Phấn đấu đến năm 2025, 100% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Đăng ngày 04-07-2022 08:53, Lượt xem: 158

Với mục tiêu phòng, chống và giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định bền vững tại địa phương, ngày 29-6, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia trên dịa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2025.

Theo đó, trong năm 2022, phấn đấu 100% cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; 80% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và 50% dân cư trong cộng đồng có nhận thúc đúng về vấn đề này. Tăng dẩn tỷ lệ này trong các năm tiếp theo.

Đến năm 2025, phấn đấu 100% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và 70% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về vấn đề này; giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015. Mỗi năm phát hiện sớm qua sàng lọc, đánh giá nguy cơ và can thiệp tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 20% trên tổng số người uống rượu, bia mức nguy hại.

Phấn đấu 30% số người nghiện rượu, bia được khám sàng lọc phát hiện sớm và được tư vấn, điều trị cai nghiện và tái nghiện tại cộng đồng, đển năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 50%; 20% số người nghiện rượu, bia được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia; đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 40%. Tăng dần tỷ lẹ này trong các năm tiếp theo. 100% cán bộ y tế chuyên trách được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn về phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp giảm tác hại, điều trị hướng dẫn cai nghiện.

Tiếp tục rà soát, tổ chức triển khai và thực hiện thống nhất các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia từ cấp thành phố đến cấp xã phường trên địa bàn thành phố. Rà soát, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trên toàn thành phố, trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng đến các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sản xuất, quản lý, vận chuyển, tiêu thụ nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân trên địa bàn. Xác định trách nhiệm cụ thể và phát huy vai trò chủ động của các ngành, các tổ chức đoàn thể có liên quan và UBND các cấp trong việc triển khai tổ chức thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Giảm dần tiến tới chấm dứt việc lưu thông rượu, bia và đồ uống có cồn khác không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường.

UBND thành phố giao Sở Y tế là cơ quan thường trực về phòng, chống tác hại của rượu, bia; chủ động phối hợp với các ngành có liên quan để xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm thực hiện Kế hoạch này; định kỳ kiểm tra, sơ kết, đánh giá kết quả và báo cáo UBND thành phố và Bộ Y tế. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch phòng, chống tác hại do lạm dụng rượu bia của ngành y tế để triển khai thực hiện hằng năm khi được phê duyệt; triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh hoặc rối loạn chức năng do uống rượu bia tại cộng đồng, các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại các cơ quan đơn vị khác.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện các quy định cấm uống, rượu bia trong bệnh viện, cơ sở y tế; duy trì phong trào thi đua “Không uống rượu, bia tại các bệnh viện, trung tâm” trong ngành y tế; chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “Cơ sở y tế không rượu, bia”. Đào tạo tập huấn chuyên môn phòng, chống tác hại rượu bia cho cán bộ y tế trực tiếp sàng lọc, đánh giá nguy cơ, tư vấn và quản lý người uống rượu, bia có nguy cơ đối với sức khỏe tại cộng đồng và các đơn vị chăm sóc sức khỏe ban đầu; nói chuyện chuyên đề phòng, chống tác hại rượu, bia tại cộng đồng dân cư cho các tổ trưởng tổ dân phố, thôn bản, những người có uy tín trong cộng đồng về giảm lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác.

Thực hiện tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh, gia đình người bệnh và người dân đến khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế về tác hại và biện pháp phòng chống tác hại của rượu, bia trong đó chú trọng phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ và người bệnh có uống rượu, bia. Tổ chức các hình thức truyền thông tại cộng đồng phù hợp; triển khai các chương trình, mô hình truyền thông nâng cao sức khỏe về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại nơi làm việc và tại cộng đồng dân cư.

Sở Y tế  có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, lớp tập huân vê thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật triển khai hoạt động phòng chống tác hại của rượu, bia cho các đơn vị liên quan; tập huấn cho chủ các cơ sở, người lao động của cơ sở kinh doanh rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác; nhà hàng, quán nhậu phải được tập huấn về trách nhiệm trong cung cấp rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác.

Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Công Thương, các ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan triển khai công tác truyền thông về tác hại của rượu, bia, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và các quy định xử phạt vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chứng, trang web của sở, ngành, UBND các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt vào các dịp cao điểm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; đẩy mạnh truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư tại tổ dân phố, khu dân cư; tham mưu đề xuất UBND thành phố ban hành nội dung khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng với mức hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho các tập thể, cá nhân có mô hỉnh hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác Phòng chống tác hại của rượu bia.

UBND thành phố giao Sở Công thương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc thẩm quyền phụ trách. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống rượu, bia nhập lậu, giả và không đảm bảo chất lượng; thực hiện các biện pháp phòng, chống rượu, bia nhập lậu, giả và không đảm bảo chất lượng.

Cục Quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia gia, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh rượu, bia về niêm yết giá bán, xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa...

Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí, địa phương trên địa bàn thành phố tuyên truyền, phổ biến Luật và các quy định, chính sách về Phòng chống tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; đồng thời phối hợp hướng dẫn lồng ghép hoạt động truyền thông trong các sự kiện, ngày lễ, hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống tác hại của rượu, bia; chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị trực thuộc phối hợp Sở Y tế tổ chức thực hiện tuyên truyền hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.

UBND thành phố đề nghị Công an thành phố thường xuyên chỉ đạo tuần tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực thi các quy định của Luật về phòng chống tác hại của rượu, bia. Phối hợp tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán, vận chuyển bia, rượu và đồ uống có cồn không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật khác.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương tích cực phối hợp với ngành y tế tổ chức triển khai, giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là hành vi sử dụng rượu, bia trong thanh thiểu niên, tăng cường quản lý đối với sản xuất và kinh doanh thủ công tại địa phương. Tùy tình hình thực tế tại địa phương, xem xét thành lập hoặc lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong nhiệm vụ của Ban chỉ đạo liên ngành phù hợp hiện có trên địa bàn quản lý. 

UBND thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên, các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành, địa phương trong thành phố nghiên cứu triển khai việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thông mới, đô thị văn minh” gắn liền với các giải pháp thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Huy động sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc giám sát việc thực hiện quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; về sản xuất, kinh doanh rượu, bia trong cộng đồng. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong giám sát, phát hiện và kịp thời ngăn ngừa hành vi điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, hành vi gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác do sử dụng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT

Các tin khác