Chuyển đổi số tạo động lực phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh, hiện đại
Đăng ngày 25-12-2022 13:53, Lượt xem: 600

Sáng 25-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Đồng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì Hội nghị.

Chuyển đổi số có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng đối với mọi quốc gia

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 là năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường và có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, kinh tế - xã hội năm 2022 của đất nước đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong thành tựu chung đó có đóng góp của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đóng góp của công tác chuyển đổi số.

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, chuyển đổi số quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhất là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu COVID-19; xa hơn là vai trò của chuyển đổi số trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả..

Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

"Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 là rất nặng nề. Trong đó, chúng ta vừa phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số", Thủ tướng nói.


Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; đánh giá ý nghĩa, hiệu quả của chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương mình; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn làm cản trở đến việc công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; đồng thời tìm đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm thì mới có giải pháp hữu hiệu.

Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06; xác định rõ các quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng như trong dài hạn. Cùng với kết nối, khai thác, dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số. Do đó cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2023, tình hình dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi. Việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06, công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nói riêng đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vấn đề chuyển đổi số, quản lý dân cư, thực hiện Đề án 06 có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.

Chuyển đổi số tạo động lực phát triển Đà Nẵng thành đô thị thông minh, hiện đại

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, để trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, kết nối đồng bộ với khu vực và thế giới, Đà Nẵng đã ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng với tầm nhìn, cam kết, quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; ban hành Khung Kiến trúc làm định hướng; phát triển Hạ tầng, Dữ liệu làm nền tảng để thúc đẩy, triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh theo hướng bền vững.

Chuyển đổi số, thành phố thông minh hoạt động dựa trên dữ liệu. Thành phố Đà Nẵng đã quán triệt rõ quan điểm dữ liệu là động lực của sự đổi mới, giúp giải quyết các thách thức mới, việc sử dụng dữ liệu một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi quản lý và phát triển kinh tế theo xu hướng kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Do vậy, để dữ liệu đóng vai trò là nền tảng, trung tâm, Đà Nẵng triển khai dựa trên 3 Trục: Hạ tầng - Kết nối - Thông minh.

Với chủ trương, chính sách như trên, công cuộc chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra mạnh mẽ, toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố đã tích cực tham gia và triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp.


Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu tại Hội nghị

Đến nay, thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Trong Quý I/2023, Đà Nẵng đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh và 7 Trung tâm điều hành quận huyện; triển khai Trung tâm quản lý thiên tai thông minh từ nguồn viện trợ không hoàn lại của KOICA Hàn Quốc; Đà Nẵng bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số, sử dụng dữ liệu số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp không cần phải nộp lại một số thành phần giấy tờ (giấy đăng ký kinh doanh, hộ khẩu, chứng nhận quyền sử dung đất).

Triển khai Nền tảng công dân số, mỗi người dân có d1 tài khoản số và 01 kho dữ liệu số, đăng nhập 1 lần và kế thừa lại dữ liệu số trong các lần sử dụng dịch vụ tiếp theo. Đến nay, thành phố đã có khoảng 260.000 tài khoản công dân số (hơn 43% dân số trưởng thành); góp phần đưa tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt hơn 71,5% (gấp 1,5 lần trung bình toàn quốc).

Song song đó, thành phố đã triển khai mở dữ liệu của cơ quan nhà nước và cung cấp dữ liệu dưới dạng dịch vụ để tạo ra giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp; đưa vào sử dụng Cổng Dữ liệu mở, đến nay đã cung cấp hơn 600 tập dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác. Triển khai trợ lý ảo (bao gồm chatbot/voicebot) tự động hướng dẫn thủ tục hành chính, dịch vụ công, thông tin kinh tế xã hội,... Triển khai Nền tảng di động Da Nang Smart city cung cấp hơn 30 dịch vụ thông minh và các tiện ích tra cứu, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân, cộng đồng (tra cứu hồ sơ một cửa, điểm thi, vi phạm giao thông, giá đất, theo dõi lượng mưa,...).

"Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là hành trình liên tục, lâu dài, đi từ thấp đến cao, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển. Do đó, thành phố Đà Nẵng rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành, tư vấn từ các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp, chuyên gia để thành phố Đà Nẵng ngày càng thông minh hơn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hoàn thành xây dựng thành phố thông minh vào năm 2030 như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra", Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

THỦY THANH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác