương trình học tập mới và những áp lực trong quá trình học hành, thi cử.

Kịp thời giải quyết vướng mắc, đưa ra những định hướng, kế hoạch hành động vì trẻ em

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đề xuất của các em học sinh, để góp phần hoạch định, xây dựng các chương trình, chính sách thật sự thiết thực, nhân văn và tiến bộ vì trẻ em, hưởng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - thành phố thân thiện với trẻ em.

"Các em đã có tinh thần, trách nhiệm trong quan sát, suy nghĩ, nhận thức để đưa ra nhiều ý kiến, phát hiện, đề xuất rất mới, sát với tình hình thực tế. Thông qua những ý kiến này, có thể nhận thấy, các em đã biết quan tâm, trăn trở, tư duy đến nhiều vấn đề, không chỉ là những vấn đề liên quan trực tiếp đến các em, mà cả những vấn đề nhằm xây dựng hình ảnh một thành phố Đà Nẵng đáng sống, hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - thành phố thân thiện với trẻ em," Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nói.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đề nghị các tổ chức chính trị, đoàn thể tiếp tục thực hiện việc lấy ý kiến trẻ em, thuyết minh cho trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động có liên quan đến trẻ em. Tổng hợp, gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em và theo dõi việc trả lời các ý kiến, kiến nghị theo Điều 52, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Trẻ em.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi tặng quà cho các em tham dự Diễn đàn

Riêng đối với 09 nhóm vấn đề mà các em quan tâm bày tỏ tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đối với những việc chưa làm được, hoặc những đề xuất, ý tưởng mới, giao các ngành chức năng nghiên cứu, báo cáo, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian đến; nhất là quan tâm đến tạo điều kiện trong các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em gắn với rèn luyện kỹ năng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em trên địa bàn thành phố đã được lồng ghép vào Chương trình Hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Các sở, ngành, địa phương, hội đoàn thể trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình, hoạt động thời gian tới cần chú trọng đến những vấn đề các em trao đổi hôm nay. Quan tâm lồng ghép vấn đề trẻ em trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động, các diễn đàn tạo cơ hội cho trẻ em thực hiện quyền tham gia của mình, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em phát triển bình đẳng.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Đoàn Thanh niên và Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của Chương trình phối hợp trong “Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em” giai đoạn 2017-2022; làm cơ sở để triển khai, thực hiện hiệu quả, thiết thực cho giai đoạn 2023-2028. 

Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành Đoàn, Hội đồng đội thành phố cần tăng cường công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện các chương trình cho đội viên, học sinh; nhằm tạo sự thống nhất giữa việc giáo dục học thuật trong nhà trường và rèn luyện kỹ năng mềm cho các em, hướng đến mục tiêu duy nhất vì sự phát triển toàn diện của thiếu nhi.

Đặc biệt, chú trọng các Chương trình khám sức khoẻ định kỳ và tư vấn dinh dưỡng toàn diện cho trẻ em nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phần lớn không có nhiều điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Tổ chức Chương trình tham quan học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để góp phần nâng cao công tác giáo dục toàn diện, giúp trẻ em yếu thế có cơ hội tiếp cận với các giá trị văn hoá, giáo dục; đề xuất xây dựng các gameshow giáo dục trên sóng đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho trẻ em yếu thế, trẻ em có nguy cơ bỏ học, vi phạm pháp luật, thường xuyên tổ chức tư vấn tâm lý đối thoại trong trường học.

CÔNG TÂM

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác